Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật
6 luật gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công và Luật Quy hoạch.
Siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ
Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Theo đó, việc phân định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về nợ công, giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công thống nhất. Luật quy định cụ thể nội dung, trình tự lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với chỉ tiêu an toàn nợ công; kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm, hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức cho vay lại hàng năm.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật. |
Việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ được quy định theo hướng siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
Minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sử hữu chéo
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15-1-2018. Luật gồm 3 điều.Luật đã bổ sung trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng. Quy định này để hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng. Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung để minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sử hữu chéo. Cụ thể: Bổ sung quy định về không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng tại Điều 126,127,128 Luật Các tổ chức tín dụng; bổ sung quy định hạn chế một cổ đông lớn và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại tổ chức tín dụng khác..
Liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp
Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều. Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản; thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng. Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan trực đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc Luật. Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp 2013, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Luật có hiệu lực từ 1-1-2019.
Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ 1-7-2018. Luật chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật hiện hành. Liên quan đến các nhiệm vụ của cơ quan đại diện, Luật đã sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật của quy định về một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện để bảo đảm phù hợp với pháp luật chuyên ngành; bổ sung quy định về nhiệm vụ của cơ quan đại diện thống nhất quản lý thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận để phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan đại diện về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho lĩnh vực thương mại của cơ quan đại diện và quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện…
Quang cảnh của buổi công bố. |
Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 1-1-2019 gồm 9 chương, 105 điều. So với Luật Thủy sản 2003, Luật đã bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam. Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hệ thống Kiểm ngư bao gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư được nộp vào ngân sách Nhà nước và Cơ quan Kiểm ngư được cấp lại một phần kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho hoạt động kiểm ngư.
Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới
Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về: lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Hệ thống quy hoạch gồm các loại quy hoạch sau: Cấp quốc gia; cấp vùng; cấp tỉnh; quy hoạch đô thị, nông thôn; quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới. Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.