Cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội

Thứ Bảy, 03/04/2021, 12:46
Để tăng cường công tác thu hồi tài sản và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định về biện pháp thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội.

Thông tin đến báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ quý I năm 2021 của Bộ Tư pháp, trước câu hỏi của phóng viên về việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự- hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, để tăng cường công tác thu hồi tài sản và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định về biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, qua nghiên cứu của Bộ tư pháp cho thấy, bên cạnh biện pháp tịch thu tài sản theo thủ tục tố tụng hình sự truyền thống, chờ cho đến khi có bản án kết tội của tòa án thì mới thực hiện tịch thu tài sản thì ở một số nước trên thế giới đã có cơ chế khác. Các nước đã ban hành đạo luật với tên gọi khác nhau để thực hiện cơ chế khác: Ở Úc có cơ chế tịch thu dân sự và tịch thu tài sản không giải thích được nguồn gốc; Thái Lan ban hành đạo luật chống rửa tiền và quy định biện pháp tịch thu tài sản dân sự qua cơ chế giám sát các giao dịch và đạo luật cơ bản về phòng chống tham nhũng thì quy quy định cơ chế thu hồi tài sản đối với công chức giàu có bất thường; Hoa Kỳ cũng có quy định về tịch thu hành chính đối với tiền không xác định được nguồn gốc hợp pháp. 

Các cơ chế này sẽ khắc phục được các cơ chế truyền thống trước đây, tránh việc tẩu tán thất thoát tài sản trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng mà rất mất thời gian. Có thể coi đây là biện pháp tăng cường biện pháp thu hồi tài sản đặc biệt là trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. 

Ông Đỗ Đức Hiển thông tin đến báo chí việc nghiên cứu cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu, Bộ Tư pháp nhận thấy rằng, biện pháp mới có sự phức tạp và nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và trực tiếp quyền sở hữu hợp pháp. Để thực hiện cơ chế này cũng phải thay đổi chức năng nhiệm vụ của nhiều cơ quan, bảo đảm sự đồng bộ các thiết chế hiện nay như thiết chế về kiểm soát tài sản, thu nhập thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ chế này liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự …

 Bộ Tư pháp nhận thấy nghiên cứu này cần thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá cả lý luận thực tiễn, các quy định pháp luật hiện hành; nghiên cứu về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực để triển khai thực hiện nếu có. 

Trên cơ sở nghiên cứu của Bộ Tư pháp, ngày 31/3, Bộ Tư pháp nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đánh giá nỗ lực của Bộ Tư pháp đồng thời giao Bộ Tư pháp đánh giá sâu sắc và tiếp tục thực hiện khả năng xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, phù hợp với lộ trình đánh giá đa phương phòng chống rửa tiền trong giai đoạn tiếp theo. 

Về hướng nghiên cứu tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo tập trung 3 cơ chế. Thứ nhất là cơ chế tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự qua quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ công chức mà phát hiện có nguồn tiền, tài sản kê khai không trung thực và không giải trình được nguồn gốc.

 Cơ chế thứ 2 là tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự qua quá trình kiểm soát các giao dịch đáng ngờ của cá nhân thuộc danh sách “đen” hoặc có mối liên quan đến tội phạm. 

Cơ chế thứ 3 là tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự qua giải quyết các vụ án hình sự. Đây là nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian sắp tới. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nghiên cứu này và hoàn thành trong năm 2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Nguyễn Hương
.
.
.