Chưa thi hành xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự có được đặc xá?

Thứ Hai, 11/06/2018, 15:01
Sáng 11-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua. 


Đặc xá khác tha tù trước thời hạn có điều kiện như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng số lượng phạm nhân được đặc xá ở mỗi đợt tuy nhiều nhưng so với số người chấp hành án và số lượng người được giảm án, tha tù trước thời hạn là không lớn. 

Đại biểu nêu ý kiến“Số lượng này đặt trong bối cảnh là chính sách khoan hồng, dịp lễ trọng đại và khuyến khích người phạm tội hối cải, đặc biệt góp phần quan trọng vào việc giảm tải cho trại giam”, đồng thời cho rằng các lần đặc xá vừa qua cơ bản được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tiễn của đất nước

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Đặc xá (sửa đổi).

Nêu ý kiến về điều kiện đặc xá, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự. 

Từ đó, đại biểu đề nghị cần quán triệt đặc xá là thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, cần phân định rành mạch tính chất của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác. Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song hai chế định này sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đồng tình với những đánh giá của rất nhiều đại biểu: trong thời gian vừa qua, việc đặc xá thể hiện sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện. Trong 10 năm đã có 7 đợt đặc xá, tổng số người được đặc xá là khá lớn, hơn 85 nghìn người. "Điều này tạo ra mâu thuẫn là khi Hội đồng xét xử xem xét hình phạt, tăng giảm 6 tháng hay 1 năm tù, họ phải cân nhắc rất kỹ, thậm chí chịu áp lực rất lớn, nhưng khi đặc xá, số lượng rất lớn" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình đưa quan điểm. 

Phân tích sự khác nhau giữa tha tù trước thời hạn có điều kiện và đặc xá, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ nếu một người bị án tù 10 năm, đã chấp hành 5 năm được tha tù trước thời hạn nếu ra ngoài xã hội có tái phạm sẽ phải quay lại để chấp hành tiếp án phạt tù còn lại của bản án. Còn đặc xá là miễn phần hình phạt còn lại của bản án. Do đó, việc tha tù trước thời hạn vừa thể hiện sự nhân đạo, vừa nghiêm minh, trong đó có vai trò gắn liền với cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương theo dõi người được tha tù trước thời hạn không tái phạm. 

"Tuy nhiên cần phải lưu ý, thời điểm đặc xá phải đúng là những sự kiện đặc biệt quan trọng, nhiều năm làm một lần chứ không nên làm mỗi năm một lần sẽ trùng với tha tù trước thời hạn" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm. 

Một số đại biểu còn cho rằng, nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá, cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa. 

Quy định rõ về thời điểm đặc xá

Dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật vì phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. 

Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, do đó nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể về sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện. 

Theo đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk), về thời điểm đặc xá, quy định của dự thảo luật chưa rõ ràng về sự kiện trọng đại là "sự kiện nào, trọng đại ra sao". Điều này sẽ khiến khi áp dụng thực hiện tràn lan, làm mất đi ý nghĩa về sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Từ đó, đại biểu đề nghị quy định rõ đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9 hoặc Tết Nguyên đán sẽ giúp các cơ quan tham mưu, thực hiện chủ động trong triển khai Luật Đặc xá. 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, để bảo đảm ý nghĩa của công tác đặc xá, bảo đảm lựa chọn chính xác các trường hợp để trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá cần bổ sung các quy định nhằm tăng cường các thiết chế kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể nội dung này. Từ đó, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan; trách nhiệm kiểm tra của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; trách nhiệm kiểm soát giữa các khâu và giữa các cơ quan; trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với công tác đặc xá.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.

Chưa thi hành xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự có được đặc xá?

Về thi hành hình phạt bổ sung, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằngtỷ lệ 57% người được đặc xá có việc làm và thu nhập ổn định phần nào cho thấy con đường hoàn lương không dễ dàng. Thực tế không ít doanh nhân, những nhà quản lý, người có chuyên môn sâu vướng vào vòng lao lý từ chính kinh nghiệm phải trả giá bằng những năm tháng mất tự do họ có khao khát được làm lại cuộc đời nhưng khi được đặc xá rồi cơ hội mưu sinh phấn đấu của họ tạm thời bị chặn lại bởi hình phạt bổ sung bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. 

Dù được tự do nhưng hòa nhập cộng đồng thực sự chỉ đến với họ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung để được xóa án tích và cấp phiếu lý lịch tư pháp có giá trị che giấu án tích khi tham gia vào các quan hệ xã hội. “Việc mở rộng giá trị của đặc xá bao gồm cả xem xét, miễn nhiệm giảm một số hình phạt bổ sung nhằm tiếp lửa một cách thực chất cho con đường hoàn lương của những người thực sự xứng đáng được đặc xá rất cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo” Đại biểu phân tích.

Đại biểu cho rằng những trường khi được trả tự do chỉ còn tay trắng  thì cần được quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, sau khi được đặc xá. Ngược lại, cần ngăn chặn sự lạm dụng để lẩn tránh nghĩa vụ bồi thường khi bên bồi thường là cơ quan, tổ chức và khoản tiền bồi thường thuộc tài sản công.“Như vậy, để chặt chẽ hơn, ngăn ngừa sự lạm dụng, làm thất thoát tài sản công, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc phân ra các trường hợp nếu bên bồi thường là cá nhân thì việc thỏa thuận đồng ý bồi thường sau khi đặc xá có thể do chính cá nhân đó quyết định” – Đại biểu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Lâm Đồng cho rằng, điểm c khoản 1 đưa ra điều kiện: "Người được đề nghị đặc xá đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền. Trường hợp chưa chấp hành xong do Chủ tịch nước xem xét quyết định" là còn bất cập vì theo điểm này những người dù cải tạo tốt mấy nhưng không đủ điều kiện thi hành hình phạt tiền thì không được đặc xá; đồng thời đề nghị phải sửa thành: điều kiện phải là những người có tiền, có điều kiện nhưng cố tình không chấp hành án. Mặt khác, việc xem xét miễn hình phạt là quyền tư pháp thuộc về tòa án không nên trao Chủ tịch nước thẩm quyền này.

Cũng phát biểu về điều kiện phải chấp hành xong nghĩa vụ thi hành án dân sự và thi hành án hình sự, Đại biểu Triệu Thanh Dung(Cao Bằng)phân tích,nếu người phải thi hành án phạt tù mà cải tạo tốt nhưng do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ dân sự vẫn được đặc xá. Tuy nhiên, nếu trả tự do những người này lại tạo ra bức xúc cho người bị hại, người được thi hành án dân sự. 

Dư luận xã hội cho rằng việc thực hiện hình phạt không nghiêm túc, pháp luật không đủ sức răn đe người phạm tội. Có trường hợp người được đặc xá và người được thi hành án dân sự tiếp tục mâu thuẫn nặng nề làm ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự an toàn xã hội. “Tôi đề nghị người được đặc xá phải hoàn thành nghĩa vụ dân sự là bồi thường cho người bị hại. 

Riêng về án phí hình sự, nếu người phải thi hành án phạt tù thực sự có hoàn cảnh khó khăn có thể không cần điều kiện phải thi hành đầy đủ án phí, vì đây là khoản tiền nhỏ thu cho ngân sách nhà nước. Về các khoản tiền phạt là khoản thu cho ngân sách nhà nước, có thể xem xét không áp dụng điều kiện này nếu người phải thi hành án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng thực hiện” – đại biểu Dung đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Trang (Nghệ An)cho rằng nghĩa vụ dân sự, trong đó bao gồm cả bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra nhằm bù đắp những tổn thất, thiệt hại đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và các cá nhân bị hại. Khi đặc xá nhà nước có thể tha, miễn hình phạt, nhưng những hậu quả thiệt hại gây ra thì người chấp hành hình phạt tù vẫn phải khắc phục. Vì vậy, nhà nước phải xử lý một cách hợp tình, hợp lý hai mối quan hệ này, chính sách nhân đạo cũng phải thực hiện công bằng với người phạm tội và cả với người bị hại.

Một là phạm nhân có điều kiện thi hành án nhưng không chấp hành thì không thể đánh giá có ý thức chấp hành pháp luật tốt được, không thể đánh giá có ăn năn hối cải được. Vì vậy, không nên xem xét đặc xá, trừ trường hợp người được thi hành án có văn bản đồng ý. “Ttheo tôi chúng ta không nên quy định việc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá để làm điều kiện đặc xá, vì khi có điều kiện thi hành án bị ràng buộc đang ở trong tù nhưng cũng không chấp hành thì khi ra tù việc tự nguyện chấp hành phần dân sự rất không khả thi. Có một số trường hợp chỉ là hứa hão hoặc cách nói "đãi bôi" để được đặc xá.Quốc hội”.                                                  

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Đặc xá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật đặc xá (sửa đổi) được ban hành sẽ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, đúng pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện đặc xá trong những năm qua. 

Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở thực tiễn, tiếp thu các ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội  và cử tri, nhân dân cả nước.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ  phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến để chỉnh lí, hoàn thiện các quy định của dự án Luật như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, thời điểm đặc xá, đối tượng, các trường hợp không được đặc xá... 

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân tiếp tục cho ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan chức năng tiếp thu, nghiên cứu, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6.

Phương Thuỷ
.
.
.