Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản

Thứ Ba, 29/05/2018, 04:01
Nhận lời mời của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, sáng nay Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã rời Hà Nội lên đường thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 29-5 đến ngày 2-6-2018. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Các ủy viên Trung ương Đảng: Đào Việt Trung - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư; Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương; Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Cùng tham gia đoàn có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - ông Nguyễn Quốc Cường; Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Tuấn  Phong; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Tiệp và đại diện lãnh đạo một số ban, ngành trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có ký kết hợp tác đầu tư với Nhật Bản.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, thực chất, đạt nhiều bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hoá, giáo dục, nông nghiệp, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, nhất là sau khi quan hệ giữa hai nước được nâng cấp thành đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014; đặc biệt là hướng đến kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018). 

Chuyến thăm khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, trong đó, luôn coi trọng tăng cường đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản. 

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam (năm 2017).

Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 33,4 tỷ USD (tăng 16,8% so với năm 2016). Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 200 triệu USD trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,8 tỷ USD (tăng 14,3% so với năm 2016). 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,7 tỷ USD (tăng 15,7% so với cùng kỳ  năm 2017). Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 4,33 tỷ USD (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017), nhập khẩu 4,34 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017).

Năm 2017, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức 9,11 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế tính đến cuối tháng 3-2018, Nhật Bản có 3.693 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 49,839 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến 20-3-2018, Nhật Bản có 96 dự án cấp mới, 42 dự án tăng vốn và 112 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 592,67 triệu USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và cùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Quan hệ về hợp tác giáo dục và đào tạo giữa 2 nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đến đầu năm 2018 khoảng 75.000 người.

Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; đang hợp tác xây dựng trường đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Kim Thẩm
.
.
.