Chủ tịch Quốc hội: "Tham nhũng nhỏ hay lớn đều đã có chế tài xử lý"

Thứ Sáu, 29/11/2019, 19:21
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chủ trương đã rõ và pháp luật đều đã quy định, tham nhũng nhỏ hay lớn đều đã có chế tài xử lý.



Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8 tại thành phố Cần Thơ, ngày 29/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp xúc cử tri phường An Hội (quận Ninh Kiều) và huyện Cờ Đỏ.

Cùng tham dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Trần Quốc Trung…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại các cuộc tiếp xúc, sau khi đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ thêm về những kết quả nổi bật tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Các ý kiến cử tri phường An Hội vào sáng 29/11 và tại huyện Cờ Đỏ diễn ra chiều cùng ngày tập trung vào các nội dung gồm việc sáp nhập 3 phường tại quận Ninh Kiều, tình hình Biển Đông, công tác phòng chống tham nhũng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ trẻ em, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, công tác phòng chống ma túy, chính sách hỗ trợ giá lúa, chính sách cho người cao tuổi, sách giáo khoa…

Ông Hồ Văn Thiên, phường An Hội bày tỏ vui mừng vì mới được thông báo sắp tới quận Ninh Kiều sẽ sáp nhập phường Tân An, phường An Lạc và phường An Hội. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn việc sáp nhập này có ảnh hưởng đến những giấy tờ tùy thân của người dân hay không (chủ quyền nhà, căn cước công dân, bằng lái xe, hộ khẩu, xác định nguyên quán…). Bà con mong muốn, nếu phải làm thủ tục giấy tờ lại, cơ quan chức năng không nên thu các loại phí vì trước đây khi làm các loại giấy tờ đó người dân đã đóng tiền rồi.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với giải trình của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều về phương án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn theo chủ trương chung; ghi nhận các băn khoăn của bà con về chi phí đi lại, chi phí phát sinh khi làm các thủ tục hành chính liên quan…, quận sẽ tổng hợp vào đề án để trình Hội đồng nhân dân thành phố, đưa vào đề xuất kiến nghị trình lên cấp cao hơn để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những giấy tờ hành chính trước thời điểm sáp nhập (ví dụ như giấy khai sinh, giấy kết hôn…) mà người dân xác nhận ở phường cũ không cần thay đổi. Những giấy tờ có thể thay đổi (ví dụ như thẻ căn cước công dân) hoặc giao dịch mới sẽ làm theo phường mới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quận Ninh Kiều và thành phố Cần Thơ chỉ đạo việc giải quyết thủ tục giấy tờ tùy thân và các giao dịch tài sản cho nhân dân các phường có chủ trương sáp nhập một cách thuận lợi nhất, chủ động cung cấp dịch vụ tại chỗ tới từng khu phố cho người dân.

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ với cử tri huyện Cờ Đỏ và cử tri phường An Hội về thực trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, trong đó có sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, xâm nhập mặn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn cầu, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Khu vực ảnh hưởng lớn nhất bởi nước biển dâng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện Nhà nước có chủ trương một cách toàn diện và dành nguồn lực thỏa đáng để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó thực hiện những mục tiêu, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ghi nhận ý kiến cử tri phản ánh thực trạng sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng cũng như những mong muốn Nhà nước có những giải pháp hiệu quả để khắc phục những khó khăn mà cử tri đã nêu lên, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ thường xuyên cập nhật thông tin cũng như tình hình giải quyết của các bộ, ngành hữu quan...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các cử tri phường An Hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trả lời ý kiến cử tri về tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận, dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án chậm tiến độ do thu xếp vốn. Quốc hội đã giám sát và Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hy vọng đến năm 2020-2021 sẽ có con đường cao tốc mới về Mỹ Thuận, rồi dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ sớm được triển khai; tiếp sau năm 2021 sẽ là đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ ra đến đất mũi Cà Mau…, góp phần giải quyết hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cử tri Trần Minh Quang và cử tri Nguyễn Văn Tiên phường An Hội bày tỏ quan tâm về tình hình Biển Đông. Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Việt Nam đã triển khai đồng bộ những biện pháp hòa bình mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Cử tri đã bày tỏ vui mừng vừa qua Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, chủ trương là sẽ cố gắng thực hiện đảm bảo tiến độ đến năm 2025 có sân bay mới, giảm áp lực cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với ý kiến cử tri cho rằng thời gian qua một số vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, tuy nhiên cử tri bày tỏ lo lắng về hiện tượng “tham nhũng vặt” từ đó có thể “tích tiểu thành đa,” vậy làm sao để phòng chống và ngăn chặn? Theo Chủ tịch Quốc hội, trước hết cơ quan chức năng rà soát hệ thống pháp luật để có thể tiếp tục hoàn chỉnh; trong thực thi công vụ ở các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ; lựa chọn những cán bộ tốt để đưa vào bộ máy và kiên quyết loại bỏ những người không xứng đáng. Chủ trương đã rõ và pháp luật đều đã quy định, tham nhũng nhỏ hay lớn đều đã có chế tài xử lý.

Cử tri xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ đánh giá, những vụ án tham nhũng lớn được xem xét xử lý công khai, tạo niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn về thu hồi tài sản từ những vụ án tham nhũng. Trả lời nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là ý kiến đúng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng là hoạt động quan trọng, có tính nguyên tắc. Có những vụ án tham nhũng đã thu hồi tài sản ngay, có những vụ đợi tòa án xử. Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Nhà nước đã thu hồi hết tiền mua gần 9.000 tỷ đồng có tính cả tiền lãi ngân hàng trong thời gian dùng tiền Nhà nước để mua. Cơ quan chức năng đang xét xử tiếp tội đưa và nhận hối lộ trong vụ án này…

Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận ý kiến cử tri các địa phương phản ánh về trợ cấp xã hội trong chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi cũng như người khuyết tật còn thấp, mong hạ mức tuổi được hưởng từ 80 tuổi xuống mức 75 tuổi và nâng mức trợ cấp xã hội lên; về chi trả bảo hiểm y tế; việc lựa chọn sách giáo khoa mới sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục...

Theo VGP
.
.
.