Chủ tịch Quốc hội: Cần tạo ra sự đột phá mạnh mẽ cho Thủ đô phát triển
Chiều 20-12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 5, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP. Hà Nội
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS), thời gian qua TP. Hà Nội đã đạt được một số kết quả trong việc thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; kết cấu hạ tầng, nhiều dự án, công trình lớn đã được xây dựng... Thu ngân sách năm 2015 tăng gần 5,6 lần so với năm 2004, chi đầu tư phát triển năm 2015 tăng khoảng 11 lần so với năm 2004.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thảo luận tại phiên họp |
Tuy nhiên, so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 thì cơ chế đặc thù về TCNS hiện hành tạo nguồn lực cho thành phố khá thấp vì bình quân thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho TP. Hà Nội 5 năm qua còn thấp so với quy định, chỉ khoảng 30-35%.
Mặt khác, một số quy định về cơ chế tài chính cho Thủ đô Hà Nội trong Luật Thủ đô có hiệu lực từ năm 2013 và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 có hiệu lực từ 1-1-2017 nhưng đến nay chưa được Chính phủ hướng dẫn.
Vì vậy, để hướng dẫn chi tiết quy định về cơ chế tài TCNS đặc thù cho Thủ đô Hà Nội theo quy định của hai Luật này, Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP đối với TP. Hà Nội nhằm tạo cơ chế TCNS mới, góp phần động viên nguồn lực, đảm bảo sự phát triển của thành phố.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Khoản 2 Điều 21 Luật Thủ đô quy định, Hà Nội được sử dụng các khoản thu Ngân sách Trung ương vượt dự toán. Có nghĩa được hiểu rằng, Thủ đô được hưởng 100% các khoản thu vượt dự toán. Nhưng trừ thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, khoảng chênh lệch thu – chi ngân hàng…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
“Nhìn vào ta thấy có một số khoản Thủ đô được hưởng, như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng xuất khẩu… Nghe thì rất hoành tráng nhưng không hiểu Thủ đô có được quản lý thu không, vì việc này lại trực thuộc Tổng cục Hải quan. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích thêm…” – ông nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình: “Theo luật thì khi thu vượt dự toán anh được thưởng và dùng tiền đó đầu tư trở lại, nhưng với điều kiện Ngân sách Trung ương vượt thu. Như năm nay, đến thời điểm hiện tại nhiều địa phương vượt thu rất lớn, tuy nhiên Trung ương mới đạt được 83,6%. Nói đi thì nói lại, phải đáp ứng tính khả thi của ngân sách”.
Theo Bộ trưởng, dù rất chia sẻ với những khó khăn của Hà Nội nhưng với giá dầu hiện nay và lộ trình cắt giảm thuế quan, vài năm tới Ngân sách Trung ương càng khó khăn để cân đối. Thưởng trong bối cảnh Ngân sách khó khăn và thưởng bằng tiền đi vay thì rất khó, bội chi tăng lên, nợ công sẽ tăng lên… Ông cũng cho rằng, đề xuất của Hà Nội hơi bị chậm so với kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn… mà Quốc hội vừa thông qua.
Tại phiên họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nêu lên những khó khăn, thách thức của Hà Nội: “5 năm trước Hà Nội tăng trưởng kinh tế 9,23% nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%...Theo chiến lược nhà ở, phải bố trí dân lên ở nhà cao tầng, hạn chế nhà đất vì không đủ quỹ đất, mật độ dân cư quá cao. Để giải quyết được điều này thì hạ tầng giao thông phải đảm bảo. Tuy nhiên 300km tàu điện ngầm chưa làm được km nào, 8 tuyến tàu điện ngầm thì đến năm 2021 mới có tuyến đầu tiên…Chúng tôi đã kêu gọi vốn, đầu tư tư nhân nhưng không hấp dẫn. 100 bến xe bus hiện nay thì 73 tuyến phải trợ giá. Sắp tới mở ra thêm 53 tuyến thì phải trợ giá vì dân không đi”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp |
Bí thư Thành uỷ đề nghị UBTVQH xem xét, đánh giá, có cơ chế đặc thù để đáp ứng được tình hình, giúp Hà Nội vượt qua được thách thức. “Bởi trên địa bàn Hà Nội diễn ra rất nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, mỗi khi có sự kiện Hà Nội hết sức lo lắng. Nếu không giải quyết được vấn đề hạ tầng, giao thông thì dễ dẫn đến vấn đề bất ổn về chính trị…” - ông đề nghị mức chi thường xuyên và mức đầu tư cho Hà Nội được điều chỉnh lên.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, hơn ai hết, Quốc hội, UBTVQH rất hiểu những khó khăn của Chính phủ, đặc biệt là khó khăn của Ngân sách Trung ương. Là công dân sống và làm việc ở Hà Nội 22 năm, Chủ tịch Quốc hội cũng hiểu và chia sẻ với những khó khăn của Thủ đô. “Tôi cho rằng cần thiết ban hành Nghị định này, với điều kiện đảm bảo đúng luật, đúng thẩm quyền và có sự đột phá. Cần tạo ra một sự đột phá mạnh mẽ cho Thủ đô phát triển” – bà nói.
Cùng với cơ chế tài chính, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu một thêm một số cơ chế nữa trong quản lý điều hành để tạo điều kiện cho Hà Nội. Trên nguyên tắc cốt yếu là không làm Hà Nội thiệt hơn, không thu hẹp hơn nguồn lực. “Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng phải cố gắng hài hoà, làm sao đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và mục đích đề ra” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định nhưng phải bám sát Điều 74 Luật NSNN và điều 21 Luật Thủ đô; đồng thời cần đột phá, tạo lợi thế hơn cho Hà Nội. Về tỷ lệ điều tiết, vẫn giữ nguyên mức Quốc hội quy định là 35%. Trong quy hoạch đầu tư công trung hạn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, tạo điều kiện thêm cho Thủ đô…