Chủ động ứng phó nguy cơ hạn mặn ở ĐBSCL

Thứ Tư, 23/09/2020, 19:09
Chiều 23/9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.  

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, cách đây một năm, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị về công tác phòng, chống hạn, mặn vùng ĐBSCL. Từ đó các tỉnh, thành ứng phó có hiệu quả đợt hạn, mặn đầu năm 2020. 

Tỉnh Tiền Giang không để người dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Lúa và cây ăn trái thiệt hại ít nhất. Đợt hạn, mặn vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã đắp đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành, giúp vùng cây ăn trái, nước sinh hoạt của tỉnh được bảo vệ thành công, kể cả tỉnh Long An. Tiền Giang còn chở nước ngọt cấp miễn phí tưới cây ăn trái với tổng chi phí khoảng 60 tỷ đồng. 

Tại buổi làm việc, tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ có giải pháp xử lý căn bản tình hình xâm nhập mặn qua sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) và sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An). 

Tiền Giang cũng đề nghị hỗ trợ đầu tư các công trình cống ngăn mặn dọc sông Tiền giáp đường tỉnh 864 và cho chủ trương thực hiện Dự án Trạm bơm nước thô tại huyện Cái Bè và hệ thống chuyển tải nước phục vụ cho 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc vào chiều 23/9.

5 năm qua, ĐBSCL xảy ra hai đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo Bộ NN&PTNT, mùa khô 2020-2021 có nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mekong và nguồn nước về ĐBSCL. 

Xâm nhập mặn 2019-2020, ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, phạm vi ảnh hưởng 1.688.600 hecta, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 cao hơn 50.376 hecta. 58.400 hecta lúa, 25.120 hecta cây ăn trái bị ảnh hưởng và 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nhiều tuyến đê, đường giao thông, sụt lún nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận, đưa ra biện pháp trước mắt và lâu dài, hạn chế thấp nhất tổn thất do hạn, mặn gây ra, đảm bảo cuộc sống của người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hạn, mặn năm 2019 giảm nhiều so với năm 2016, kết quả đó nhờ sự chủ động chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và nhận thức của người dân nâng cao. Vì vậy cần phải chủ động ngay từ đầu năm và điều cần thiết tìm giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn để giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần phải đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra. Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Tiền Giang đã bỏ ngân sách mua nước ngọt cấp miễn phí cho người dân cứu vườn cây ăn trái.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong công tác ứng phó hạn, mặn, các địa phương làm rất tốt. Hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong vận động nhân dân, lực lượng vũ trang chủ động hỗ trợ nước ngọt cho người dân. Thủ tướng nhấn mạnh hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế, từ nay sẽ trở thành câu chuyện bình thường trong đời sống người dân ĐBSCL. 

“Đó là nguy cơ nhưng cũng xuất hiện thời cơ nếu chúng ta biết ứng phó, thích nghi, hạn chế những thiệt hại do hạn, mặn gây ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Các địa phương phải đảm bảo sản xuất trong tình hình mới, giữ được sản lượng nông nghiệp, phát huy tinh thần “4 tại chỗ”, bắt đầu từ người dân. 

Mỗi hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước cho  sinh hoạt, sản xuất, phải tự lo cho mình trước. Nhà nước tập trung lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, dự báo đầy đủ kịp thời, thông tin tin cậy về nguồn nước, tình trạng thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của nông dân tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy. Ông Mai Văn Âu, hộ dân sản xuất sầu riêng “trái mùa nghịch vụ” chia sẻ lúc chưa có hạn, mặn, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi hecta thu hoạch khoảng 20-25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60-70.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, lãi hơn một tỷ đồng. 

Nông dân này kiến nghị Chính phủ cho làm cửa ngăn mặn cho một số tỉnh ĐBSCL, hỗ trợ kinh phí cho huyện Cai Lậy làm kênh nội đồng, tăng lượng trữ nước ngọt, có cơ chế hỗ trợ người dân phục hồi vườn cây suy kiệt. Các cơ chức năng cử cán bộ xuống giúp nông dân sản xuất sầu riêng theo quy trình VietGAP, có thương hiệu, xuất xứ để dáp ứng yêu cầu của đối tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát mô hình trồng trái cây ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Thủ tướng Chính phủ đã động viên người dân, xem xét chuyển hướng mùa vụ, từ sáng tạo trong xử lý sầu riêng nghịch vụ. Vì vừa bán được với giá cao và không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Tỉnh Tiền Giang và nhà vườn cần nghiên cứu, chuyển giao việc sản xuất trái vụ này để rải vụ. 

Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng cao của huyện Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang, trong quá trình chỉ đạo, tham vấn hỗ trợ bà con nông dân. Thủ tướng mong muốn bà con đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, chiến thắng thiên tai và đa dạng hóa các loại cây trồng trước tình hình biến đối khí hậu.

Văn Vĩnh
.
.
.