Chính phủ kiến tạo chính là động lực để phát triển
Chính phủ Việt Nam coi việc xây dựng một hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhất cho nhiệm kì 2016-2020.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình KT-XH năm 2016 và nhiệm vụ 2017
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Quốc phòng
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu
Ngày 9-12, tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động – động lực mới cho phát triển” ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ các định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới của Chính phủ nhằm giải quyết những tác nhân ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và thách thức về môi trường trong tăng trưởng cũng như các vấn đề an sinh xã hội trong các năm kế tiếp.
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức, các động lực tăng trưởng bị hạn chế về sức ảnh hưởng, Diễn đàn VDF 2016 là dịp quan trọng để Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cùng đối thoại chính sách và tìm ra những động lực cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Diễn đàn phát triển Việt Nam 2016 - VDF 2016 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vượt qua những khó khăn và trở ngại trong năm 2016, Việt Nam sẽ đạt mức tăng GDP vào khoảng 6.3%. Kinh tế vĩ mô ổn định với các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo và dự trữ ngoại hối sẽ đạt mức 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2016, vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách cũng được coi là điểm nóng của kinh tế vĩ mô khi Chính phủ có nhiều quyết sách giảm tỷ lệ nợ công, thắt chặt chi đầu tư công, chi thường xuyên tại các Bộ, địa phương bằng kỷ luật ngân sách.
Thủ tướng cũng nêu rõ, thực trạng kinh tế Việt Nam như: triển vọng tăng trưởng kinh tế những năm tới còn nhiều rủi ro, nhất là biến động khó lường của giá dầu, xu hướng tăng bảo hộ thương mại (việc phê chuẩn Hiệp định TPP gặp trở ngại),… tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Thủ tướng Chính phủ, mặc dù Việt Nam nhận thức rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém nhưng sẽ quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau với mức tăng GDP bình quân đạt 6.5-7% trong những năm tiếp theo.
Đồng tình với các ý kiến cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế những năm tới còn nhiều rủi ro, nhất là biến động khó lường của giá dầu, xu hướng tăng bảo hộ thương mại (việc phê chuẩn Hiệp định TPP gặp trở ngại), tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ cần có nhiều nguồn lực để cải cách cơ cấu (tái cơ cấu) sâu rộng, tạo động lực mới cho phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng thế giới và Tổ chức tài chính quốc tế IFC chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng đã nêu một số định hướng và giải pháp chủ yếu thời gian tới. Theo đó, đầu tiên Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và tạo mọi điều kiện cho phát triển sản xuất và doanh; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; Ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội và chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Liên quan tới các phát biểu, kiến nghị của Diễn đàn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, xử lý một cách thỏa đáng.