Chỉ số công khai ngân sách năm 2019 của Việt Nam tăng 14 bậc

Thứ Hai, 18/05/2020, 21:18
Theo xếp hạng OBS2019 với ba trụ cột nêu trên, Việt Nam được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách.


Khảo sát về minh bạch ngân sách (OBS) vừa công bố Chỉ số công khai ngân sách năm 2019 của Việt Nam xếp hạng thứ 77/117 nước và tăng 14 bậc so với năm 2017.

Theo đó, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước, cụ thể đạt mức 38/100 điểm đối với trụ cột Công khai ngân sách, tăng 23 điểm; 11/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, tăng 4 điểm và 74/100 điểm đối với trụ cột Giám sát, tăng 2 điểm. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Khảo sát về minh bạch ngân sách là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ 2 năm/lần, kể từ năm 2006 và thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Khảo sát này cho điểm để đánh giá mức độ công khai minh bạch ngân sách của các nước, các nền kinh tế khác nhau về ba trụ cột của trách nhiệm giải trình ngân sách. 

Trong quá trình khảo sát, IBP thông qua tổ chức xã hội dân sự và ở Việt Nam là Trung tâm hội nhập quốc tế (CDI) thực hiện đánh giá và cung cấp bằng chứng để trả lời các câu hỏi khảo sát. IBP cũng mời đại diện chính phủ các nước và ở Việt Nam do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội để đưa ra ý kiến bình luận và cung cấp thêm các tài liệu hỗ trợ trả lời các câu hỏi khảo sát.

Theo xếp hạng OBS2019 với ba trụ cột nêu trên, Việt Nam được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách. 

Cụ thể, với việc áp dụng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017), phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán ngân sách nhà nước khi Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đã tạo cơ hội thuận lợi để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách. 

Đáng lưu ý, Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, trong đó Báo cáo ngân sách công dân được biên soạn và công bố cho 2 kỳ báo cáo là dự thảo dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội và dự toán đã được Quốc hội quyết định. 

Tại lần khảo sát này, duy nhất còn một tài liệu ngân sách của Việt Nam (báo cáo 6 tháng) chưa được IBP công nhận là Báo cáo giữa kỳ theo thông lệ quốc tế vì chưa đưa ra các thông tin định lượng về dự báo ngân sách nhà nước cả năm, mặc dù báo cáo này đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và công khai. Song, đây là một đặc thù của Việt Nam do Quốc hội có kỳ họp cuối năm vào cuối tháng 10 nên thời điểm Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước cả năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội muộn hơn khoảng 20 ngày so với chuẩn quốc tế (IBPquy định báo cáo giữa kỳ phải công bố trước ngày 30/9 của năm báo cáo).

Theo đại diện Bộ Tài chính, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai ngân sách nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin ngân sách nhà nước.

B.S (Theo vietnamplus)
.
.
.