Cao Bằng: Nỗ lực lớn dù xuất phát điểm thấp

Thứ Hai, 08/07/2019, 19:05
Ngày 8-7, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 tại Tỉnh Cao Bằng.


Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, có trên 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 6.724,6 km², bằng 2,12% diện tích toàn quốc; đất rừng núi chiếm hơn 90%. Tỉnh có 13 đơn vị hành chính, có 8 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Dân số toàn tỉnh khoảng 52 vạn người với 8 dân tộc chính (Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô, Hoa), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Do xuất phát điểm của tỉnh thấp, vị trí, điều kiện tự nhiên nhiều mặt không thuận lợi, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, nhất là hệ thống giao thông, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến nay, Cao Bằng vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao các kết quả đã đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh Cao Bằng với các bước phát triển hết sức mạnh mẽ, hoàn thành phần lớn các mục tiêu của Nghị quyết, góp phần tạo ra sự phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực; thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tỉnh Cao Bằng. 

Du lịch là một lợi thế của kinh tế Cao Bằng.

Thời gian tới, đồng chí đề nghị cần đánh giá, xác định và khai thác triệt để các lợi thế so sánh của tỉnh. Cao Bằng cần tận dụng vị trí đặc biệt của mình để phát triển kinh tế biên mậu; khai thác lợi thế có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và nét văn hóa truyền thống đặc biệt của Cao Bằng để phát triển du lịch; cần lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển công nghiệp theo đó hạn chế phát triển thủy điện và khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản gắn với dịch vụ du lịch, logistic và kinh tế cửa khẩu; phát triển nông nghiệp theo hướng hỗ trợ nhân dân chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại quy mô lớn; nghiên cứu phát triển một số loại cây ăn quả cùng với xây dựng các trung tâm chế biến giúp nhân dân có thể thoát nghèo bền vững và làm giàu từ nông nghiệp; phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục và đào tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; tiếp tục quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận đề xuất của tỉnh về sự cần thiết ban hành 1 Nghị quyết mới để tạo ra các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng nhằm huy động được nguồn lực của xã hội và ngân sách để phát triển kinh tế địa phương, đáp ứng mong mỏi của đồng bào các dân tộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. 

Đây cũng chính là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững để các địa phương và người dân đều được bình đẳng tham gia và được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển đất nước.

Hà An
.
.
.