Cần sửa đổi Nghị định để phù hợp với thực tiễn quản lý người tâm thần

Thứ Bảy, 14/11/2020, 08:54
Theo Điều 9 Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ giao cho Bộ Y tế quản lý các đối tượng tâm thần đang gây ra những bất cập trong việc thực thi, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. 

Đây là một trong những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị sơ kết và xây dựng tài liệu chuyên môn lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 12/11.

Thời gian qua, có tình trạng người tâm thần trốn khỏi nơi điều trị ra ngoài gây án; hoặc người bệnh tâm thần có yếu tố tội phạm nguy hiểm như: Giết người, buôn bán ma túy, phơi nhiễm HIV… tấn công, đe dọa bác sĩ, nhân viên y tế hoặc bắt nhân viên y tế làm con tin. 

Theo Điều 9 Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ giao cho Bộ Y tế quản lý các đối tượng tâm thần đang gây ra những bất cập trong việc thực thi, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đây là một trong những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị sơ kết và xây dựng tài liệu chuyên môn lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 12/11.

Bác sĩ đang khám bệnh để giám định cho 1 trường hợp bắt buộc (Ảnh báo Đồng Nai).

Ông Dương Văn Lương, Phó Giám đốc Viện Pháp y Tâm thần Trung ương cho biết, Nghị định 64/2022/NĐ-CP (NĐ 64) về “Hướng dẫn quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh” quy định việc quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân biệt đối xử. Nhiều người bệnh và người nhà người bệnh có ý kiến đề nghị Viện thực hiện đúng theo quy định và đòi hỏi được đưa người bệnh ra khỏi khu điều trị. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý do quy định này”, ông Lương nói.

Lý giải về điều này, ông Lương nói: Đối với người bệnh tâm thần vừa có yếu tố tội phạm, vừa có yếu tố bệnh tâm thần, do đó công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn như người bệnh tấn công, bắt làm con tin, đe dọa nhân viên y tế và người thân của họ. Khi người bệnh trốn viện, việc thực hiện nhiệm vụ truy tìm đưa người bệnh trở lại điều trị rất vất vả, thách thức vì chúng tôi chỉ là cơ sở y tế, không có nghiệp vụ như ngành Công an. Sự phối hợp với cơ quan tố tụng để người bệnh trốn viện quay trở lại bắt buộc chữa bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. 

“Viện gửi thông báo về việc phối hợp truy tìm đến Công an cấp tỉnh bị trả lại do Điều 10 NĐ 64 không quy định cụ thể trách nhiệm thuộc về bộ phận nào, phòng nào của Công an cấp tỉnh”, ông Lương cho biết.

Tương tự, đại diện Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa và nhiều Viện pháp y Tâm thần cũng nêu những bất cập và khó khăn khi thực thi theo NĐ 64, nhiều trường hợp tấn công lại nhân viên, bác sĩ, có nhiều trường hợp phơi nhiễm HIV phải điều trị. Một số ý kiến cho biết, NĐ không quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, do đó nhiều trường hợp khi làm công văn thông báo tình trạng người bệnh đã ổn định, không cần bắt buộc chữa bệnh, đề nghị ra quyết định trưng cầu giám định sau bắt buộc để làm các thủ tục giải quyết cho người bệnh ra viện nhưng cơ quan tố tụng không ra quyết định. 

Về vấn đề này, Đại tá Vũ Quốc Thắng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, theo phản ánh của Công an địa phương, sau khi bắt buộc chữa bệnh có thông báo tình trạng người bệnh khỏi bệnh thì Công an tiếp nhận, còn ổn định là chưa khỏi bệnh nên không có căn cứ tiếp nhận.

Theo Đại tá Vũ Quốc Thắng, Nghị định 64 cần thiết đến lúc sửa đổi vì quá trình thực hiện có những bất cập. Chẳng hạn, quản lý người bắt buộc phải chữa bệnh nhưng lại không rõ trách nhiệm đơn vị nào quản lý. Nhiều đối tượng án chung thân, án cao liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người khác, cần thiết phải có cơ chế quản lý. Có đơn vị đề xuất trang bị cung cụ hỗ trợ, nhưng nên tính toán cơ quan nào được giao phải có đào tạo huấn luyện và việc trang bị phải theo quy định về quản lý, vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ.

Phân tích rõ vì sao phải sửa đổi NĐ 64, bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng Thanh tra bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết: Điều 9 NĐ 64 giao trách nhiệm cho Bộ Y tế quản lý đối tượng tâm thần, các bác sĩ chỉ làm chuyên môn khám chữa bệnh, trong vấn đề đảm bảo an toàn, lưu giữ các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, liệu các bác sĩ có đảm đương được không? 

Đặt vấn đề rộng hơn, nhân lực của ngành y, nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, nêu ý kiến chuyên môn trong vấn đề giám định pháp y tâm thần, giúp cho cơ quan tố tụng xác định chính xác là có bệnh hay không có bệnh. NĐ 64 lại giao trách nhiệm cho Bộ Y tế quản lý các đối tượng này, đây là việc làm quá sức, không phù hợp với bản chất và nguyên lý của vấn đề. Không thể đòi hỏi ngành y tế hay cán bộ y tế đi làm nhiệm vụ cai quản đối tượng giết người, nghiện ma túy, bắt cóc con tin… Kể cả Bộ Y tế có tuyển người có võ vào làm cũng không đủ, nó chỉ như là “ăn đong”.

Theo bà Thụy, Bộ Y tế nên có nghiên cứu về vấn đề này và có đề xuất sửa đổi NĐ 64. “Đã đến lúc chúng ta cần kiến nghị, tổng kết và đánh giá lại toàn diện nguyên lý và bản chất của vấn đề của Nghị định. Quản lý đối tượng này phải kiến nghị trả về cho lực lượng Công an. NĐ 64 có quá nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế, cần được bổ sung hoặc cần được thay thế bằng NĐ khác. Bộ Y tế cần có văn bản chính thức gửi lãnh đạo Bộ Công an đề nghị phối hợp giải quyết một số vướng mắc khó khăn liên ngành, trong đó đề nghị Bộ Công an có tổng kết đánh giá quá trình thực thi NĐ 64”, bà Thụy nêu ý kiến.

Đại diện Viện KSNDTC và một số đại biểu đều cho rằng, Điều 9 NĐ 64 không khả thi với ngành Y tế và cần sửa đổi NĐ. Theo lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, từ năm 2017, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản gửi các Bộ, ngành. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện NĐ 64, việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, một số quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng và cụ thể, có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Thời gian qua đã có bác sĩ, nhân viên y tế bị khởi tố vì để bệnh nhân tâm thần trốn ra ngoài gây án. 

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, qua hội thảo, Cục sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp sửa đổi NĐ 64, sau đó báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, đặc biệt như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSNDTC cao tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh.

Trần Hằng
.
.
.