Các nước ASEAN cam kết phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường
Ngày 19/11 tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các hội nghị liên quan, Hội nghị Đối thoại Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN và Cơ quan Năng lượng quốc tế (AMEM – IEA), lễ trao giải thưởng năng lượng ASEAN 2020.
- Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN
- Họp trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN +3 về Năng lượng
- Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN được tổ chức trực tuyến
- Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững
Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38, các bộ trưởng đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong hợp tác năng lượng ASEAN. Cụ thể, đường ống dẫn khí đạt chiều dài 3,631km qua 6 quốc gia Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam đã được kết nối, hình thành 9 trung tâm khí hóa lỏng LNG với tổng công suất 38,75 triệu tấn/năm; cường độ năng lượng khu vực ASEAN hiện đã giảm 21,4% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu.
Các dự án kết nối lưới điện cũng được kết nối giúp tăng công suất trao đổi điện năng lên 10.800 MW vào năm 2020 và hơn 16.000MW sau 2020. Đồng thời, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của khu vực ASEAN ngày càng tăng cao, hướng tới đạt được mục tiêu tỷ lệ gia tăng năng lượng tái tạo 23% trong năm 2025.
Với chủ đề hợp tác năng lượng năm 2020 là "Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN" trong bối cảnh nguy cơ dịch COVID-19 còn thường trực, các bộ trưởng thống nhất thúc đẩy nỗ lực và sáng kiến ứng phó với COVID-19, tăng cường hợp tác để hoàn thành các chỉ tiêu năng lượng.
Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN |
Tại phiên khai mạc chính thức Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38, các đại biểu đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn 2021 - 2025 (APAEC giai đoạn 2), trong đó đề xuất mục tiêu và hành động cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng cường khả năng phục hồi qua trao đổi, hợp tác sâu hơn, tăng cường kết nối và trao đổi mua bán điện song phương và đa phương.
Phiên khai mạc chính thức Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38, |
Hội nghị cũng thảo luận, thông qua mục tiêu về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng khu vực ASEAN, là cơ sở để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo của khu vực trong giai đoạn tới; đồng thời đưa ra được các sáng kiến về chính sách nhằm tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện ASEAN, hướng tới tương lai ổn định về các nguồn năng lượng cho khu vực.
Các đại biểu cũng thông qua ấn phẩm “Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6”, thông qua mục tiêu về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng khu vực ASEAN, ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai giai đoạn 2 của Dự án Liên kết lưới điện đa phương giữa bốn nước thành viên Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore (Dự án LTMS-PIP giai đoạn 2).
Các đại biểu kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các dự án liên kết, trao đổi mua bán điện đa phương giữa các nước thành viên ASEAN; qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường trao đổi điện đa phương khu vực ASEAN. |
Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2020 đã được tổ chức bên lề của Hội nghị chính thức Bộ trưởng Năng lượng ASEAN 2020. Đây là sự kiện thường niên và là nơi để các nhà hoạch định chính sách cấp cao ASEAN và các tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan tới hợp tác đối tác công tư (PPP), trao đổi về các giải pháp để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, tiếp cận và chuyển đổi năng lượng của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu về sự phục hồi từ đại dịch COVID-19 và biến động của giá dầu và khí.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2020, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Năng lượng ASEAN 2020. Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 với mục tiêu tăng cường nhận thức và thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của khối tư nhân vào lĩnh vực năng lượng khu vực ASEAN.