Các địa phương sôi nổi chuẩn bị ngày hội bầu cử

Thứ Ba, 03/05/2016, 08:56
Chỉ còn ít ngày nữa, cử tri cả nước sẽ chính thức bỏ lá phiếu, chọn ra những gương mặt tài đức, đại diện cho nhân dân vào Quốc hội và HĐND các cấp. Tại nhiều địa phương trong cả nước, không khí ngày hội bầu cử đã rộn ràng khắp nơi.


Tại tỉnh Ninh Bình, từ các tuyến phố lớn ở đô thị đến những con ngõ nhỏ ở các xã, thôn, bản đều được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, người dân Ninh Bình phấn khởi và nô nức đến các điểm niêm yết danh sách cử tri, cùng bàn luận sôi nổi về cuộc bầu cử. Những ngày này về huyện Kim Sơn, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí sôi nổi, náo nức của nhân dân chào đón ngày hội bầu cử, cũng như mong muốn bầu ra những đại biểu dân cử ưu tú. 

Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Đỗ Hùng Sơn cho biết, địa phương có hơn 47% đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo, trong đó đặc biệt có những xã như Văn Hải, Cồn Thoi, tỷ lệ đồng bào có đạo chiếm tới trên 80%. Toàn huyện có hơn 125.000 cử tri. Vì vậy, huyện Kim Sơn chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử, người ứng cử, danh sách cử tri bằng nhiều hình thức trong đó tập trung vào hình thức phát thanh trên đài truyền thanh huyện; tuyên truyền trực quan thông qua tranh cổ động, pa nô, khẩu hiệu, cờ và băng rôn. 

Ở huyện Kim Sơn có vùng ven biển và các xã bãi ngang, nhiều người dân theo nghề đánh bắt ngoài khơi, thường xuyên vắng nhà, huyện đã phối hợp với lực lượng Biên phòng Ninh Bình kêu gọi tàu thuyền của các hộ có người đang làm ăn trên biển cập nhật thông tin bầu cử và có kế hoạch vào bờ để bỏ phiếu đúng ngày giờ đã quy định.

Một số đơn vị hải quân và ngư dân sẽ được bầu cử sớm. Ảnh: TTXVN

Ông Vũ Tiến Minh (74 tuổi), giáo dân giáo xứ Phát Diệm chia sẻ, ông và nhiều giáo dân rất hào hứng với hoạt động bầu cử. Qua thông tin tuyên truyền, bà con giáo dân đều hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Ông Minh và nhân dân đều mong muốn trong đợt bầu cử này chọn được đại biểu ưu tú vào Quốc hội và HĐND các cấp để chăm lo đời sống chung của nhân dân cả nước, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại thành phố Ninh Bình, không khí "ngày hội toàn dân tham gia bầu cử" đã tưng bừng ở khắp các phố phường. Theo Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình, Đinh Văn Thứ, đến nay công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở thành phố Ninh Bình đã tiến hành theo đúng lộ trình. Công tác thông tin tuyên truyền bầu cử trên địa bàn thành phố được triển khai sâu rộng. 

Đến nay, thành phố đã thay mới 5 cụm tranh cổ động với tổng diện tích 739 mét vuông; chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, làm mới và thay nội dung pa nô trên các tuyến đường trung tâm, tổ chức xe tuyên truyền trên các tuyến phố từ ngày 15-4. Nét sáng tạo của thành phố năm nay là sản xuất 16 đĩa CD tuyên truyền về cuộc bầu cử, gửi đến các xã, phường và đội kiểm tra trật tự đô thị thực hiện tuyên truyền lưu động.

Trong không khí tích cực chuẩn bị cho ngày bầu cử, tại tỉnh Kon Tum, công tác tuyên truyền lưu động về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp được triển khai sâu rộng. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, đội trưởng đội tuyên truyền lưu động tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Trình độ của bà con ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Nhiều người chưa hiểu hết tiếng kinh nên khi tuyên truyền chúng tôi sử dụng những ngôn ngữ, hình ảnh dễ nghe, dễ hiểu để bà con dễ tiếp cận. Bên cạnh panô, áp phích, tranh cổ động trực quan thì đội cũng xây dựng một chương trình ca múa nhạc, xây dựng chương trình hỏi đáp về luật bầu cử nhằm giúp bà con hiểu rõ hơn về cuộc bầu cử lần này”.

Đội tuyên truyền lưu động của tỉnh Kon Tum có 10 người nhưng đã thể hiện tốt vai trò tiên phong của người tuyên truyền cho bầu cử. Cả đội vừa xây dựng kịch bản, nội dung, vừa kiêm lái xe, đầu bếp, phiên dịch… Mọi người làm tất cả chỉ mong mang lại hiệu quả cao nhất trong chiến dịch tuyên truyền bầu cử lần này. Theo đó, mỗi huyện đội sẽ chọn 3 thôn, làng ở các xã vùng sâu, vùng xa nhất tuyên truyền. Ban ngày thì xe loa chạy khắp mọi ngõ ngách ở buôn làng để thông báo, tuyên truyền, cổ động.

Chiều về, cả đội tập trung tại khu vực trung tâm, thường là nhà rông của làng để dựng sân khấu. Sân khấu là thùng xe được thiết kế riêng biệt để có thể biến thành sân diễn với đầy đủ âm thanh, ánh sáng, tranh cổ động. Tối đến, người dân đi rẫy về lo cho gia đình, khi cái bụng no thì sân khấu của đội tuyên truyền lại sáng đèn. Cứ thế dân làng lũ lượt kéo nhau về sân khấu để được trực tiếp nghe tuyên truyền luật bầu cử.

Công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai sâu rộng trên cả nước.

Tại đây, ngoài các tiết mục ca múa nhạc với các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, con người Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung thì chương trình còn lồng ghép các câu hỏi đáp về Luật Bầu cử. Cùng đó là các hoạt cảnh vui nhộn về ngày bầu cử của dân tộc. “Đây là cách đơn giản, nhanh nhất để có thể tụ tập được dân làng” một thành viên trong đội tuyên truyền thừa nhận

Hồ hởi khi được chứng kiến những gì mà đội tuyên truyền đã làm, già U Đê ở làng Măng Tu xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy cho biết: Cả ngày bà con đi rẫy, ít thông tin. Nay đội công tác tuyên truyền về tận làng để giúp dân nắm thông tin. Các tiết mục rất dễ nghe, dễ hiểu. Giờ thì ai cũng biết đến ngày 22-5 các cử tri sẽ đến bầu cử. Mọi người trong làng ai cũng mong muốn tìm cho được người đại biểu có đức, có tài, biết lo lắng phục vụ cho người dân, xứng là đại biểu của dân, vì dân.

Theo dự kiến từ nay cho đến hết tháng 5 (trước, trong và sau ngày bầu cử), đội thông tin lưu động sẽ biểu diễn ở tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh Kon Tum với nhiều nội dung phong phú đa dạng. Trong buổi làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Kon Tum vào ngày 25-4 vừa qua, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã khen ngợi tỉnh Kon Tum đã vận dụng sáng tạo trong công tác tuyên truyền bầu cử, trong đó có việc tuyên truyền, giới thiệu bằng song ngữ tại cơ sở. Đây cũng là cách làm mà đội truyên truyền đang triển khai ở các buôn làng trong tỉnh Kon Tum hiện nay.

Do tính chất đặc thù, một số nơi thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tổ chức bầu cử sớm. Ngày 2-5, tại cầu cảng Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (thành phố Vũng Tàu), đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tiếp nhận bàn giao tài liệu, vật phẩm cho Tổ bầu cử sớm trên biển từ Ủy ban bầu cử thành phố Vũng Tàu và khởi hành thực hiện nhiệm vụ tổ chức bầu cử sớm cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và bà con ngư dân đang đánh bắt trên biển.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, thực hiện nhiệm vụ bầu cử trên biển lần này có hai tàu 624 và 636 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) xuất phát đồng thời từ cảng Lữ đoàn 171. Thực hiện chuyến công các lần này, Tổ bầu cử trên biển dự kiến sẽ thực hiện tổ chức bầu cử tại 47 điểm (kéo dài từ vùng biển Bình Thuận đến vùng biển Cà Mau) cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam và bà con ngư dân đang đánh bắt trên biển...

Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ tổ chức bầu cử trên biển, dự kiến ngày 20-5, Tổ bầu cử sẽ cập cảng và tổ chức niêm phong thùng phiếu, lưu trữ trong khu vực văn thư bảo mật. Đến ngày 22-5 sau khi kết thúc bầu cử Tổ bầu cử sẽ tiến hành kiểm phiếu theo luật định và tổng hợp kết quả bầu cử gửi về Ủy ban bầu cử của địa phương.

PV (tổng hợp)
.
.
.