Bộ trưởng đã nghỉ hưu có thể qua làm đại biểu Quốc hội

Thứ Ba, 11/02/2020, 17:51

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm khi thảo luận về việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, chiều 11-2.


Ngày 11-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 42, cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đề xuất tăng ĐBQH chuyên trách lên 200 người

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay thì cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thể hiện thành 2 phương án. Phương án 1 giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Còn phương án 2 quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 200 đại biểu).

Trên cơ sở phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án 1.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng cho biết, về cơ cấu ĐBQH, có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút các vị nguyên là cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách; không khống chế độ tuổi tối đa của ĐBQH hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn, từ 65-67 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động để phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

“Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo nhận thấy đây là một đề xuất có tính tích cực cao, cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của pháp luật thì ĐBQH hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với ĐBQH thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội”, ông Hoàng Thanh Tùng lý giải. Đồng thời đề nghị UBTVQH cho ý kiến chỉ đạo để làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm, về số lượng ĐBQH chuyên trách nếu đạt được 40% thì tốt, bởi từ Đại hội Đảng XI đã bàn về vấn đề này và cũng đã ghi trong Nghị quyết của Trung ương. “Nên nếu để 37- 40% thì chúng ta sẽ có cơ hội thu hút được các chuyên gia, từng công tác tại các cơ quan của Quốc hội hoặc các bộ, không giữ chức vụ mà chỉ làm ĐBQH, thu hút chất xám, kinh nghiệm, trí tuệ vào các hoạt động của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ghi rõ 40% ĐBQH chuyên trách trong Luật và dành 3-5% cho số này. Còn yêu cầu về mặt chất lượng và ĐBQH giữ chức vụ ít nhất 35% thì vẫn giữ như hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách là vấn đề quan trọng, là chủ trương có tính chiến lược, lâu dài cho nên cần bổ sung về tỷ lệ, địa vị pháp lý, chế độ chính sách cũng như điều kiện hoạt động để thu hút đại biểu chuyên trách về công tác tại Quốc hội.

“Thực tế chất lượng hoạt động của Quốc hội, các Uỷ ban và Hội đồng cũng nhìn vào đội ngũ này. Phải làm sao để họ được ứng xử đúng với thứ bậc của mình. Chúng ta cũng phải tranh thủ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, luật sư... cống hiến cho Quốc hội”, ông lý giải và nhất trí phương án nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên ít nhất 40% để tăng cường biên chế và thu hút nhân lực cho Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban.

Tăng đại biểu chuyên trách, chất lượng làm luật sẽ tốt hơn

“Hiện đại biểu chuyên trách của mình ít, nếu đưa lên cỡ 40% là tốt, nâng cao chất lượng đại biểu. Bởi đại biểu có chuyên trách thì mới dành nhiều thời gian cho luật, kiêm nhiệm dành ít lắm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đồng tình phương án nâng lên theo phương án 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Quốc hội có 500 đại biểu thì toàn là dân cử, được dân tin tưởng và đại diện cho nhân dân, do đó nên tăng ĐBQH chuyên trách lên 40% để Quốc hội chuyên nghiệp hơn, dành nhiều hơn cho hoạt động chuyên môn của Quốc hội. “Khi đó chất lượng làm luật, thẩm tra các dự án luật, nghị quyết sẽ chất lượng hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội bổ sung thêm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và đa số đại biểu về việc nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách. “Chúng ta đưa ra con số 40 đồng thời dành trong này một tỷ lệ để thực hiện cơ cấu cho những đại biểu đã từng làm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội còn sức khoẻ, có uy tín, bản lĩnh nghị trường, có kinh nghiệm, kiến thức và tâm huyết để tham gia Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu như bầu không được con số 35-40% thì trong quá trình hoạt động của Quốc hội dần dần chúng ta sẽ chuyển từ những cơ cấu đại biểu cần thiết để tăng cường cho ĐBQH hoạt động chuyên trách. “Tất nhiên những người này không giữ chức vụ gì trong Quốc hội, có thể là Bộ trưởng nghỉ hưu. Thượng viện, Hạ viện của Nhật trong đó có cả Ngoại trưởng đã nghỉ hưu. Thôi làm Ngoại trưởng là qua làm Thượng nghị sỹ, hoạt động rất tích cực, và rất nhiều nước đã làm như thế”, Chủ tịch Quốc hội ví dụ.

Toàn cảnh phiên họp.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là vấn đề liên quan đến biên chế, do đó nên để 2 phương án, đồng thời xin ý kiến Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Về việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của UBTVQH thành cơ quan chuyên môn (Ban) thuộc Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề lớn, mới và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. “Nhiều ý kiến trong UBTVQH ủng hộ việc chuyển đổi này, tuy nhiên đề nghị phải căn cứ cơ sở chính trị, sự phù hợp với Hiến pháp, với thực tiễn và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, cũng như góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 42 của UBTVQH chiều cùng ngày.


Quỳnh Vinh
.
.
.