Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống oan, sai
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Tô Lâm tại Phiên họp thứ 37 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay (12-9). Phiên họp thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
- Tấn công, trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, các băng nhóm hoạt động tín dụng đen
- Xử lý nghiêm các băng nhóm đòi nợ có tính chất “xã hội đen”, “bảo kê”
- Băng nhóm chạy giấy phép kinh doanh, bằng cấp "lãnh án nặng"
- Bộ trưởng Tô Lâm: Chưa phát hiện trường hợp bảo kê liên quan đến “tín dụng đen”
Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự 84,2%
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cho biết: Năm 2019 Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, duy trì hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; công tác phòng ngừa tội phạm được chú trọng hơn, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp tội phạm.
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp |
“Đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các âm mưu kích động biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại. “Công tác đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84,2%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Án rất nghiêm trọng đạt 90,4%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,2%”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ;; triệt phá 2.167 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng. Nhất là những vấn đề dư luận xã hội bức xúc như: tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm xâm hại trẻ em; mua bán bào thai, tội phạm cướp ngân hàng, tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây án...
Phát hiện nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại quy mô lớn
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ. Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam).
Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép... Phát hiện 20.558 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, khởi tố 299 vụ, 324 bị can.
Tuy nhiên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực; tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương.
Thu giữ trên 1 tấn heroin, gần 6 tấn ma tuý tổng hợp
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng; tăng cường đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm liên quan đến thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet; các băng nhóm tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam.
Toàn cảnh phiên họp |
Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy. Tập trung triển khai các giải pháp đấu tranh theo sự chuyển hướng hoạt động của tội phạm ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực. “Đã phát hiện 20.247 vụ, 31.464 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ trên 1 tấn heroin, gần 6 tấn ma túy tổng hợp, trên 600 kg thuốc phiện, 760kg cần sa và nhiều tang vật liên quan. Trong đó đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Qua công tác đấu tranh cho thấy: Hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia gia tăng mạnh; thủ đoạn chủ yếu là đối tượng người nước ngoài thành lập doanh nghiệp để để tạo vỏ bọc ngụy trang, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan để tổ chức vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và đi nước thứ ba.
Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra phức tạp; số người nghiện tiếp tục gia tăng (trên 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý) là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng; tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy khó kiểm soát...
Triển khai nhiều giải pháp phòng chống oan, sai
Công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, có sự giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát các cấp. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt 84,8%, các tin báo vi phạm về thời hạn giải quyết giảm 1,1%và chỉ chiếm 1,7% so với tổng số tin báo phải giải quyết.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, cơ quan điều tra đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp phòng chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, người giám hộ, người bào chữa, trợ giúp pháp lý tham gia hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Về tình hình, công tác xử lý vi phạm hành chính, riêng lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông lực lượng Công an đã phát hiện, xử phạt trên 3 triệu trường hợp vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, chủ yếu là: chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, ma túy, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy... Tình trạng người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chống lại lực lượng thi hành công vụ, nhất là lực lượng CSGT diễn ra nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đã phát hiện 1.802 vụ vi phạm hành chính, phạt gần 10 tỷ đồng. Qua kiểm tra cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về phòng, chống cháy nổ vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ nghiêm trọng, nhất là tại các khu chung cư, nhà cao tầng...