Bộ Quốc phòng tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam
- Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Cảnh sát biển việt Nam
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam được thông qua, có hiệu lực từ 1-7-2019
Sáng 18/9, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn toàn quốc Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại 73 điểm cầu. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tập huấn trực tuyến tại điểm cầu Hội trường Bộ Quốc phòng có đại biểu của các Bộ, Ban, ngành Trung ương; Thủ trưởng Bộ Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh đoàn, binh chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…của Bộ Quốc phòng.
Các đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn tại điểm cầu Hội trường Bộ Quốc phòng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương cho biết, Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 11/9/2018, tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn toàn quốc về Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển được ban hành có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Tân Cương phát biểu khai mạc Hội nghị |
Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước bằng pháp luật trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ an tinh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển của lực lượng chuyên trách.
“Luật đã góp phần tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị lực lượng chức năng và tổ chức cá nhân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương nói.
Hội nghị tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam kết nối với 73 điểm cầu |
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo viên giới thiệu được 2 chuyên đề: Chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; Những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là những nội dung hết sức cơ bản về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nền tảng, phục vụ công tác nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cấp trong triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn về định hướng chiến lược biển. Xác định mục tiêu, quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam là: Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên biển; giữ vững ổn định chính trị trong nước, giữ vững môi trường hòa bình ổn định lâu dài là lợi ích cao nhất để xây dựng và phát triển đất nước.