Luật Cảnh sát biển Việt Nam được thông qua, có hiệu lực từ 1-7-2019

Thứ Hai, 19/11/2018, 15:44

Chiều 19-11, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam với 96,29% ĐBQH tán thành.


Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày cho biết:

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5, Điều 23 về nguyên tắc phối hợp để bảo đảm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên biển, tránh bỏ lọt vi phạm, tội phạm; có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý lại khoản này để không mâu thuẫn với khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

UBTVQH nhận thấy, quy định như dự thảo Luật là luật hóa các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phối hợp hoạt động đã được thực hiện ổn định; phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan; phù hợp với thực tiễn và đặc thù hoạt động của các lực lượng trên biển; bảo đảm xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trên biển; tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, bỏ lọt, bỏ sót tội phạm, vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ khi chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật trên biển, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý lại nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 34), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2, vì các chế độ chính sách của Cảnh sát biển Việt Nam đã được quy định tại khoản 1 Điều này theo các luật chuyên ngành; đồng thời, quy định này không phù hợp với chủ trương của Đảng về việc không bổ sung chế độ ưu đãi đặc thù.

Các đại biểu biểu quyết tại hội trường

UBTVQH thấy rằng, hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam đang được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg ngày 4-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ ưu đãi đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam ban hành căn cứ theo Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Do đó, nếu bỏ khoản 2 thì khi Luật này có hiệu lực thi hành, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ không được hưởng chính sách trên. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “đặc thù công tác” và chỉnh lý lại khoản này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.

Khoản 5 Điều 23 Luật Cảnh sát biển Việt Nam:

Trên cùng một vùng biển, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định. Trường hợp, vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, tàu thuyền và phương tiện vi vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.

An Quỳnh
.
.
.