Bộ NN&PTNT công bố kết quả khảo sát chất lượng nước mắm

Thứ Hai, 31/10/2016, 19:09
Bộ NN&PTNT đã công bố kết quả khảo sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nước mắm. Đồng thời tuyên bố sẽ tổ chức nghiên cứu, rà soát toàn diện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm để làm rõ hơn khái niệm nước mắm truyền thống.

     Nước mắm truyền thống vẫn bán bình thường tại nhiều siêu thị


Theo Bộ NN&PTNT, căn cứ vào tài liệu của nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, kiểm soát an toàn thực phẩm có uy tín, arsen có thể tồn tại dưới dạng hữu cơ và vô cơ. 

Arsen hữu cơ là kết quả của quá trình trao đổi chất tự nhiên, do đó có trong thực phẩm (bao gồm cả cá). Vì vậy, sản phẩm nước mắm được lên men từ cá có tồn tại arsen hữu cơ. Arsen hữu cơ không gây độc cho người, vì vậy không cần đánh giá mức độ nguy hại và quy định giới hạn tối đa trong thực phẩm (đặc biệt là sản phẩm nước mắm với mức nhập lượng tiêu thụ hàng ngày rất thấp). 

Trong khi đó arsen vô cơ (còn gọi là thạch tín) gây độc cho con người, do vậy, có quy định giới hạn tối đa (hàm lượng an toàn) trong thực phẩm. Hiện nay theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, hàm lượng arsen vô cơ tối đa trong nước chấm (bao gồm cả nước mắm) được quy định là 1mg/kg.

Arsen hữu cơ không gây độc cho người, vì vậy không cần đánh giá mức độ nguy hại (ảnh minh hoạ)

Bộ NN&PTNT khẳng định, trong sản xuất nước mắm có thể sử dụng một hoặc một số phụ gia nằm trong danh sách 17 phụ gia quy định. 

Bên cạnh đó, theo kết luận này, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đảm bảo độ tinh khiết, đúng đối tượng sử dụng và không vượt ngưỡng theo quy định. 

Về chất lượng nước mắm và việc ghi nhãn minh bạch, bảo đảm quyền của người tiêu dùng, Bộ NN&PTNT cho biết, do nguồn nguyên liệu sản xuất nước chấm và nước mắm khác nhau, rủi ro về an toàn thực phẩm (như kim loại nặng) khác nhau nên Bộ sẽ rà soát, xây dựng tiêu chuẩn riêng về nước chấm và quy định về danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn thực phẩm riêng cho nước mắm và nước mắm (nước chấm trong).

Cũng trong báo cáo của Bộ NN&PTNT, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, hiện nay, một số cơ sở sản xuất chỉ thể hiện thông tin về hàm lượng đạm tổng trên nhãn, không công bố hàm lượng đạm axit amin hay đạm amoniac hoặc công bố không trung thực hàm lượng đạm trên nhãn. 

Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất nước mắm sử dụng phụ gia thì việc thể hiện các thông tin về các loại phụ ra đã được sử dụng trong quá trình sản xuất nước mắm cũng chưa minh bạch như: thể hiện không đầy đủ các loại phụ gia sử dụng; chỉ thể hiện mã số ký hiệu phụ gia; thể hiện các nội dung trên nhãn không đúng kích cỡ, vị trí theo quy định nên rất khó nhận biết. 

Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng khó có khả năng nhận biết đầy đủ thông tin cần thiết về loại nước mắm, loại chất lượng, các loại phụ gia đã được sử dụng trong quá trình sản xuất để lựa chọn loại nước mắm phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Do vậy, theo Bộ NN&PTNT, để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất kinh doanh nước mắm hiện nay, đồng thời, đảm bảo thông tin rõ ràng, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và thuận lợi cho cơ quan quản lý, Bộ sẽ tổ chức nghiên cứu, rà soát toàn diện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm để làm rõ hơn khái niệm nước mắm truyền thống.

CL
.
.
.