Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát cơ động

Thứ Bảy, 26/10/2019, 18:53

Xuất phát từ yêu cầu tình hình thực tiễn, những bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013.



Pháp lệnh chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSCĐ

Tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cảnh sát cơ động, Bộ Công an cho biết, nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều nguy cơ gây mất ổn định về an ninh, trật tự đã tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Điển hình như, năm 2014, các thế lực thù địch, lôi kéo quần chúng nhân dân, công nhân đình công, biểu tình trái pháp luật, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh. 

Năm 2016 và năm 2017, liên quan đến vấn đề môi trường biển do Công ty Formosa gây ra khiến hải sản chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung, các thế lực thù địch, phản động đã gia tăng hoạt động chống phá, đẩy mạnh kích động biểu tình, gấy rối an ninh, trật tự tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. 

Năm 2018, các thế lực thù địch đã tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước kích động hàng ngàn người dân tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận... xuống đường biểu tình, gây rối, chống người thi hành công vụ, phản đối Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự thảo Luật An ninh mạng. Và gần đây nhất là vụ việc chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội… đã để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với tình hình an ninh, trật tự trong nước.

Tình hình tội phạm hình sự ra tăng với tính chất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, đặc biệt là tội phạm ma túy ngày càng manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng thực thi nhiệm vụ… CSCĐ đã tăng cường hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng vũ khí, trang bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện ra quân giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, không để kéo dài; tham gia đấu tranh triệt phá hàng trăm chuyên án lớn; tăng cường hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ hàng chục địa phương tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. 

Tuy nhiên, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của lực lượng CSCĐ mới là Pháp lệnh, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSCĐ trong tình hình hiện nay. Do vậy, pháp luật về CSCĐ cần được hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức cũng như các yếu tố khác, bảo đảm hoạt động cho CSCĐ. 

Trong đó, cần thiết phải tăng cường hoạt động phối hợp của CSCĐ với các lực lượng trong CAND, cũng như với các bộ, ngành, địa phương, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới để phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 trở nên bất cập, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật CSCĐ.

Xây dựng Luật CSCĐ đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Ba nhóm chính sách được Bộ Công an lựa chọn để đánh giá tác động khi đề xuất xây dựng Luật CSCĐ, gồm: Thứ nhất, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của CSCĐ tuân thủ Hiến pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tế. Thứ hai, hoàn thiện các quy định về hoạt động của CSCĐ để đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội. Thứ ba, hoàn thiện chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động đối với CSCĐ.

Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn

Đi vào cụ thể từng nhóm chính sách, Bộ Công an cho biết CSCĐ đang nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Thực tế thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã kết luận, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng đối với việc tăng cường xây dựng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tăng thêm về lực lượng, tổ chức mới như thành lập Trung đoàn Không quân CAND, Trung đoàn CSCĐ Kỵ binh… 

Do vậy, việc hoàn thiện tổ chức CSCĐ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quá trình xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, trước sự manh động của tội phạm cũng như tình trạng bạo loạn, chống người thi hành công vụ… hoạt động của CSCĐ cần cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về những vấn đề liên quan tới đảm bảo quyền con người, quyền công dân; trường hợp nào thì được nổ súng, truy đuổi, cưỡng chế...

Ngoài ra, hiện quân số, biên chế của CSCĐ còn thiếu nhiều so với quy mô cơ cấu xác định; đầu tư trang bị đã được tăng cường, song còn thiếu so với mô hình tổ chức, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Vì vậy, cần phải xây dựng chế độ, chính sách của CSCĐ phù hợp với tình hình thực tế.

Nội dung của dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật CSCĐ được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an  để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 1 tháng kể từ ngày đăng.


Nguyễn Hương
.
.
.