Việt Nam nêu 6 khuyến nghị về bình đẳng giới

Thứ Năm, 18/01/2018, 14:38

Đại diện Việt Nam tham dự phiên họp Nữ nghị sĩ trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 26 APPF-26 sáng 18-1 khẳng định các nữ nghị sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới. 


Từ thực tế về bình đẳng giới hiện nay mà Việt Nam và các nước đang phải đối mặt, đoàn Việt Nam đã đưa ra 6 khuyến nghị để thúc đẩy vai trò của nghị viện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương liên quan đến bình đẳng giới. Thứ nhất là nâng cao vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy triển khai có hiệu quả Chương trình Nghị sự SDG 2030 và xem xét và quyết định ngân sách quốc gia có trách nhiệm giới nhằm đảm bảo thực hiện có hiêu quả các SDG. 

Thông qua các luật để cải thiện hơn nữa khung pháp lý liên quan đến vấn đề giới và tôn trọng các cam kết quốc tế có liên quan; tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và pha,s sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách và quy định liên quan, lồng ghép giới và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. 

Tăng cường tham vấn phụ nữ để đảm bảo tiếng nói của tất cả các nhóm phụ nữ được lắng nghe, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sống ở vùng sâu vùng xa nhằm bảo đảm không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển bền vững và thịnh vượng bao trùm là khuyến nghị thứ 4 của Việt Nam. 

Đồng thời, Việt Nam đề nghị thành lập và vận hành có hiệu quả Nhóm nữ nghị sĩ trong các nghị viện thành viên APPF và tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực của chúng ta để thúc đẩy tiếng nói và hành động chung về bình đẳng giới.

Cuối cùng là thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan (các tổ chức cá nhân, các tổ chức khu vực và quốc tế, các nhà khoa học…), coi phụ nữ là động lực thúc đẩy và là mục tiêu của phát triển bền vững.

Toàn cảnh phiên họp Nữ nghị sĩ diễn ra sáng 18-1 trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) tại Hà Nội.

Là nước chủ nhà APPF-26, đại diện đoàn Việt Nam cho biết, Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận chủ động đối với vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó không chỉ là vấn đề công bằng xã hội mà còn là một phương tiện hiệu quả để thu hút triệt để tiềm năng của phụ nữ cho sự phát triển toàn diện của xã hội. Các nữ nghị sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới.

Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để có những biện pháp khác nhau và đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao nhận thức bình đẳng giới, thể chế hóa bình đẳng giới và quyền phụ nữ trong văn bản pháp luật...

Nhờ tất cả những nỗ lực này, Việt Nam đã được xếp hạng thứ 71 trong số 159 quốc gia về bình đẳng giới của Liên Hợp Quốc năm 2015. Tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội Việt Nam hiện nay đã tăng lên 26.72% so với hai khóa trước, cao hơn mức trung bình toàn cầu (22.3%).


An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.