Quy chế tị nạn Liên minh châu Âu: Điểm “nghẽn” của lòng nhân ái

Thứ Sáu, 03/03/2023, 09:21

“Đó thực sự là một thảm kịch!”, chủ tịch ủy ban châu Âu (European Commission) - bà Ursula Von Der Leyen thốt lên. Và, bà nhấn mạnh: Liên minh châu Âu (EU) “cần phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình đối với hiêp ước (của EU) về di cư và tị nạn, cũng như kế hoạch hành động ở trung Địa Trung Hải”. Song, kể cả với tấn thảm kịch mới nhất ngoài khơi Italy mà nhân loại vừa phải chứng kiến đó, đây vẫn là một bài toán hóc búa đối với EU.

Những con số kinh hoàng

Ngày 26/2, Đài phát thanh quốc gia Italy (RAI) đưa tin: Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã phát hiện khoảng 30 thi thể, sau khi một chiếc thuyền chở người tị nạn bị đắm vào lúc rạng sáng, ở vùng biển động ngoài khơi bờ biển phía Đông Italy. Đến chiều 26/2, trả lời kênh truyền hình Sky, ông Vincenzo Voce - Thị trưởng thành phố Crotone cho biết số người thiệt mạng trong vụ tai nạn thuyền di cư quá tải bị chìm gần thành phố miền Nam Italy này đã lên tới ít nhất 59 người, bao gồm cả trẻ em.

Quy chế tị nạn Liên minh châu Âu: Điểm “nghẽn” của lòng nhân ái -0
Lòng nhân ái và các phán xét lý tính - những lựa chọn thực sự khó khăn.

Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bày tỏ sự đau buồn sâu sắc của mình trước vụ việc, đồng thời cam kết ngăn chặn nạn di cư trên biển để tránh xảy ra nhiều thảm kịch hơn.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Italy viết: “Thủ tướng Meloni bày tỏ sự đau buồn sâu sắc của mình trước việc nhiều sinh mạng bị mất do những kẻ buôn người. Chính phủ (Italy) cam kết ngăn chặn những cuộc ra đi của người di cư, cùng với chúng là những bi kịch như thế này, và sẽ tiếp tục làm như vậy, trước hết bằng cách yêu cầu sự hợp tác tối đa của các quốc gia mà người di cư rời đi”.  

Trước đó, mới đêm 18, rạng ngày 19/2, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia thông báo đã ngăn chặn hơn 400 người di cư cố gắng vượt Địa Trung Hải đến châu Âu, trong 16 hoạt động riêng rẽ ngoài khơi bờ biển của quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó nữa, ngày 15/2, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, ít nhất 73 người di cư mất tích và bị cho là đã thiệt mạng do tàu chở họ bị đắm ngoài khơi bờ biển Libya trong ngày 14/2. Chỉ vỏn vẹn 7 người được cứu thoát khỏi trùng khơi.

Và, ngược xa thêm một chút, cuối ngày 2/2, các quan chức Italy cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã tìm thấy thi thể 8 người di cư, trong khi 2 trường hợp khác vẫn đang mất tích sau vụ đắm thuyền ngoài khơi đảo Lampedusa ở miền Nam. Thị trưởng Lampedusa Filippo Mannino xác nhận các nạn nhân xấu số gồm 5 nam và 3 nữ, trong đó 1 thai phụ. Trong khi đó, Theo hãng tin Reuters (Anh), lực lượng chức năng cũng đã hộ tống 3 tàu gặp nạn khác, chở tổng cộng 156 người, tới đảo Lampedusa.

Quy chế tị nạn Liên minh châu Âu: Điểm “nghẽn” của lòng nhân ái -0
Trung Địa Trung Hải - tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.

Một cách ngắn gọn, trong suốt nhiều năm qua, Italy là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư, trước khi họ tìm đường sang các nước châu Âu khác. Song, tuyến di cư miền Trung Địa Trung Hải (từ Tunisia sang Italy) này được xem là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.

Theo số liệu của IOM, kể từ năm 2014, đã có 20.333 người đã thiệt mạng hoặc mất tích tại khu vực này. Còn riêng trong năm 2022, ước tính khoảng 1.450 người di cư đã thiệt mạng ở đây. Từ đầu năm 2023, con số này là gần 200.  Vậy mà, những đợt đưa người vượt biển vẫn gia tăng dồn dập. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, khoảng 105.140 người di cư bằng đường biển đã tới quốc gia Nam Âu này trong năm ngoái, tăng mạnh so với mốc 67.477 người năm 2021 và tăng hơn 3 lần so với mức 34.154 người trong năm 2020.

Chỉ riêng trong tháng 1/2023 vừa qua, gần 5.000 người di cư đã vào lãnh thổ Italy, tăng lần lượt so với mức 3.000 người trong tháng 1/2022 và mức 1.000 người tháng 1/2021. Bóng dáng của một cuộc khủng hoảng người di cư mới đã dần được định hình, như khoảng 10 năm về trước, đối với Italy nói riêng và châu Âu nói chung.

Quy chế tị nạn Liên minh châu Âu: Điểm “nghẽn” của lòng nhân ái -0
Chủ tịch ủy ban châu Âu Von Der Leyen.

Phương trình hóc búa

Những hệ lụy của tình trạng người di cư - nhập cư bất hợp pháp có thể được nắm bắt một cách dễ dàng, thông qua việc Sắc lệnh Kiểm soát nhập cư trái phép vừa được Thượng viện Italy thông qua ngày 23/2, bất chấp ý kiến trái chiều của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo (phi chính phủ/NGO) khác.

Phát biểu tại Thượng viện, Thứ trưởng Nội vụ Italy Nicola Molteni nhấn mạnh: Nếu không được kiểm soát, vấn đề nhập cư bất hợp pháp sẽ dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực như lao động cưỡng bức, lao động bất hợp pháp, tội phạm, bất ổn xã hội... Nhưng, trên hết, phải nhắc đến nạn buôn người.

Trước đó, từ ngày 30/1, Thủ tướng Georgia Meloni đã nói thẳng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council) Charles Michel, rằng: Những quy định hiện hành về vấn đề di cư đang đặt trách nhiệm nặng nề lên những nước mà người di cư đặt chân đến đầu tiên tại châu Âu, trong đó có Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Bà cũng nhấn mạnh: Việc tranh cãi về vấn đề di cư sẽ không đem lại lợi ích cho các nước và điều này sẽ chỉ tạo điều kiện cho các đối tượng buôn người hoạt động mạnh hơn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Meloni cho rằng Italy không thể tự giải quyết vấn đề nên EU cần can thiệp, bắt đầu từ việc bảo vệ các đường biên giới bên ngoài.

Song, 4 tuần qua, chưa có gì thực sự được thúc đẩy mạnh mẽ thêm từ thượng tầng EU. Mọi chuyện vẫn dừng lại ở những cuộc thảo luận. Về cơ bản, các nhà lãnh đạo EU kêu gọi Ủy ban châu Âu “huy động ngay lập tức các quỹ khả thi của EU” để củng cố biên giới bên ngoài, với “khả năng bảo vệ và cơ sở hạ tầng, phương tiện giám sát, bao gồm giám sát trên không và thiết bị”, theo tài liệu của hội nghị thượng đỉnh. Thông điệp chính được đưa ra là “EU đã đồng ý các quy tắc cứng rắn hơn nhằm giúp dễ dàng trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối đơn xin tị nạn”, như bà Ursula Von der Leyen cho biết, ngày 10/2 (theo AFP). Vấn đề là, dường như, chính sự cứng rắn ấy của Chính phủ Italy nói riêng cũng như EU nói chung lại đang vấp phải không ít những luồng dư luận ngược chiều, nhân danh lòng nhân ái.

Điều này ít nhiều đã được thể hiện ở số phiếu tại Thượng viện Italy (81 phiếu thuận/64 phiếu chống) dành cho sắc lệnh nêu trên, hay sự phản đối của các tổ chức NGO, khi bị sắc lệnh buộc phải trở về bờ ngay sau khi cứu được người bị nạn, mà không được phép tiếp tục lênh đênh trên biển tìm kiếm các thuyền chở người vượt biển gặp nạn khác.

Đó hiển nhiên là một hành động mang sắc thái tàn nhẫn, đối với không ít (nếu không muốn nói là rất nhiều) góc nhìn cá nhân, vốn đề cao tinh thần nhân bản. Ở một tầm mức cao hơn, chuyện EU muốn triệt hạ căn nguyên gốc rễ của tình trạng di cư - nhập cư bất hợp pháp, bằng việc dựng lên những hàng rào khắt khe hơn, sẵn sàng trả về nước sở tại (thay vì “nhắm mắt cho qua”, dễ dàng để người di cư vượt biển được vào châu Âu như trước đây) cũng là một thách thức lớn, về cả các vấn đề đạo đức/tinh thần lẫn thực tế.

Một cách ngắn gọn: Chuyện chìa tay giúp đỡ những cảnh ngộ kém may mắn là một giá trị phổ quát. Song, để thực hiện được điều đó, các nhà quản lý lại phải căn cứ trên khả năng sàng lọc – xác định xem ai là những người đáng được giúp đỡ và đâu là những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn xã hội.

Chưa ai quên, 10 năm trước, theo những đoàn người nhập cư chạy trốn chiến tranh từ Trung Đông - Bắc Phi sau “Mùa xuân Arab” cũng như sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có cả sự trà trộn của những phần tử khủng bố được mệnh danh là “những con sói đơn độc”.

Hơn thế, hiện tại, gánh nặng tài chính đã và đang đè nặng lên cựu lục địa hơn bao giờ hết, với khoảng 4 triệu người di tản khỏi chiến sự từ Ukraine, cộng hưởng cùng hàng loạt vấn đề nan giải: Khủng hoảng năng lượng, chi phí lương thực và sinh hoạt tăng cao, lạm phát. Trong bối cảnh ấy, việc lo cho các công dân EU đã là những gánh nặng, chứ chưa nói đến các công dân Bắc Phi - Trung Đông liều mạng vượt Địa Trung Hải mong tìm cơ hội đổi đời.

Quy chế tị nạn Liên minh châu Âu: Điểm “nghẽn” của lòng nhân ái -0
Tấn thảm kịch ngày 26/2.

Từ khía cạnh này, có lẽ, nếu cứ tiếp tục “mềm lòng”, EU sẽ chỉ càng khiến mình lún sâu thêm vào bế tắc. Thực tế, cho đến hiện tại, họ cũng vẫn đang phải “cậy nhờ” Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò một “phòng chờ” khổng lồ, ngăn người nhập cư theo đường bộ tràn vào châu Âu, như điều từng diễn ra trong quá khứ.

Song, để thiết lập những hàng rào (cả hữu hình lẫn vô hình) lẫn các cơ chế “sàng lọc” hữu hiệu, nhất là trên đoạn đường biển vỏn vẹn 150 km từ Tunisia đến đảo Lampedusa của Italy, cả Roma nói riêng lẫn Brussels nói chung sẽ phải xây dựng được một bộ giải pháp toàn diện, với những khoản ngân sách tài chính không hề nhỏ, cũng như những quỹ thời gian không hề ngắn.

Trong khi đó, các tấn bi kịch trên biển vẫn luôn có thể xảy ra, mỗi ngày...

Mây Linh
.
.
.