Nóng Tây Sahara: Algeria-Morocco căng thẳng cực điểm

Thứ Hai, 30/08/2021, 18:24

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Algeria đã tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 24-8-2021 rằng, quốc gia láng giềng Morocco đã sẵn sàng cho “các hành động thù địch” đối với đất nước của mình. Algiers tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Rabat ngay lập tức.

“Algeria quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vương quốc Morocco kể từ hôm nay”, Ngoại trưởng Algeria, Ramtane Lamamra tuyên bố trong một cuộc họp báo. Morocco cũng đã nhanh chóng phản ứng. Bộ Ngoại giao Morocco cho biết, quyết định của Algeria về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco là “hoàn toàn không hợp lý”, đồng thời cho rằng quyết định này dựa trên “những cái cớ sai lầm, thậm chí ngớ ngẩn”. Tuy nhiên, bộ trên cho rằng, quyết định của Algeria đã được “dự đoán dựa trên những căng thẳng trong những tuần gần đây”.

Nóng Tây Sahara: Algeria-Morocco căng thẳng cực điểm -0
 Người Sahrawi tham dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi (SDAR).

Nếu lý do cho quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Algeria cho biết “lịch sử đã cho thấy Vương quốc Morocco chưa bao giờ ngừng thực hiện các hành động thù địch chống lại Algeria”. Theo ông, các nhà lãnh đạo của Vương quốc Morocco, tiếp giáp với Cộng hòa Algeria, phải chịu “trách nhiệm về những cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại, vốn đã trở nên tồi tệ hơn” và gây “xung đột thay vì hội nhập” trên khắp vùng Maghreb. Ông Lamamra còn viện dẫn lý do là việc Morocco ủng hộ vai trò quan sát viên của Israel trong Liên minh châu Phi (AU).

Nếu căng thẳng giữa hai quốc gia này không mới thì áp lực sẽ tăng lên khi Hội đồng An ninh cấp cao, do Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune làm chủ tịch, quyết định xem xét các mối quan hệ trong tương lai với Rabat.

Tuần trước, Algeria cáo buộc nước láng giềng Morocco có liên quan đến các vụ hỏa hoạn chết người tàn phá lãnh thổ. Trong một tuyên bố, Algeria tố cáo “các hành động thù địch không ngừng của Morocco chống lại Algeria”. Trong mắt người Algeria, những đám cháy kinh hoàng này chẳng khác nào là một hành động khủng bố. Các nhà chức trách Algeria cho rằng Phong trào đòi quyền tự quyết Kabylia, một tổ chức bị coi là khủng bố ở Algeria và theo lời Tổng thống Algeria, nhận được sự ủng hộ của Morocco, là thủ phạm gây ra những vụ hỏa hoạn trên. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Algeria cũng cáo buộc Morocco đã theo dõi các quan chức Algeria và không thực hiện cam kết song phương, đặc biệt liên quan đến Tây Sahara, nơi Algiers ủng hộ Mặt trận Polisario. Ông Lamamra cũng hứa sẽ “tăng cường kiểm soát an ninh ở biên giới phía Tây”, vốn đã bị đóng cửa từ năm 1994.

Nóng Tây Sahara: Algeria-Morocco căng thẳng cực điểm -0
 Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra ngày 24-8 cho biết, nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco.

Xung đột Tây Sahara là một cuộc xung đột đang diễn ra giữa Mặt trận Polisario và Vương quốc Morocco. Xung đột bắt nguồn từ một cuộc nổi dậy của Mặt trận Polisario chống lại các lực lượng thuộc địa Tây Ban Nha từ năm 1973 đến năm 1975 và sau đó Chiến tranh Tây Sahara chống lại Morocco từ năm 1975 đến năm 1991. Ngày nay, cuộc xung đột được chi phối bởi các chiến dịch dân sự không vũ trang của Mặt trận Polisario và nhà nước Cộng hòa dân chủ Arab Sahrawi (SADR) tự xưng của họ để giành độc lập hoàn toàn được công nhận cho Tây Sahara.

Liên Hợp Quốc đã nhiều lần thất bại trong việc làm trung gian hòa giải để mang lại hòa bình cho Tây Sahara. Vòng đàm phán chính thức do Liên Hợp Quốc bảo trợ gần đây nhất diễn ra hồi năm 2012. Liên Hợp Quốc đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn giữa Morocco và Mặt trận Polisario vào năm 1990 để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc trưng cầu này vẫn chưa thể diễn ra.

Quyết định của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, công nhận chủ quyền của Rabat với khu vực Tây Sahara cũng là một nguyên nhân khiến quan hệ Algeria- Morocco trở nên căng thẳng chưa từng có trong 45 năm qua.

Nóng Tây Sahara: Algeria-Morocco căng thẳng cực điểm -0
 Quân đội Mỹ và quân đội Hoàng gia Morocco trong một lần tập trận chung.

Mặc dù tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao ngay lập tức nhưng lãnh sự quán ở cả hai nước sẽ vẫn mở, ông Lamamra nói. Pierre Vermeren, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne và chuyên gia về Maghreb, ước tính quyết định cắt đứt quan hệ này là dấu hiệu cho thấy sự cứng rắn trong chính sách ngoại giao của Algeria.

Ngày 24-8, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit đã lên tiếng kêu gọi Algeria và Morocco kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng. Ông Aboul-Gheit đã bày tỏ hy vọng hai quốc gia này sẽ khôi phục mức độ quan hệ tối thiểu nhằm duy trì ổn định và lợi ích song phương, cũng như sự ổn định của khu vực. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab cũng nhấn mạnh rằng Algeria và Morocco là những thành viên quan trọng trong hệ thống hành động chung Arab, đồng thời hy vọng rằng, Algeria và Morocco sẽ sớm khôi phục quan hệ, dù là ở mức tối thiểu, nhằm duy trì ổn định và lợi ích song phương và khu vực.

Abdelaziz Rahabi, cựu Bộ trưởng Truyền thông Algeria, quan hệ giữa hai nước láng giềng khó có thể được khôi phục trong tương lai gần. Ông nhắc lại rằng, trong các cuộc khủng hoảng liên tiếp, Morocco luôn nối lại quan hệ với Algeria sau trung gian của Pháp hoặc Saudi Arabia.

Mộc Thạch (tổng hợp)

.
.