Những điểm nghẽn trên ngưỡng cửa mùa đông

Thứ Tư, 23/11/2022, 13:45

Tạm thời, Điều 5 Hiến chương Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn chưa bị kích hoạt. Song, điều đó chỉ có nghĩa là loài người tạm thời tránh được thêm một cuộc chiến tranh toàn diện và khốc liệt (hay nói cách khác là Thế chiến 3). Còn trên thực địa chiến trường miền Đông Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga tiến hành kể từ ngày 24/2/2022 vẫn còn mịt mờ, chưa ai nhìn thấy điểm kết thúc?

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

“Đàm phán với Nga vào thời điểm này là một sự đầu hàng!”, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak trả lời phỏng vấn AFP ngày 20/11, trong bối cảnh Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Miley khuyên Kyiv “cần tính tới khả năng đàm phán” để tìm cách vãn hồi hòa bình.

Từ lập trường của ông Podolyak, cũng có nghĩa là lập trường của Chính phủ Ukraine, việc phương Tây tìm cách thuyết phục Kyiv đàm phán với Nga là điều “kỳ lạ”, bởi quân đội Ukraine “đang giành được những thắng lợi quan trọng về mặt quân sự” ở thực địa. Hơn nữa, theo ông Mykhailo Podolyak, hiện tại “Moscow chưa trực tiếp đưa ra bất kỳ một đề xuất nào” về khả năng đàm phán, mà chỉ mới đánh tiếng qua một số trung gian - đơn cử như Thổ Nhĩ Kỳ.

Những điểm nghẽn trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Hậu cần là một thách thức lớn đối với quân đội Ukraine.

Cũng phải thừa nhận, sau không ít bài học kinh nghiệm đắt giá, phía Ukraine đã tiếp cận vấn đề một cách tương đối thận trọng, ở khía cạnh nhìn nhận về những toan tính của Nga. Đối với Kyiv, những tín hiệu hòa đàm từ phía Moscow chỉ là “kế hoãn binh”, nhằm chuẩn bị cho những đợt tiến công sắp tới. Điều này cũng sẽ tạo nên thời gian cần thiết để quân đội Nga đào tạo tân binh và tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp vũ khí. Các suy xét này mang màu sắc đồng nhất với sự “cẩn thận” mà Kyiv thể hiện, trước khi tiến quân vào tái chiếm thành phố Kherson.

Và ngày 21/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, trong một bài phát biểu qua video: “Chúng ta có thể không có tiền. Không có xăng. Không có nước nóng. Không có ánh sáng. Nhưng, không thể không có tự do”. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong tương lai, người dân Ukraine sẽ tụ tập tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Kyiv - “nơi chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Ukraine. Tại thủ đô Kyiv yên bình, trên đất nước Ukraine yên bình” (theo Reuters).

Nghĩa là, với Ukraine, cuộc chiến đấu sẽ còn tiếp diễn, cho đến ngày toàn thắng, mà theo định nghĩa của họ là khi quân đội Nga bị quét sạch và các đường biên giới trước năm 2014 được khôi phục (bao gồm cả 4 khu vực mới sáp nhập, lẫn bán đảo Krym/Crimea).

Những điểm nghẽn trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Theo văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky, phía Nga đã sử dụng hơn 4.700 tên lửa để không kích lãnh thổ Ukraine.

Trên giới tuyến Dnipro

Thế nhưng, ít nhất là trong quãng thời gian 3 tháng khắc nghiệt nhất của mùa đông sắp sửa ập xuống, những người lính Ukraine sẽ tiếp tục các nỗ lực giành lại lãnh thổ của mình như thế nào, đó mới là vấn đề.

Không phải ngẫu nhiên, phương Tây lại đưa ra những lời khuyên về các biện pháp ngoại giao cần thiết nhằm vãn hồi hòa bình. Cũng không phải ngẫu nhiên, sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Vladymyr Gavrilov hé lộ: “Tôi nghĩ rằng Nga có thể đối mặt với một sự kiện trong nội bộ của họ và điều này có thể góp phần vào thành công của chúng tôi với Krym. Ví dụ, chúng tôi có thể tiến vào Krym vào cuối tháng 12. Điều đó liệu có khả thi? Có, không loại trừ khả năng ấy”, thì Moscow lập tức phản bác: Ukraine sẽ không có cơ hội giành lại Krym, kể cả bằng biện pháp quân sự hay giải pháp chính trị.

Những điểm nghẽn trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Năng lượng vẫn là yếu tố then chốt củng cố “quốc lực” phục vụ cho chiến sự của nước Nga.

Có không ít dữ kiện không thể phủ bác (kể cả trong bối cảnh của một cuộc chiến tranh tuyên truyền phức tạp chưa từng có trong lịch sử loài người, đặt trên nền tảng là sự bùng nổ công nghệ thời 4.0) chỉ ra rằng: Tại mặt trận tiền tuyến lúc này, các lực lượng vũ trang Nga mới là phía chiếm được nhiều lợi thế, thậm chí là những lợi thế then chốt.

Quân đội Ukraine đã chiếm lại được Kherson, nhưng như chính họ thừa nhận trong những cáo buộc dành cho Nga, đó chỉ còn là một đô thị trống rỗng, hầu như không còn cơ sở hạ tầng nào toàn vẹn. Điều này hiển nhiên đặt ra những mệnh đề nan giải về tiếp liệu và hậu cần cho các binh sĩ Ukraine, nhất là khi thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông đã cận kề. Nó gợi lên trong tiềm thức bất cứ ai quan tâm đến quân sự thế giới dáng dấp một kiểu mô hình thu nhỏ của trận Moscow - cạm bẫy mà nguyên soái Nga Kutuzov giăng ra trước Đại quân của Hoàng đế Pháp Napoleon I thời xưa. Hoặc, một ví dụ khác: Stalingrad trong Thế chiến 2, nơi vào thời điểm này tròn 80 năm trước, Nguyên soái Zhukov ra lệnh phản công mãnh liệt, khi sức tiến công của Tập đoàn quân số 6 Đức Quốc xã đã bị bào mòn đến tận cùng.

Ở chiều ngược lại, khi chủ động rút khỏi Kherson (đúng vào thời điểm hầu như tất cả giới quan sát cũng như các tướng lĩnh Ukraine chuẩn bị tinh thần cho một cuộc giao tranh khốc liệt), quân Nga bảo toàn được lực lượng (vốn đã tương đối mỏng, ngay từ khi bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt) của họ.

Thu hẹp phòng tuyến và tận dụng chướng ngại vật tự nhiên là sông Dniepro, lại được chiến đấu trong vai trò phòng thủ, trên thực tế, nhiệm vụ của những người lính Nga dễ dàng hơn nhiều, so với đối phương nhất định phải tiến lên, nỗ lực thực hiện các đợt tấn công (đặc biệt là dưới tầm pháo và trong phạm vi không kích ồ ạt của quân Nga).

Những điểm nghẽn trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Theo nhiều nguồn tin, quân đội Ukraine đang sa lầy cả ở hướng Bakhmut.

Cho đến lúc này, sau những chiến thắng dễ dàng ở vùng Kharkiv hướng Đông Bắc, cũng như việc tái chiếm Kherson, có thể nói đà tiến của quân đội Ukraine đang chậm lại. Có thể, đúng là quân Nga cũng đã mệt mỏi với những tổn thất sau 9 tháng giao tranh - nguyên nhân khiến tướng Mỹ Mark Miley khuyên Ukraine đàm phán “khi đang ở vị thế mạnh hơn đối thủ”. Song, không thể nói rằng quá trình giao chiến dai dẳng kể từ cuối hè đến hiện tại lại không tác động tương tự (dù là theo những cấp độ khác) tới các đơn vị chiến đấu Ukraine.

Dưới những cơn mưa cuối thu, khả năng cơ động trong hành tiến của bất cứ đội quân nào cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những đơn vị thiết giáp hạng nặng. Kể cả khi phương Tây vẫn đang liên tục đưa đến cho Ukraine những lô hàng viện trợ vũ khí cần thiết, việc vận hành những khí tài quân sự ấy cũng đã trở nên khó khăn, đầu tiên là bởi đường tiếp tế đã trở nên quá dài.

Trong khi đó, ở Donetsk, tình hình cũng vẫn vô cùng dằng dai. Trong khi đó, Ukraine vẫn phải “để mắt” đến biên thùy phía Bắc giáp Belarus, nơi chỉ cách thủ đô Kyiv chưa đầy 200 km. Và, như giễu cợt những đánh giá của phương Tây về sự cạn kiệt vũ khí, tên lửa cùng các cuộc không kích của Nga vẫn đang khiến còi báo động vang lên ở toàn hậu phương Ukraine từng ngày, để Kyiv hay Kharkiv hoặc những thành phố quan trọng khác bị hủy hoại cơ sở hạ tầng từng đêm.

Thành bại tại… thương trường

Lùi lại xa hơn một chút khỏi các diễn biến chiến địa, có lẽ sẽ là cách để nhìn nhận các vấn đề toàn diện hơn. Ở những góc nhìn vĩ mô, việc tình hình chiến sự Nga - Ukraine có bị đóng băng hay không dường như cũng không quan trọng bằng việc những hệ lụy của cuộc chiến sẽ còn tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của cả Nga lẫn phương Tây như thế nào.

Đáng chú ý: Theo dữ liệu mới công bố của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), dự trữ của Nga đang tiếp tục tăng. CBR cho biết dự trữ quốc tế của Nga đã tăng lên hơn 552 tỷ USD, tăng 1,9% (10,5 tỷ USD) trong tuần tính đến ngày 11/11. Tính đến ngày 4/11/2022, dự trữ quốc tế của nước này là 541,6 tỷ USD. Tuy nhiên, con số trên bao gồm khoảng 300 tỷ USD bị đóng băng tại các ngân hàng trung ương phương Tây. Vấn đề là, theo Eurostat (Cơ quan Thống kê EU), thương mại Nga – EU đạt 171,4 tỷ euro trong 7 tháng đầu năm 2022, nếu tính trung bình với khối lượng tương tự trong cả năm có thể đạt con số tổng cộng trong năm 2022 là 293,8 tỷ euro - tăng so với mức của năm 2021.

Những điểm nghẽn trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Phía Nga khẳng định: Ukraine không có cơ hội giành lại bán đảo Krym.

Ở chiều ngược lại, theo Reuters trích dẫn dữ liệu từ trang web theo dõi tàu chở hàng Vortexa, số lượng chuyến hàng dầu diesel của Nga đến khu vực lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) đã tăng lên 215.000 thùng mỗi ngày từ ngày 1 đến ngày 12/11. Ông Pamela Munger, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Vortexa cho biết đây là mức tăng 126% so với tháng 10. Nói cách khác, để trụ vững qua mùa đông và chuẩn bị cho tương lai, phương Tây vẫn đang phải mua càng nhiều dầu của Nga càng tốt, qua mọi nguồn khả thi, trước khi lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga có hiệu lực vào tháng 2/2023.

Sâu xa hơn, trên cả thương trường, khi chính trường Mỹ đã đi qua cuộc bầu cử giữa kỳ, điều dễ hiểu là Nhà Trắng hiện thời đang cần tạo nên một số sự thay đổi trong chính sách. Trên tiến trình đó, bởi đảng Cộng hòa đã làm chủ Hạ viện, những gói viện trợ khổng lồ dành cho Ukraine không còn là ưu tiên hàng đầu, cũng không chắc đã phục vụ tốt nhất cho những lợi ích cốt lõi quan trọng nhất của nước Mỹ nữa.

Và như vậy, về mặt “quốc lực” để tiếp tục cuộc xung đột quân sự này (cho đến khi một phía vượt quá giới hạn chịu đựng), có nhiều lý do để Moscow tự tin rằng họ không ở thế yếu. Song, những bước ngoặt thực sự tiếp nối, có lẽ chúng ta vẫn phải đợi tới mùa xuân, khi tình thế đã trở nên thuận lợi hơn cho họ, để gỡ bỏ tình trạng “đóng băng” chiến sự hiện thời.

Mây Linh

.
.
.