Lửa nóng trước mùa đông
Kyiv lại rung chuyển dưới những trận không kích đầy bão lửa từ phía các lực lượng vũ trang Nga. Trên bề mặt, đây là đòn trả đũa mà bất cứ ai cũng có thể tiên liệu, sau vụ nổ làm hư hại cây cầu Kerch dài 19 km nối đất Nga với bán đảo Crimea. Tuy nhiên, trên thực tế, những hồi còi báo động phòng không ngân dài trên khắp lãnh thổ Ukraine cũng có thể là sự khắc họa một hình thái mới. Một giai đoạn mới của cuộc xung đột vũ trang mang tên “Chiến dịch quân sự đặc biệt” đang được điện Kremlin tiến hành.
Những hồi còi báo động
"Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một hành động khủng bố với mục tiêu phá hoại một công trình dân dụng quan trọng. Vụ đánh bom này được lực lượng đặc nhiệm Ukraine khởi xướng và tổ chức tiến hành", Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh lời cáo buộc về sự vụ đánh bom cầu Kerch, trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 10/10.
Nhưng, từ trước đó, tại trung tâm thủ đô Kyiv của Ukraine, hàng loạt vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thành phố. Một số nguồn tin cho biết: Tên lửa thậm chí đã rơi xuống gần Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Cơ quan An ninh Ukraine.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng thủ đô Kyiv chứng kiến các vụ nổ lớn như vậy. Trong khi đó, hãng thông tấn UNIAN của Ukraine dẫn lời Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko xác nhận ít nhất đã có 4 vụ nổ. Cả thành phố chìm trong khói lửa. Người dân phải di tản gấp rút tới các hầm trú ẩn và hệ thống báo động phòng không Kyiv được kích hoạt.
Hãng tin Reuters mô tả một vụ nổ tạo ra hố lớn tại một trong những ngã ba đường đông đúc nhất của Kyiv. Ô tô bị phá hủy, các tòa nhà bị hư hại và các nhân viên cấp cứu đang có mặt tại hiện trường. Cửa sổ các tòa nhà tại Đại học Taras Shevchenko (Đại học Quốc gia Kiev) bị thổi bay.
Theo trang mạng Readovka của Ukraine ngày 10/10: “Trong bối cảnh xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố Kyiv, Tổng thống Ukraine đã nhanh chóng rời khỏi Kyiv và được đưa đến một boongke bí mật”.
Nhưng, không chỉ Kyiv, nhiều thành phố quan trọng khác của Ukraine, Lviv, Ternopil, Zhytomyr ở miền Tây và Dnipro, Kremenchuk ở miền Đông... cũng đồng loạt bị tiến công vào sáng 10/10 (theo giờ địa phương).
"Tiếng còi báo động không kích vang không ngừng khắp Ukraine. Tên lửa đang tấn công. Thật không may, đã có người chết và bị thương", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo trên mạng xã hội Telegram.
Cũng theo nhà lãnh đạo này, đối phương đã chọn thời điểm để thực hiện các cuộc tấn công vào Ukraine trong ngày 10/10, có sử dụng cả máy bay không người lái do Iran sản xuất, nhằm gây ra thiệt hại lớn nhất có thể (AFP và Reuters dẫn lại).
Ngay sau đợt tiến công, Tổng thống Ukraine lập tức điện đàm với các nhà lãnh đạo hai quốc gia dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp. Trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình, Tổng thống Zelensky hé lộ: Trong các cuộc điện đàm, ông đã thảo luận về việc "gia tăng sức ép" đối với Nga, cũng như "việc tăng cường năng lực phòng không, sự cần thiết của việc đưa ra phản ứng cứng rắn của châu Âu và cộng đồng quốc tế".
Tổng thống Pháp Emmaniel Macron bày tỏ "hết sức quan ngại" về cuộc tấn công tên lửa vào thủ đô Kiev, đồng thời cam kết sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định "tình đoàn kết của Đức và các nước thành viên G7 khác" đối với Ukraine.
Trả đũa và hơn thế nữa
Cầu Kerch, như tất cả mọi người đều biết, vừa là một biểu tượng hữu hình về sự kết nối giữa Nga với bán đảo Crimea sau khi sáp nhập, vừa có vai trò cực kỳ quan trọng về lợi ích thực tế đối với nước Nga.
Thậm chí, kể cả khi nó đã nhanh chóng được sửa chữa một phần các hư hại, không ít nhà quan sát quốc tế vẫn cho rằng việc cầu Kerch không thể hoạt động hết công suất sẽ khiến các lực lượng vũ trang Nga đang tổ chức phòng thủ ở duyên hải Biển Đen, tại 4 khu vực vừa sáp nhập, rơi vào tình trạng thiếu hụt về hậu cần, do những khó khăn trên đường tiếp liệu, trong bối cảnh các đoàn quân Ukraine đang áp sát và tiến đánh Kherson.
Do đó, kể cả khi Kyiv phủ nhận cáo buộc trách nhiệm của Moscow, với lập luận: “Chiếc xe tải mang bom di chuyển từ phía Nga, vậy thì hãy đi tìm câu trả lời ở Nga”, việc cầu Kerch bị đánh bom mang lại ưu thế cho ai trên thực địa chiến trường là điều khá rõ ràng.
Không chỉ vậy, từ ngày 7/7, Đại tướng không quân Mỹ Phillip Breedlove, cựu Tư lệnh Các lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, đã cho rằng cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối liền lãnh thổ Nga với vùng Crimea là một "mục tiêu tấn công tiềm năng" mà quân đội Ukraine có thể cân nhắc.
"Giờ đây, khi phương Tây đã hỗ trợ Ukraine tên lửa chống hạm Harpoon, tôi nghĩ người Nga càng có lý do để lo ngại việc Ukraine tấn công cầu. Tới tên lửa Harpoon, Kyiv có đủ năng lực để thực hiện vụ tấn công nhằm vào hạ tầng bắc qua eo biển Kerch", tướng Breedlove nhận định. Do đó, quân đội Nga cũng đã tăng cường phòng thủ cho cây cầu huyết mạch này. Tuy nhiên, che chắn và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho một mục tiêu đơn độc, nổi bật, dài tới 19 km trên biển, gần như là một nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh hiện đại mà cuộc xung đột này chính là hình mẫu tham khảo mang tính “kinh điển”. Chiến tranh hiện đại đã chuyển sang kỷ nguyên thống trị của các thiết bị không người lái, và những tổn hại mà chúng có thể gây ra cho các khí tài tối tân khiến những cuộc đọ sức “phi đối xứng” trở nên giàu cạm bẫy hơn bao giờ hết, đối với các siêu cường quân sự.
Có điều, cũng chính vì vậy, dường như sẽ là đơn giản hóa mọi chuyện, dù chỉ là về mặt quân sự thuần túy, nếu cho rằng các đợt không kích ồ ạt mà quân đội Nga đã tiến hành chỉ mang tính chất “trả đũa” cho vết thương mang tên “Cầu Kerch”.
Khi cả Ukraine nghiêng ngả dưới những đợt oanh kích dồn dập, Moskva đã và đang ngầm gửi đi thông điệp, rằng trái với các phân tích tiên đoán rằng các nguồn lực của quân đội Nga đang dần trở nên cạn kiệt, thực ra, khovũ khí của họ vẫn dồi dào để gieo rắc kinh hoàng. Và, nếu vụ đánh bom cầu Kerch là một cú đòn bất ngờ choáng váng, thì Kyiv, Kharkiv hay Lviv cũng hoàn toàn có thể bị tàn phá theo cách không thể ngăn cản.
Mà xét cho cùng, từ mấy tuần nay, các thiết bị bay không người lái từ phía Nga (được cho là mua của Iran) cũng đã liên tục “hoành hành” ở không phận Odesa.
Và mùa đông đã đến
Mùa đông gắn liền với những chiến công vĩ đại trong lịch sử nước Nga, như cách mà Nguyên soái Kutuzov nghênh chiến với Napoleon Bonaparte 1, hay Nguyên soái Zhukov chặn đứng quân đội Đức Quốc xã. Vấn đề là, trong thực tế, không phải cái lạnh giá kinh khủng của mùa đông nước Nga chỉ ảnh hưởng đến quân Pháp hay quân Đức mà không tác động gì đến quân Nga. Tuy nhiên, chiến đấu gần hậu tuyến hơn, quân Nga được trang bị hậu cần dễ dàng hơn, tốt hơn và bởi “lương thảo là căn bản của binh gia”, họ sẵn sàng cho chiến thắng hơn gấp bội so với kẻ địch.
Trong những tuần qua, kể từ khi Nga triệt thoái các lực lượng khỏi vùng Đông Bắc Ukraine, vô hình trung, giữa hai phía đang có sự hoán đổi về vai trò. Đang ở thế công với chiến tuyến trải dài cùng quân số hạn chế và đường tiếp liệu tương đối khó khăn, quân Nga chuyển thành thế thủ ở một khu vực hẹp hơn, gần biển (nghĩa là nhiều giải pháp hậu cần) hơn.
Ngược lại, đang ở thế thủ, quân Ukraine chuyển sang thế công, điều tích cực về mặt “sĩ khí” nhưng lại là cái bẫy trong khâu tổ chức hậu cần. Mà vị thế này, với những trận bão tuyết mùa đông đang sẵn sàng thổi tới, sẽ còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khắc nghiệt.
Theo những lời cáo buộc từ Kyiv, các đợt không kích mới nhất mà phía Nga thực hiện trên lãnh thổ Ukraine nhằm cả vào những cơ sở hạ tầng thiết yếu, điển hình là các nhà máy điện. Cũng nên lưu ý: Từ ngày 8/10, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (do phía Nga kiểm soát) đã ngắt kết nối với lưới điện quốc gia Ukraine (điều từ trước vẫn còn được duy trì). Nói cách khác, có vẻ như ở một khía cạnh bị khuất lấp của chiến tranh (nhưng lại đóng vai trò quyết định), Điện Kremlin vẫn đang thực hiện được mục tiêu tối thượng: Vắt kiệt “quốc lực” của Ukraine.
Minh chứng: Ngày 11/10, Bộ Năng lượng Ukraine chính thức thông báo ngừng xuất khẩu điện (sang các nước láng giềng EU), nhằm bảo đảm ổn định hệ thống năng lượng của mình. Nếu nhìn xa hơn, dường như, đây là một cú “đòn âm” mà Moscow giáng tiếp vào châu Âu - vốn vẫn còn đang vật vã trong cơn khủng hoảng năng lượng.
Thực tế, cuộc xung đột vũ trang này đã kéo dài hơn 7 tháng và những hệ lụy quốc tế của nó càng lúc càng khoét sâu hơn những sự chia rẽ trong nội bộ EU/phương Tây, cũng như trong nội tại từng xã hội, từng quốc gia đang “tiếp sức” cho Ukraine.
Mùa đông, trong những tháng tới, sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề ở tầm cao ấy. Và, đến khi những cơn bão tuyết ngừng thổi, hàng vạn quân Nga mới động viên cũng đã được thao luyện một thời gian, đủ để thích nghi với các nhiệm vụ mới, nếu có...