Indonesia sắp sở hữu hệ thống tên lửa BrahMos

Thứ Hai, 01/08/2022, 11:20

Indonesia có thể sẽ sớm trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai đặt mua hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga phối hợp sản xuất. Trang financialexpress.com của Ấn Độ đưa tin Indonesia đã bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng về đề nghị mua hệ thống vũ khí chống hạm này.

Tiến trình đàm phán

Báo cáo trích dẫn nguồn tin cho biết: “Các cuộc đàm phán với Indonesia đang bước vào giai đoạn tiến triển để xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Nga-Ấn... Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể sẽ được ký sớm hơn do các vấn đề nội bộ của họ (Indonesia), theo đó dự kiến trước cuối năm nay hoặc đầu năm sau, thỏa thuận này sẽ được hoàn tất”.

Indonesia sắp sở hữu hệ thống tên lửa BrahMos -0
Hệ thống BrahMos sẽ giúp Indonesia nâng cấp đáng kể năng lực răn đe hàng hải.

Tên lửa BrahMos sản xuất bởi BrahMos Aerospace, một dự án chung giữa Nga và Ấn Độ được thiết lập tại Ấn Độ vào năm 1998, là tên lửa hành trình siêu thanh có tốc độ cao nhất cho đến nay. Tên lửa này có thể được triển khai từ tàu ngầm, tàu nổi, máy bay hoặc từ các hệ thống phóng dưới đất, có tốc độ gấp gần 3 lần tốc độ âm thanh, khiến các mục tiêu khó có thể né tránh.

Các năng lực này khiến BrahMos thu hút nhiều sự chú ý từ các nước Đông Nam Á, vốn đang tìm cách bảo vệ các vùng biển rộng và nằm rải rác, đặc biệt là trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Tháng 1-2022, Philippines chính thức hoàn tất thỏa thuận mua hệ thống BrahMos trị giá 374 triệu USD, theo đó tăng cường năng lực hải quân của nước này nhằm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Trong khi lực lượng vũ trang Philippines lựa chọn triển khai BrahMos từ đất liền, Indonesia được cho là sẽ đưa hệ thống này lên các chiến hạm. Theo financialexpress.-com, đội ngũ của BrahMos vừa đến thăm một cơ sơ đóng tàu tại Indonesia để nghiên cứu việc lắp đặt hệ thống này.

Hợp tác an ninh

Nếu thỏa thuận được tiếp tục theo như nguồn tin của Ấn Độ, thương vụ này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong chính sách Hướng Đông của New Delhi, vốn đang tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế và chiến lược với Đông Nam Á. Thương vụ BrahMos thứ hai tại Đông Nam Á cũng sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là đối tác lớn thứ hai của khu vực này trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh, sau Nga.

Indonesia sắp sở hữu hệ thống tên lửa BrahMos -0
Hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Indonesia ngày càng phát triển.

Từ năm 2018, Indonesia đã xác nhận quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos, trong khi Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng bày tỏ quan tâm tới hệ thống này. Chắc chắn, trong bối cảnh Nga đang gặp bất ổn về khả năng cung cấp vũ khí do cuộc xung đột với Ukraine, Ấn Độ sẽ có cơ hội trở thành đối tác ưu tiên của Đông Nam Á.

Thương vụ trên cũng đánh dấu mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển giữa New Delhi và Jakarta, trong đó cốt lõi tập trung vào an ninh hàng hải và hợp tác quốc phòng. Với vai trò là hai “mỏ neo” chính của an ninh hàng hải châu Á, hai nước có chung mối lo ngại về sức mạnh và sự quyết đoán ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng như cùng chung cam kết duy trì chính sách đối ngoại độc lập, phi liên kết và vững chắc.

Như chuyên gia Don McLean Gill lưu ý hồi năm ngoái, Ấn Độ và Indonesia thường “hướng nội” trước sức ép từ bên ngoài, song điều này đang thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn Trung Quốc ngày càng trỗi dậy. Năm 2018, New Delhi và Jakarta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và lần đầu tổ chức một cuộc tập trận hải quân song phương có tên gọi “Samudra Shakti”. Cuộc tập trận được tiến hành nhằm tăng cường khả năng tương tác, mở rộng hợp tác hàng hải cũng như trao đổi các biện pháp hiệu quả nhất giữa hai bên.

Đối với Indonesia, không khó để nhận ra lợi ích khi mua hệ thống BrahMos. Mặc dù từ năm 2011, hải quân Indonesia đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Yakhont do Nga sản xuất, song thương vụ BrahMos sẽ giúp họ nâng cấp đáng kể năng lực răn đe hàng hải tại các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, vốn chồng lấn với yêu sách Đường 9 đoạn của Trung Quốc, cũng như liên tiếp bị tàu cá và tàu dân quân Trung Quốc xâm lấn trong suốt thập kỷ vừa qua.

Trên hết, thương vụ này có thể khuyến khích các nước Đông Nam Á tiếp bước Indonesia, đồng thời là tín hiệu cho thấy khu vực này sẽ mua sắm vũ khí hàng loạt trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải.

Mạnh Tuân (Tổng hợp)
.
.
.