Đưa người di cư lậu sang Mỹ: Ngành kinh doanh đang bùng nổ
Số lượng người nhập cư kỷ lục vào Mỹ từ biên giới phía Nam không chỉ khiến Washington bối rối, mà còn tạo ra một ngành kinh doanh béo bở cho các băng đảng buôn người ở Mỹ Latinh trên suốt tuyến đường di cư.
Người nhập cư trái phép tăng kỷ lục
Dữ liệu mới công bố của Chính phủ Mỹ cho thấy các đặc vụ biên phòng đã thực hiện 2,05 triệu vụ bắt giữ trong năm tài chính liên bang kết thúc vào tháng 9 vừa qua, năm thứ hai liên tiếp con số đó đã vượt quá 2 triệu.
Trong quá khứ, các con số này đã tăng và giảm dựa trên những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính sách như suy thoái kinh tế và các hạn chế biên giới trong thời kỳ đại dịch. Nhưng, tổng số vụ bắt giữ người nhập cư trái phép trong một năm tài chính chưa bao giờ vượt quá 1,7 triệu và chưa bao giờ duy trì ở mức cao như 2 năm qua.
Trước đây, hầu hết người di cư đến Mỹ là người độc thân trưởng thành đến từ Mexico đang tìm việc làm. Nếu bị lực lượng biên phòng Mỹ bắt giữ, họ có thể bị trục xuất một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Giờ đây, tỷ lệ gia tăng nhanh chóng là các gia đình có trẻ em, những người khó bị trục xuất về nước. Sự thay đổi này bắt đầu vào khoảng năm 2014 và bùng nổ trong 2 năm qua, khi Hạ viện Mỹ thông qua “Đạo luật cam kết và giấc mơ Mỹ”.
Đạo luật này cho phép những người nhập cư bất hợp pháp chưa đến tuổi trưởng thành (được gọi là "Dreamer") tiếp tục sinh sống và tiếp cận giáo dục tại Mỹ và sẽ được cấp quốc tịch Mỹ nếu đáp ứng một số điều kiện.
Những gia đình có trẻ em do đó sẽ đầu hàng lính biên phòng Mỹ đầu tiên mà họ tìm thấy. Vì có trẻ em, những gia đình này thường nhanh chóng được thả vào Mỹ vì lực lượng biên phòng không thể giữ họ quá 1 hoặc 2 ngày.
Sau khi được trả tự do, họ có thể đợi nhiều năm để vụ việc của mình được xử lý tại các tòa án di trú, nơi đang bị tắc nghẽn với hàng trăm nghìn vụ việc chờ giải quyết. Và, hầu hết cuối cùng đều tìm được việc làm ở nền kinh tế Mỹ đã phục hồi sau cuộc suy thoái do COVID-19.
Thực tế này, cùng với việc Điều khoản 42 - điều khoản cho phép chính quyền Mỹ áp dụng luật sức khỏe cộng đồng để trục xuất lập tức những người nhập cư bất hợp pháp - kết thúc hồi tháng 5 năm nay, khiến dòng người di cư vào Mỹ qua biên giới phía Nam ngày càng tăng.
Ngành kinh doanh béo bở
Phần lớn những gia đình di cư tới Mỹ vì chạy trốn bạo lực băng đảng ở Trung Mỹ, vì các vấn đề chính trị hoặc muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói ở Nam Mỹ. Mạng lưới buôn lậu và dẫn đường đã phát triển mạnh theo yêu cầu từ nhóm khách hàng tuyệt vọng muốn bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ này.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ ước tính có 2,4 triệu người di cư đã đến biên giới phía Tây Nam của đất nước trong năm tài khóa 2023 (từ 1/10/2022 đến 30/9/2023), cao hơn tổng số của năm trước. Và, như đã đề cập, chỉ một số ít trong số họ đến các cửa khẩu biên giới hợp pháp, còn phần lớn, lên đến hơn 2 triệu người, đi theo con đường bất hợp pháp.
Đưa những người di cư này lên phía Bắc đã trở thành một công việc kinh doanh lớn từ Nam Mỹ đến Bắc Mexico và là nguồn thu nhập cho cư dân ở các thị trấn và thành phố nghèo, nơi khan hiếm việc làm.
Một nghiên cứu của Liên hợp quốc năm 2021 ước tính rằng những người di cư từ 3 quốc gia - Guatemala, Honduras và El Salvador - đã trả 1,7 tỷ USD mỗi năm cho những kẻ buôn lậu người.
Các băng đảng ma túy và buôn lậu khác đóng một vai trò quan trọng. Chúng bao gồm Aragua Train của Venezuela, một băng đảng sử dụng các tuyến đường mà chúng kiểm soát dọc biên giới Venezuela với Colombia để buôn lậu người. Các băng đảng Sinaloa và Jalisco của Mexico cũng làm điều tương tự đối với những người di cư đang tiến vào Mỹ
Ở Colombia, tay chơi lớn là băng đảng Gulf Clan. Dù thu về 3 tỷ USD mỗi năm từ việc kinh doanh cocaine song băng đảng nắm giữ quyền lực to lớn trên khắp vùng cực Bắc của đất nước này cũng tham gia vào thị trường đưa người di cư bất hợp pháp.
Sau đó, có những nhóm nhỏ, riêng lẻ hoạt động trong bóng tối, thường đóng vai trò tiếp tay. Kenneth Polite Jr, người đứng đầu bộ phận tội phạm của Bộ Tư pháp Mỹ làm việc với các công tố viên ở châu Mỹ để triệt phá các tổ chức đưa người di cư trái phép, cho biết các nhóm nhỏ hơn này thường đóng vai trò tuyển dụng, hướng dẫn viên, tổ chức các điểm tập kết hoặc làm tài xế.
Đa dạng các tuyến đường
Các công tố viên Colombia và cảnh sát đặc biệt làm việc với giới chức Mỹ mới đây đã triệt phá một nhóm buôn người, bắt giữ 11 nghi phạm ở 4 thành phố của nước này. Họ gọi đây là một cuộc tấn công quan trọng chống lại nạn đưa lậu người di cư qua đất nước.
Nhưng, những thành công đó chỉ là thoáng qua trong cuộc chiến trường kỳ, chính quyền Colombia và Mỹ cho biết, bởi các băng đảng ở những nước khác luôn mong muốn lấp vào khoảng trống. Những con đường di cư vì thế cũng rất đa dạng.
Hugo Tovar, công tố viên hàng đầu giám sát các cuộc điều tra buôn người di cư của Văn phòng Tổng Chưởng lý Colombia, cho biết những kẻ đưa lậu người vượt biên tính phí lên tới 5.000 USD/người. Số tiền này để chi trả cho một hành trình bằng ô tô từ Ecuador, sau đó là đi thuyền hoặc máy bay xuyên qua Colombia để đến Mexico trước khi vào Mỹ.
Nhưng, không phải ai cũng có khả năng chi trả số tiền lớn như thế. Hầu hết người di cư chọn tuyến đường rẻ hơn nhiều, với chỉ khoảng 350 USD cho một chuyến đi thuyền qua vịnh Urabá ở miền Bắc Colombia, sau đó là di chuyển bằng xe máy đến tiền đồn Las Tecas, nơi họ nghỉ qua đêm và cuối cùng là có hướng dẫn viên dẫn qua Darién Gap, một khu rừng rậm quanh biên giới Colombia và Panama. Băng qua đây, người di cư sẽ tới miền trung Panama, nơi họ có thể dễ dàng bắt xe buýt đến biên giới Mỹ hơn.
Các quan chức di cư Panama cho biết, số lượng người di cư đến Mỹ băng qua Darién Gap trong năm nay đã tăng lên mức kỷ lục 449.653 người, tăng gấp đôi từ tổng số khoảng 248.000 người vào năm 2022.
Edilberto Escobar, một hướng dẫn viên 32 tuổi tại Panama, tiết lộ anh kiếm được khoảng 125 USD cho mỗi chuyến đi 2 tuần một lần. Đó là công việc ổn định và kiếm thu nhập cao hơn làm lao động tự do.
“Có những ngày khó khăn, có những ngày dễ dàng”, Escobar nói. “Đôi khi có rất nhiều phụ nữ có con nhỏ cần giúp đỡ. Đôi khi mực nước sông rất cao. Chuyến đi bộ có thể rất dài và bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi”. Những người di cư khá giả hơn vì thế có thể thuê người khuân vác, trả 20 USD một ngày để mang ba lô hoặc 500 USD để bế trẻ sơ sinh trong 3 ngày.
Martínez, một trong những người tổ chức điểm tập kết tại Las Tecas (Colombia), cho biết, các nhóm di cư đã tạo ra dịch vụ kinh doanh, cung cấp việc làm trực tiếp cho 3.000 người dọc theo Darién Cap. Martínez khởi nghiệp là một hướng dẫn viên và người khuân vác trước khi giúp lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên di chuyển người di cư tự gọi mình là “Tổ chức Cứu mạng”.
Ngồi dưới một nơi trú ẩn mà những người di cư đang dựng lều, Martínez cho biết công ty của ông chỉ đơn thuần là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người di cư. “Đây là quyền mà người di cư có”, ông nói. “Nếu chúng tôi buôn người, chúng tôi sẽ giam giữ họ. Nhưng ở đây, họ tự do đến và đi”.
Với 2.000 người di cư hiện đang đến Darién Cap mỗi ngày, với mức phí 350 USD mỗi người, các băng nhóm mafia địa phương có thể kiếm được tới hơn 20 triệu USD mỗi tháng. Những nhà điều tra Mỹ và Colombia nói rằng Gulf Clan - một băng đảng bao gồm các cựu chiến binh bán quân sự và nổi dậy từng tham gia vào cuộc xung đột dân sự kéo dài ở Colombia - nhận một khoản “tiền phế” lớn trong đó.
Tovar, công tố viên giám sát các vụ đưa lậu người di cư cho Văn phòng Tổng Chưởng lý Colombia, cho biết: “Gulf Clan đóng vai trò như một loại trạm kiểm soát và về cơ bản họ tính phí”.
Những người di cư qua ngả này phải đối mặt với nguy cơ bị cướp và hãm hiếp bởi các băng nhóm có vũ trang hoạt động khắp Darién Cap, đặc biệt là ở khu vực Panama xa xôi, dài hơn. Biên phòng Panama cho biết, họ đã vớt được hơn 100 thi thể ở khu rừng này kể từ đầu năm 2022 và thừa nhận có thể còn nhiều thi thể khác chưa tìm thấy.
Không muốn đối mặt những rủi ro như vậy, một số chọn các tuyến đường VIP: Di chuyển bằng thuyền trên Thái Bình Dương từ thành phố Buenaventura của Colombia đến Jaqué (Panama) - một lộ trình mà cảnh sát Colombia cho biết được những khách hàng giàu có hơn ưa thích.
Một số người khác chi trả mức thấp hơn được đưa đi gần 1.000 km tới Medellín và ở trong những ngôi nhà an toàn trước khi bay đến quần đảo San Andrés - lãnh thổ của Colombia ở Caribe - với các tài liệu đã được chỉnh sửa. Từ đảo San Andrés, họ đi bằng thuyền máy đến Nicaragua. Từ đây, người di cư lại bắt đầu hành trình đường bộ, cũng rất rủi ro, nhưng vẫn là lựa chọn bắt buộc nếu họ vẫn muốn theo đuổi “giấc mơ Mỹ”.