Điều gì sẽ xảy ra sau khi EU thống nhất về giá trần khí đốt?

Thứ Tư, 21/12/2022, 08:00

Ngày 19/12, các Bộ trưởng Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp giá trần đối với khí đốt. Đây là nỗ lực mới nhất của khối 27 quốc gia nhằm kiểm soát giá khí đốt, vốn đã đẩy hóa đơn năng lượng lên cao hơn và dẫn tới lạm phát cao kỷ lục trong năm nay. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng động thái này sẽ khiến Nga có phản ứng mạnh.

EU thống nhất áp giá khí đốt

Cộng hòa Czech, Chủ tịch luân phiên EU năm nay, cho biết các thành viên trong khối đã thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 euro mỗi megawatt giờ. Theo đó, dự kiến, biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2023. Giá trần được kích hoạt nếu giá khí đốt của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF), vốn được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá mức 180 euro/megawatt giờ trong vòng 3 ngày.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi EU thống nhất về giá trần khí đốt? -0
Điều gì sẽ xảy ra sau khi EU thống nhất về giá trần khí đốt? -1
Các nước thành viên EU đã thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 euro mỗi megawatt giờ.  Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận này là kết quả của nhiều tháng tranh luận và 2 cuộc họp khẩn cấp của EU. Trong các cuộc thảo luận trước đó, liên minh đã không thể thống nhất được liệu mức trần giá sẽ giúp ích hay cản trở nỗ lực của châu Âu trong ngăn chặn khủng hoảng năng lượng. Các quan chức EU cho biết Đức đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này, dù bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách đối với khả năng thu hút nguồn cung khí đốt của châu Âu trên các thị trường toàn cầu cạnh tranh về giá. Đức tán thành mức giá trần sau khi các nước đồng ý thay đổi quy định nhằm đẩy nhanh giấy phép năng lượng tái tạo và có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn. Các biện pháp đó bao gồm điều kiện mức giá trần sẽ bị đình chỉ nếu EU phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt hoặc mức sử dụng khí đốt tăng vọt.

Reuters dẫn lời các quan chức EU giấu tên cho biết chỉ có Hungary bỏ phiếu chống lại mức giá trần này. Hà Lan và Áo bỏ phiếu trắng. Hai nước này đã phản đối mức trần trong các cuộc đàm phán, vì sợ rằng nó có thể phá vỡ thị trường năng lượng và làm tổn hại an ninh năng lượng của châu Âu.

"Mặc dù đã có những tiến bộ trong vài tuần qua, nhưng cơ chế điều chỉnh thị trường vẫn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn. Tôi vẫn lo lắng về sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng châu Âu, về những tác động tài chính và trên hết, tôi lo lắng về an ninh nguồn cung của châu Âu”, Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten nói.

Khi trần giá khí đốt được thông qua, mọi giao dịch ở trên mức này đều không được chấp nhận. Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa. Tuy nhiên, mức trần giá khí đốt sẽ không ảnh hưởng tới hợp đồng tư nhân ngoài các sàn giao dịch năng lượng.

Châu Âu đã đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng vì giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung hạn chế sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến EU phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và cả những năm sau. Giá năng lượng cao kéo theo lạm phát, tăng hóa đơn của các hộ gia đình và buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất. Theo một tính toán của Bloomberg, EU thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD do năng lượng "đội giá" sau khi Nga cắt giảm nguồn cung.

Để cố gắng hạn chế tác động của giá khí đốt cao với nền kinh tế, khoảng 15 quốc gia EU đã kêu gọi áp trần giá khí đốt trên toàn châu Âu. Giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức tương đối cao, dù đã giảm trong những tháng gần đây, khi EU nhất trí một số biện pháp khẩn cấp như nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo đề xuất của EU có thể gây nguy hiểm cho ổn định tài chính và có khả năng khiến các công ty tiện ích chuyển sang giao dịch tư nhân, chấp nhận rủi ro lớn nhằm tránh mức giá trần. Đây cũng là mối lo ngại của Hiệp hội Giao dịch năng lượng châu Âu.

Nga cảnh báo đáp trả

Ngày 19/12, ngay sau khi mức giá trần khí đốt được EU thông qua, Điện Kremlin tuyên bố EU vi phạm quy chế thị trường khi tìm cách áp giá trần khí đốt, đồng thời cảnh báo Nga sẽ đáp trả động thái này. "Đây là hành vi vi phạm quy trình định giá thị trường và xâm phạm tiến trình thị trường. Bất cứ đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được", Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Ông Peskov cho biết sẽ cần thời gian để cân nhắc các mặt tích cực và hạn chế khi đưa ra biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt mới nhằm vào khí đốt. "Quy trình phản ứng liên quan đến dầu mỏ hơi kéo dài. Tuy nhiên, Nga sẽ công bố phản ứng với động thái áp giá trần dầu mỏ và điều tương tự với khí đốt sẽ xảy ra", ông Peskov tuyên bố.

Minh Trang (Tổng hợp)
.
.
.