Cơ hội phá băng quan hệ Trung - Ấn

Chủ Nhật, 10/04/2022, 19:33

Chuyến thăm hồi cuối tháng 3 mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị là chuyến thăm cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi các cuộc đụng độ đẫm máu nổ ra ở khu vực biên giới Trung - Ấn vào năm 2020 và quan hệ ngoại giao hai nước đã chạm đáy.

Chuyến thăm như một dấu hiệu cho thấy, cả hai đã sẵn sang cho một tiến trình hâm nóng lại mối quan hệ giữa hai gã “khổng lồ” của châu Á, trước bối cảnh địa chiến lược quốc tế xáo trộn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng rõ nét.

Trong cuộc xung đột hồi tháng 6-2020 tại Kashmir, 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng là con số thông báo chính thức của hai bên. Theo hang thông tấn AP đưa tin khi đó, cả hai nước sau đó đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ, được pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu yểm trợ dọc theo đường kiểm soát thực tế ở vùng biên giới tranh chấp.

Cơ hội phá băng quan hệ Trung - Ấn -0
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại New Delhi, ngày 25-3.

Từ tháng 2-2021, căng thẳng giảm nhiệt, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã rút quân khỏi một số khu vực biên giới nhưng vẫn duy trì những đợt triển khai bổ sung quân đội dọc đường biên. Hai bên đã tổ chức 15 cuộc họp cấp tư lệnh quân đoàn trong 2 năm qua nhưng tình trạng đối đầu trên thực địa vẫn tiếp diễn.

Trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Ông Vương Nghị còn có cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval. Chủ đề được hai bên thảo luận là vấn đề Ukraine, quan hệ Trung - Ấn và Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức trong năm nay.

Các chuyên gia nhận định vấn đề cốt lõi giữa Trung Quốc và Ấn Độ là biên giới và chuyến thăm của ông Vương Nghị đã đề xuất một phương án hòa dịu. Vào thời điểm hỗn loạn của cuộc chiến Nga - Ukraine, hai nước lớn châu Á này đang cân bằng một cách thận trọng giữa phương Tây và Nga. Chuyến thăm này được cho là mang tính tích cực đối với tình hình khu vực.

Thực tế thì luôn có những vấn đề mang tính cơ cấu tồn tại lâu nay trong quan hệ Trung - Ấn. Theo đánh giá của các nhà phân tích, Trung Quốc thường đưa ra những quyết định mà không tính đến cảm nhận của đối phương, ở đây cụ thể là Ấn Độ, cũng như không quan tâm đến lợi ích then chốt của Ấn Độ. Nói một cách khác, Trung Quốc luôn có thái độ kiêu ngạo đối với đối phương và điều này đôi khi thể hiện trong giao tiếp của họ với nhiều nước khác, không chỉ Ấn Độ và nó sẽ gây khó cho các nỗ lực hòa dịu. “Quan hệ Trung - Ấn vẫn là mối đe dọa an ninh bất đối xứng. Ấn Độ luôn hiểu rằng hành động của Trung Quốc là nhằm chĩa mũi nhọn vào họ. Đôi khi Trung Quốc không cố tình làm vậy nhưng Ấn Độ lại vẫn cứ muốn hiểu như thế khiến tình trạng thiếu tin cậy lẫn nhau luôn xấu đi. Trong khi phía Trung Quốc lại phớt lờ nó. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến những yếu tố lâu dài của quan hệ Trung - Ấn”, theo chuyên gia Phương Thiên Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Ấn Độ thuộc đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Trung Quốc và Ấn Độ là những bên đóng vai trò quan trọng trong BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Giai đoạn trước, Nga đã cố gắng kéo Trung Quốc và Ấn Độ lại gần nhau. Sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin vào cuối năm 2021, có thông tin cho hay Nga muốn mở ra cơ chế phối hợp ba bên Nga - Ấn Độ - Trung Quốc (RIC). Tuy nhiên, tình hình và cục diện thế giới biến đổi quá nhanh chóng, không cho các bên kịp có cơ hội hành động. Ấn Độ thể hiện thái độ muốn duy trì các cuộc gặp với Nga và Trung Quốc nhưng lại không muốn trực tiếp ngả sang bên nào.

Cơ hội phá băng quan hệ Trung - Ấn -0
Mặc dù còn những tồn tại cố hữu, song cả Trung Quốc và Ấn Độ đều muốn xoa dịu tình hình biên giới trong hoàn cảnh hiện nay.

Và, có một thực tế là cả Trung Quốc và Ấn Độ khi tham gia bỏ phiếu tại Liên Hợp quốc về vấn đề cuộc chiến Nga - Ukraine, cả hai dường như đều bỏ phiếu giống nhau trong các trường hợp. Sự tương đồng đôi khi không nhất thiết phải thể hiện ra ở vẻ bề ngoài.

Một vấn đề nữa trong quan hệ giữa hai người hang xóm khổng lồ, đó là Ấn Độ luôn muốn giảm thâm hụt thương mại và phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm  một chiều.

Ấn Độ luôn có thái độ khắt khe đối với các ứng dụng lập trình điện thoại di động của Trung Quốc nhưng lại không thể cấm tiêu thụ điện thoại Trung Quốc trên lãnh thổ. Điện thoại di động của Trung Quốc vẫn chiếm thị phần cao ở Ấn Độ, điều này thể hiện nhu cầu và sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc còn rất lớn.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây chống lại Nga. Ấn Độ thậm chí còn muốn mua thêm dầu thô từ Nga. Trong tương lai, ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nga sẽ phát triển một hệ thống thương mại có thể tự vận hành để tránh nguồn vốn từphương Tây và Mỹ. Với một thị trường mạnh cả về kinh tế và quy mô tiêu dùng (chỉ riêng 3 nước dân số đã gần 3 tỷ người), đó là sẽ là một khu vực không dễ bị xem nhẹ trong tương lai.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.