Căng thẳng quan hệ Trung - Ấn lan sang nhiều lĩnh vực

Thứ Tư, 08/07/2020, 07:52
Mặc dù “ngòi nổ” tại khu vực biên giới đã được tháo, nhưng động thái này chưa thể chấm dứt cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi căng thẳng đã bắt đầu lan sang lĩnh vực công nghệ và thương mại.

“Sóng ngầm” chưa dứt

Ngày 7-7, người dùng TikTok tại Ấn Độ nhận được thông báo rằng, ứng dụng này đã bị khóa theo lệnh cấm của Chính phủ nước này. Tiktok là 1 trong số 59 ứng dụng, trong đó chủ yếu là của Trung Quốc bị khóa vào đêm qua tại Ấn Độ. Mặc dù các ứng dụng của Trung Quốc bị cấm chỉ mang tính biểu tượng nhưng động thái này là phản ứng của Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào tháng trước.

Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho biết, các ứng dụng này “gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ”. Theo bộ trên, họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc các ứng dụng trên một số nền tảng bị sử dụng để đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ trái phép ở bên ngoài Ấn Độ.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng, “việc khai thác, thu thập và tổng hợp các dữ liệu bởi các yếu tố thù địch với an ninh quốc phòng của Ấn Độ, mà cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, là một vấn đề đáng quan ngại sâu sắc và cần phải có biện pháp khẩn cấp”.

Ông Pangvan Duggal, một chuyên gia bảo mật của Ấn Độ cho biết: "Với việc cấm các ứng dụng này, Ấn Độ đã đưa ra một thông điệp với tất cả phần còn lại của thế giới rằng, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ ứng dụng nào nhằm mục đích gây tổn hại cho các vấn đề an ninh quốc gia của Ấn Độ”. Theo đó, các ứng dụng này bị cấm trên cả các thiết bị sử dụng Internet di động và không di động để bảo vệ lợi ích của hàng chục triệu người sử dụng Internet và di động Ấn Độ.

Theo giới chuyên gia, động thái của Ấn Độ giáng một đòn nặng lên tham vọng trở thành siêu cường kỹ thuật số của Trung Quốc và làm thiệt hại hàng triệu USD cho các công ty Trung Quốc. Động thái này cũng có thể mở đường cho các quốc gia khác tẩy chay các ứng dụng của Trung Quốc. Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, căng thẳng giữa hai nước còn lan sang thương mại.

Hôm qua, Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này quyết định sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận thương mại nào có Trung Quốc là thành viên do những vấn đề nước này đang phải đối mặt đều có liên quan tới Trung Quốc. Theo đó, Ấn Độ đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) năm 2019.

Ngoại trưởng Nga đã tổ chức cuộc họp 3 bên với người đồng cấp Ấn Độ và Trung Quốc.

Và nỗ lực của Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng

Nga hiện đang bất ngờ nổi lên là một chủ thể ngoại giao đóng vai trò then chốt trong vấn đề căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Như đã biết, mối quan hệ Nga - Trung đã phát triển trong nhiều năm qua. Trục quan hệ Moscow - Bắc Kinh rất quan trọng, đặc biệt kể từ khi mối hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng trong nhiều tháng gần đây, và việc Nga gia tăng các biện pháp để đối phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Ấn Độ cho rằng, cách tiếp cận của các nước phương Tây - đặc biệt là của Mỹ - đối với cả Nga và Trung Quốc đã khiến cho hai quốc gia này xích lại gần nhau hơn.

Mặc dù có một khởi đầu khó khăn và là đối thủ của nhau trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, song, từ thời hậu Chiến tranh Lạnh, quan hệ kinh tế đã tạo ra “nền tảng chiến lược mới” trong quan hệ Nga - Trung. Dần dần, một mối quan hệ giống như đồng minh giữa Nga và Trung Quốc đã được hình thành trong vài năm gần đây. Trong khi đó, Ấn Độ có có lịch sử quan hệ với Nga kéo dài hơn 7 thập kỷ. Quan hệ song phương đã phát triển trong một số lĩnh vực, song cũng giảm sút trong một vài lĩnh vực khác.

Trong đó, trụ cột mạnh mẽ nhất của quan hệ đối tác chiến lược Moscow – New Delhi là trang thiết bị quốc phòng. Ước tính khoảng 60-70% nguồn cung cấp các thiết bị quốc phòng của Ấn Độ là từ Nga, do đó New Delhi cần một nguồn cung đáng tin cậy và thường xuyên các thiết bị thay thế từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Việc Ấn Độ tìm tới Nga xuất phát từ sự cần thiết, bởi nước này tin rằng Nga có sức mạnh và tầm ảnh hưởng trong việc định hình và thay đổi lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với vấn đề biên giới. Cuộc gặp của ba ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn hôm 23-6 vừa qua, bị trì hoãn từ tháng 3-2020, là cơ hội đầu tiên để Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc tham gia khuôn khổ quan hệ ba bên. Trong các sự kiện tại Galwan, Nga đã phản ứng theo một cách thức khác.

Đại sứ Nga tại Ấn Độ bày tỏ: “Chúng tôi rất hoan nghênh các bước nhằm làm giảm căng thẳng ở LAC, bao gồm việc trao đổi giữa ngoại trưởng hai nước và duy trì thái độ lạc quan”. Ông cũng cho biết: “Sự tồn tại của Nga-Trung-Ấn là một thực tế không phải bàn cãi, và chắc chắn được định hình trên bản đồ thế giới. Trong tình hình hợp tác ba bên hiện nay, không có chỉ dấu nào cho thấy mối quan hệ này sẽ bị đóng băng”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin quan ngại về cuộc đụng độ ở khu vực biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ, song tin tưởng rằng hai nước có thể tự giải quyết được cuộc xung đột này.

Ông nói: “Chắc chắn rằng Nga rất quan tâm và theo sát những diễn biến xảy ra tại khu vực biên giới Ấn-Trung. Chúng tôi tin rằng đây là những tin tức rất đáng báo động. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng hai nước có khả năng thực hiện các bước đi cần thiết để ngăn chặn những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, đảm bảo khu vực sẽ ổn định và có thể dự báo trước, và đảm bảo đây là một khu vực an toàn cho mọi quốc gia, trước tiên là đối với Trung Quốc và Ấn Độ”.

Người phát ngôn của Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác và liên minh gần gũi của Nga, và hai quốc gia này “có mối quan hệ gần gũi và cùng có lợi được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.