Chiến thuật xung đột mới giữa Azerbaijan và Armenia

Thứ Sáu, 10/03/2023, 08:42

Vào những ngày đầu tháng 3, hành lang Lachin ở Nagorno - Karabakh đã trở thành nơi chết chóc khi các bên nổ súng vào nhau. Ít nhất 5 người thiệt mạng trong một vụ bạo lực bùng phát dọc biên giới giữa Armenia và Azerbaijan trong khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh hôm 5/3. Quan chức hai bên lại tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Dường như, lịch sử tranh chấp không bao giờ kết thúc...

Điểm nóng hành lang Lachin

Armenia cho biết, ba cảnh sát đã thiệt mạng, trong khi Azerbaijan khẳng định, hai binh sĩ của họ "trở thành liệt sĩ". Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết, vụ xả súng xảy ra khi các binh sĩ đi kiểm tra các phương tiện nghi vận chuyển vũ khí. Phía Armenia thì thông báo, lực lượng vũ trang Azerbaijan đã nổ súng vào xe của Cục Hộ chiếu và Thị thực.

Chiến thuật xung đột mới giữa Azerbaijan và Armenia -0
Ngày 22/2/2023, ICJ đã ra lệnh thực hiện các biện pháp tạm thời để đảm bảo các nhà hoạt động môi trường Azerbaijan chấm dứt việc phong tỏa hành lang Lachin. Ảnh: UN Photo.

Trong một thông báo đưa ra sau đó, Bộ Ngoại giao Armenia cho biết, sau vụ xả súng, “việc cử một đội tìm hiểu thực tế quốc tế đến hành lang Lachin và Nagorno-Karabakh đang trở thành một nhu cầu sống còn”. Còn Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định: "Vụ việc hôm nay một lần nữa cho thấy rằng, Azerbaijan cần thiết lập một trạm kiểm soát thích hợp trên đường Lachin-Khankendi".

Hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ này đã vướng vào xung đột trong nhiều thập kỷ về khu vực Nagorno-Karabakh, mà vào năm 2020 bùng phát thành chiến tranh toàn diện. Cuối năm 2020, một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian đã đạt được sau khi hơn 6.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, kể từ khi hiệp định được ký kết, hai bên vẫn xảy ra nhiều xung đột.

Chiến thuật xung đột mới giữa Azerbaijan và Armenia -0
Hai lá cờ của Armenia và Azerbaijan tung bay trong gió trên nền trời chiều. Ảnh: Getty

Đáng chú ý là thỏa thuận chấm dứt chiến tranh năm 2020 đã để lại một con đường quanh co được gọi là hành lang Lachin – khu vực kết nối được ủy quyền duy nhất giữa Nagorno-Karabakh và Armenia. Đây cũng là con đường huyết mạch tiếp tế cho khoảng 120.000 người dân.

Nhưng giao thông trên con đường này hầu như đã bị phong tỏa kể từ tháng 12/2022 bởi các nhà hoạt động môi trường người Azerbaijan để phản đối những gì họ cho là khai thác khoáng sản trái phép.

Cuộc biểu tình, ngăn chặn hành lang Lachin, đã cản trở sự di chuyển bình thường của người và hàng hóa vào hoặc ra khỏi khu vực này, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và vật tư y tế. Armenia đang cáo buộc Azerbaijan hậu thuẫn cho những người biểu tình để tạo ra sự phong tỏa. Trong một vụ kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) - cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 28/12/2022, Armenia đã đệ trình một yêu cầu mới về việc chỉ định các biện pháp tạm thời.

Cụ thể, Armenia nêu rằng, vào ngày 12/12/2022, Azerbaijan “đã dàn xếp phong tỏa con đường duy nhất nối 120.000 người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh với thế giới bên ngoài”. Armenia yêu cầu một số biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng này và khôi phục quyền ra vào khu vực Nagorno-Karabakh.

Lệnh của tòa án Công lý quốc tế

Ngày 22/2/2023, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã ra lệnh thực hiện các biện pháp tạm thời để đảm bảo rằng, các nhà hoạt động môi trường Azerbaijan chấm dứt việc phong tỏa hành lang Lachin. Lệnh có hiệu lực ràng buộc, tuyên bố Azerbaijan, trong khi chờ quyết định cuối cùng về vụ việc và phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), sẽ thực hiện mọi biện pháp tùy ý để đảm bảo sự di chuyển không bị cản trở của người, phương tiện và hàng hóa dọc hành lang Lachin theo cả hai hướng.

Chiến thuật xung đột mới giữa Azerbaijan và Armenia -0
Trong cuộc họp thường kỳ của đại diện Nagorno-Karabakh và Azerbaijan được tổ chức hôm 1/3. Ảnh: bne IntelliNews.

ICJ xác nhận, rằng ít nhất một số quyền mà Armenia tuyên bố theo CERD là hợp lý. ICJ chỉ ra rằng, “một số hậu quả đã xảy ra do việc phong tỏa hành lang Lachin và tác động đối với những người bị ảnh hưởng vẫn còn tồn tại cho đến nay”.

ICJ kết luận rằng “việc bị cáo buộc coi thường các quyền mà Tòa án cho là chính đáng có thể kéo theo những hậu quả không thể khắc phục được đối với các quyền đó và rằng có một sự khẩn cấp, theo nghĩa là có một rủi ro thực sự và sắp xảy ra sẽ gây ra những hậu quả không thể khắc phục trước khi Tòa án đưa ra phán quyết”.

Chiến thuật xung đột mới giữa Azerbaijan và Armenia -0
Các nhà hoạt động của Azerbaijan biểu tình ở khu vực hành lang Lachin thuộc Nagorno-Karabakh. Ảnh: Getty.

Do đó, ICJ đã ra lệnh cho Azerbaijan, trong khi chờ quyết định cuối cùng về vụ việc và phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo CERD, thực hiện mọi biện pháp theo ý mình để đảm bảo sự di chuyển không bị cản trở của người, phương tiện và hàng hóa dọc hành lang Lachin theo cả hai hướng.

Nỗ lực đàm phán

Hiện chưa rõ liệu Azerbaijan có tuân theo lệnh này hay không vì dù có giá trị ràng buộc, nhưng ICJ không có cách nào thi hành. Tuy nhiên, ngoài việc xảy ra xung đột hôm 5/3, cả hai quốc gia vẫn đang nỗ lực đàm phán để giải quyết bất đồng.

Các đề xuất hòa bình của Azerbaijan được công bố vào năm ngoái bao gồm những nguyên tắc cơ bản: sự công nhận lẫn nhau về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; cùng tái khẳng định không có yêu sách lãnh thổ đối với nhau; nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý là không đưa ra những yêu sách như vậy trong tương lai; tránh đe dọa an ninh của nhau; phân định biên giới, và bỏ chặn các liên kết giao thông. Thủ tướng Nikol Pashinyan cũng lưu ý rằng, các đề xuất trước đó của Armenia về việc mở thông tin liên lạc, đảm bảo an ninh biên giới và phân định biên giới đều tiếp tục có hiệu lực.

Chiến thuật xung đột mới giữa Azerbaijan và Armenia -0
Trong ba thập kỷ qua, Armenia và Azerbaijan xung đột trong hai cuộc chiến. Ảnh: Reuters.

Lusine Avanesyan, phát ngôn viên của người đứng đầu khu vực Nagorno-Karabakh cho biết, vùng đất ly khai này hy vọng các bên sẽ đạt được kết quả tốt trong thời gian ngắn. Trong cuộc họp thường kỳ của đại diện Nagorno-Karabakh và Azerbaijan được tổ chức hôm 1/3, các vấn đề nhân đạo và cơ sở hạ tầng đã được thảo luận, bao gồm khôi phục hoạt động di chuyển liên tục của người, phương tiện và hàng hóa qua hành lang Lachin, khôi phục nguồn cung cấp điện từ Armenia, cung cấp liên tục khí đốt tự nhiên, cũng như hoạt động của mỏ Kashen...

Trên thực tế, Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng 120.000 cư dân ở đây chủ yếu là người Armenia. Họ ly khai khỏi Baku vào đầu những năm 1990 và Yerevan ủng hộ những người Armenia đồng hương của họ. Điều này dẫn đến một cuộc chiến. Đến năm 1993, Armenia không chỉ giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh mà còn chiếm 20% diện tích của Azerbaijan.

Năm 2020, chiến tranh lại nổ ra. Nhờ máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và các hoạt động quân sự quy mô lớn, Azerbaijan đã giành lại được phần lớn lãnh thổ mà nước này đã mất vào đầu những năm 1990. Giờ đây, việc phong tỏa hành lang Lachin lại một lần nữa khơi dậy nguy cơ xung đột bùng phát.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Sau đó, hai bên đều tuyên bố rằng họ đã đạt được tiến bộ hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, một cuộc khẩu chiến đã nổ ra.

Một số nguồn tin khác khẳng định, Azerbaijan đang mở một mặt trận mới chống lại Armenia, nhưng mặt trận này liên quan đến các bản tóm tắt pháp lý và tuyên bố về thiệt hại môi trường. Có nghĩa là, Azerbaijan đang cáo buộc Armenia đã hủy hoại môi trường của Nagorno-Karabakh.

Với Azerbaijan, nỗ lực đầu tiên là tiến tới trọng tài liên quốc gia theo Công ước Bern của Hội đồng Châu Âu về bảo tồn động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của Châu Âu. Cả hai quốc gia đều là những bên ký kết Công ước Bern cùng với EU và hơn 50 quốc gia khác, nhưng hiệp ước này chưa bao giờ được sử dụng để phân xử các vấn đề sinh thái giữa hai quốc gia.

Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elnur Mammadov khẳng định, hơn 500 loài ở Nagorno-Karabakh hiện đang gặp nguy hiểm, bao gồm báo hoa mai, gấu nâu, sói xám và đại bàng... Những ngọn núi băng giá, đồng bằng rộng mở đầy nắng và rừng cây xanh tươi cũng bị thiệt hại do bị gài mìn.

Văn phòng đại diện về các vấn đề pháp lý quốc tế của Armenia cũng xác nhận với Politico rằng họ đã nhận được thông báo về trọng tài theo Công ước Bern, nhưng lập luận rằng hành động pháp lý đi ngược lại tinh thần của hiệp ước. “Armenia lo ngại rằng việc Azerbaijan theo đuổi con đường gây tranh cãi vì những lý do này dường như không liên quan đến các mục tiêu của Công ước Bern có thể gây ra những tác động bất lợi cho môi trường của khu vực, vốn đã bị tổn hại đáng kể do các cuộc chiến tranh xâm lược của Azerbaijan trong hai năm qua”, nhóm luật sư của Armenia nói.

Andrey Ralev, nhà vận động đa dạng sinh học của tổ chức phi chính phủ CEE Bankwatch cho biết, vụ kiện do Azerbaijan đưa ra là “một vấn đề rất chính trị”. Nhưng ông Andrey Ralev cũng khẳng định, tình hình có “phức tạp từ quan điểm môi trường”. Một số tuyên bố hủy hoại môi trường của Azerbaijan có thể khó chứng minh nhưng Armenia và Azerbaijan hiện đều không thực hiện tất cả các nghĩa vụ của họ theo Công ước Bern.

Mặc dù nước cờ của Azerbaijan là chưa từng có, nhưng đây không phải là lần đầu tiên hệ sinh thái được đặt lên hàng đầu trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Quy định trong Công ước nêu rõ, một ủy ban thường trực bao gồm tất cả các bên ký kết sẽ phải “sử dụng những nỗ lực tốt nhất của mình để tạo điều kiện cho một giải pháp thân thiện”. Nếu điều đó không xảy ra, một quy trình trọng tài chính thức có thể được khởi động: Ba trọng tài viên sẽ được chỉ định và một hội đồng trọng tài được thành lập. Tuy nhiên, vì quy trình này chưa bao giờ được sử dụng nên rất khó để dự đoán nó sẽ tiến triển như thế nào hoặc loại bồi thường nào mà các quốc gia có thể yêu cầu.

Sông Thương
.
.
.