Armenia và Azerbaijan nhất trí "từ bỏ sử dụng vũ lực" sau cuộc gặp với ông Putin

Thứ Ba, 01/11/2022, 10:15

Lãnh đạo Armenia và Azerbaijan nhất trí "từ bỏ sử dụng vũ lực" trong giải quyết tranh chấp sau cuộc đàm phán hòa bình do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/10 chủ trì một cuộc hội đàm 3 bên cùng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại khu nghỉ dưỡng bên bờ Biển Đen tại Sochi để thảo luận về căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia vùng Kavkaz.

Armenia và Azerbaijan nhất trí
Tổng thống Putin chủ trì cuộc hội đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: Reuters

Theo RiaNovosti, kết thúc hội đàm, 3 nhà lãnh đạo đã kí một tuyên bố chung, trong đó Thủ tướng Armenia và Tổng thống Azerbaijan nhất trí "từ bỏ sử dụng vũ lực" trong giải quyết các tranh chấp biên giới, hướng đến khả năng đàm phán kí kết một thỏa thuận hòa bình.

Azerbaijan và Armenia cũng đề cao vai trò trung gian hòa giải của Nga và ghi nhận đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở khu vực biên giới tranh chấp. "Các nhà lãnh đạo nhất trí tìm kiếm giải pháp được cả hai bên chấp nhận", tuyên bố chung có đoạn.

Tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Putin thừa nhận Armenia và Azerbaijan chưa loại bỏ được toàn bộ bất đồng, nhưng đã mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Cuộc đàm phán 3 bên ở Sochi được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh leo thang trở lại hồi tháng 9/2022 với các vụ đụng độ nghiêm trọng, khiến gần 300 người, bao gồm nhiều dân thường, thiệt mạng.

Armenia và Azerbaijan từng chứng kiến đợt giao tranh nghiêm trọng làm gần 5.000 người chết vào năm 2020 ở vùng Nagorno-Karabakh, nơi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan nhưng có phần lớn cư dân là người gốc Armenia và được người Armenia kiểm soát từ năm 1994.

Sau cuộc xung đột kể trên, vốn chỉ kết thúc nhờ một thỏa thuận ngừng bắn do Nga bảo trợ, Armenia phải trao trả Azerbaijan các phần lãnh thổ mà họ chiếm được trên thực địa, song bảo lưu quyền kiểm soát khu vực rộng lớn ở Nagorno-Karabakh; còn Nga đưa đến đây 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình để hỗ trợ duy trì lệnh ngừng bắn.

Thiện Nhân
.
.
.