ASEAN với những thách thức đa phương
Hợp tác đa phương hẹp trong ASEAN hiện tồn tại dưới nhiều hình thức, nó cho phép các nước ASEAN phản ứng trước cơ hội và thách thức trong môi trường địa chính trị của mình và khắc phục những điểm yếu trong hợp tác ASEAN hiện tại. Hợp tác đa phương hẹp trong ASEAN sẽ cho phép một nhóm nhỏ hơn gồm các quốc gia ASEAN cùng chí hướng hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể để mang lại kết quả thực chất.
Mặc dù chủ nghĩa đa phương sẽ đảm bảo tiếng nói bình đẳng giữa tất cả các nước thành viên, nhưng các tổ chức đa phương đang ngày càng rơi vào bế tắc, không thể hành động hoặc hành động chậm chạp, dẫn đến kết quả không được như mong muốn. Vai trò của các tổ chức đa phương trong các cuộc xung đột nổ ra gần đây đã cho thấy điều này. Hợp tác đa phương hẹp đang tỏ ra phù hợp với sự ưu tiên ngày càng tăng của các quốc gia, bao gồm cả nước lớn và các thành viên ASEAN.
Bên cạnh Bộ tứ và AUKUS, ngày càng có nhiều quan hệ hợp tác và cam kết giữa 3 bên, như đối thoại an ninh 3 bên gồm Australia, Nhật Bản và Mỹ; quan hệ 3 bên gồm Australia, Ấn Độ và Indonesia (AII); Thỏa thuận phòng thủ 5 quốc gia giữa Australia, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh cũng là một ví dụ về hợp tác quốc phòng tham vấn đa phương hẹp.
Tương tự như hợp tác song phương giữa các nước lớn và các cường quốc tầm trung, các nước ASEAN đã cố gắng phát triển các cấu trúc an ninh khác nhau của riêng mình nhằm thúc đẩy lợi ích riêng và ứng phó với các cơ hội cũng như thách thức trong môi trường địa chính trị của họ. Điều này có tính đến những sự cách biệt hiện có trong hợp tác ASEAN. Về mặt an ninh, Hợp tác an ninh 3 bên Campuchia - Việt Nam - Lào là một ví dụ về hợp tác đa phương hẹp trong ASEAN.
Một ví dụ khác là hoạt động tuần tra eo biển Malacca giữa Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, được triển khai vào năm 2004 nhằm tăng cường an ninh ở eo biển Malacca và Singapore thông qua các cuộc tuần tra phối hợp trên biển và tạo điều kiện chia sẻ thông tin giữa các tàu và trung tâm hoạt động hải quân của các nước. Tương tự, các cuộc tuần tra 3 bên trên biển Sulu - mối quan hệ hợp tác an ninh đa phương hẹp giữa Indonesia, Malaysia và Philippines - được thiết lập năm 2017 để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia ở biển Sulu giữa 3 nước. Đã có các cuộc đàm phán nhằm mở rộng quan hệ đối tác này sang các nước khác ở Đông Nam Á.
Ngoài các cơ chế 3 bên và 4 bên, sáng kiến Our Eyes - một nền tảng trao đổi thông tin chiến lược nhằm mục đích chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực giữa 6 nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan - đã được ra mắt vào năm 2018. Sáng kiến này sau đó đã được thông qua với tên gọi sáng kiến Our Eyes ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM).
Mới đây, Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN đầu tiên, vốn do Indonesia khởi xướng, đã diễn ra vào tháng 11/2022 nhằm mục đích tăng cường an ninh hàng hải. 8 trong số 10 quốc gia ASEAN, ngoại trừ Myanmar và Campuchia, đã tham dự. Tiếp nối sự kiện này là việc ký kết Tuyên bố Lực lượng bảo vệ bờ biển ASEAN nhằm thúc đẩy các tuyến đường biển an toàn và an ninh trong các vùng biển khu vực. Từ một đề xuất của Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (Bakamla) về việc “đưa ra cách tiếp cận phối hợp” trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông một nhóm nhỏ hơn đã được tạo ra, đặc biệt bao gồm những bên liên quan trực tiếp nhất, chẳng hạn như các nước có yêu sách ở Biển Đông, có thể đóng vai trò dẫn dắt.
Ngoài các sáng kiến an ninh, chủ nghĩa đa phương hẹp của ASEAN trong lĩnh vực kinh tế như Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines (BIMP - EAGA), ra mắt năm 1994, cho phép 4 nước thành viên ASEAN thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư và du lịch thông qua các tuyến vận tải biển và liên kết hàng không trong khu vực.
Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế siêu vùng, sáng kiến này còn góp phần tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN. Một sáng kiến về thanh toán mã QR khu vực cũng được xây dựng giữa các ngân hàng trung ương của 5 nước thành viên ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, được đưa ra vào tháng 11/2022, cũng là một hình thức thỏa thuận đa phương hẹp có thể giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN. Hay như Dự án tích hợp điện lực Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (còn gọi là dự án Lưới điện ASEAN) đóng vai trò là sự án thí điểm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật, pháp lý và tài chính của thương mại điện năng đa phương. Vào những năm 1990, Lưới điện ASEAN ban đầu được hình dung như một sáng kiến toàn khu vực nhằm khuyến khích hợp tác về hiệu quả sử dụng năng lượng và đổi mới sáng tạo trong năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, sau 20 năm, các bên không đạt được nhiều tiến bộ do sự khác biệt trong chính sách và cam kết về năng lượng, cũng như sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Để vượt qua tình huống khó khăn này, các quốc gia sẵn sàng hợp tác rộng rãi hơn trong lĩnh vực năng lượng có thể tiến hành trước và các nước khác có thể làm theo khi đã sẵn sàng. Ngoài các quan hệ hợp tác đa phương hạn hẹp hiện có, ASEAN có khả năng mở rộng cách tiếp cận hợp tác đa phương hẹp để giải quyết các vấn đề thách thức lớn hơn, như vấn đề Biển Đông.
Hợp tác đa phương hẹp trong ASEAN sẽ cho phép khối đạt được tiến bộ lớn hơn và đáp ứng tốt hơn những lợi ích đa dạng của các nước thành viên. Sự hợp tác như vậy không nhằm thay thế chủ nghĩa đa phương, mà để bổ sung cho những gì không thể thực hiện trong bối cảnh rộng lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thành hợp tác khu vực rộng lớn hơn khi thời điểm chín muồi.