Các thách thức và cơ hội của ASEAN

Thứ Tư, 11/01/2023, 08:59

Trong bối cảnh ASEAN đang xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025, tân Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng, hiệp hội cần phát huy vai trò quan trọng với tư cách là động lực chính trong các vấn đề khu vực, đối tác được tôn trọng và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ông bày tỏ tin tưởng rằng nếu đoàn kết, hành động tập thể, tích cực và quan tâm đến nhau trên tinh thần hữu nghị và hợp tác thực sự, ASEAN sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

Phát biểu tại lễ nhậm chức Tổng Thư ký ASEAN ngày 9/1, Tiến sĩ Kao Kim Hourn, người Campuchia, cho rằng các xu hướng mới và đang nổi lên sẽ mang theo cả thách thức và cơ hội, góp phần định hình ASEAN trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh: ASEAN - khu vực vốn rất dễ xảy ra thiên tai và bị tổn thương trước biến đổi khí hậu – cần thúc đẩy các nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, đồng thời chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với bất kỳ rủi ro thiên tai nào.

Các thách thức và cơ hội của ASEAN -0
Tân Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn (trái) và người tiền nhiệm Lim Jock Hoi.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần xoay trục mạnh mẽ hướng tới phát triển nền kinh tế kỹ thuật số để tận dụng 440 triệu người dùng Internet của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội đầu tư và thương mại mới, tạo thêm việc làm, cũng như tăng cường đổi mới và tăng năng suất, giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng và các thách thức khác liên quan đến công nghệ. Theo ông, việc sẵn sàng cho tương lai kỹ thuật số và bền vững, việc triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) cũng như việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì tính cạnh tranh và cởi mở của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu, cũng như thúc đẩy phát triển bền vững và khả năng thích ứng của khu vực. Tân Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh để sẵn sàng cho tương lai, ASEAN cần có sự đóng góp trực tiếp của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là giới trẻ. Nhóm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng phục hồi của khu vực để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về y tế trong tương lai, thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu, cũng như các xu hướng và thách thức mới nổi khác.

Đề cập đến chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng” của Indonesia - Chủ tịch ASEAN 2023, ông Kao Kim Hourn đã nêu bật vai trò quan trọng của ASEAN. Với tổng GDP đạt hơn 3.400 tỷ USD vào năm 2021, khu vực này là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030. Trong khi đó, các đối tác bên ngoài tiếp tục ghi nhận và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện qua việc ngày càng có nhiều đề nghị gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), trao tư cách Đối tác đối thoại theo lĩnh vực cho Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm 2021, cũng như việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ…

Ông cũng nhấn mạnh 6 ưu tiên chính của hiệp hội trong thời gian tới. Trước hết, tân Tổng Thư ký ASEAN cho rằng hiệp hội cần tiếp tục ưu tiên cho việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, cho đây là điều “có ý nghĩa sống còn” đối với ASEAN. Tiếp đó, ông cho rằng ASEAN cần tập trung xây dựng dựa trên sự thịnh vượng - điều mà ASEAN cũng như các nước thành viên đã đạt được cho đến nay và luôn cho thấy ý nghĩa quan trọng. Ba là, ASEAN cần tập trung vào các nỗ lực bảo vệ Hành tinh Xanh, đặc biệt là các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh - điều vốn đã đạt được những động lực lớn trong những năm gần đây. Bốn là, trao quyền cho người dân - đặc biệt là giới trẻ, thông qua việc tăng cường hơn nữa xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập ASEAN và giao lưu nhân dân. Năm là, tăng cường các mối quan hệ đối tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài vẫn là yêu cầu cấp thiết đối với hiệp hội. Cuối cùng, ông Kao Kim Hourn khẳng định rằng việc biến các lĩnh vực tiềm năng thành các lợi ích và lợi thế thực sự cũng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cùng ngày nhấn mạnh việc củng cố Ban Thư ký ASEAN là ưu tiên quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 của quốc gia này. Bà Retno Marsudi cho biết trong 5 năm qua, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu như nỗ lực phục hồi hậu đại dịch COVID-19, hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, công bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), ký kết và triển khai RCEP. Bà cho rằng, trong thời gian tới, ASEAN sẽ phải đối mặt với những thách thức phức tạp hơn và đây sẽ là phép thử đối với sự phù hợp của ASEAN. Trong nội bộ, ASEAN vẫn phải tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar trong bối cảnh việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm còn trì trệ. Ở bên ngoài, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khu vực sẽ tiếp tục đe dọa vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi đó, suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiển hiện cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế khu vực.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Indonesia cho hay đó là lý do chính khiến Indonesia đã chọn chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng” cho nhiệm kỳ Chủ tịch của mình. Bà nhấn mạnh rằng, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảm bảo ASEAN vẫn phù hợp để giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu. ASEAN cần đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các động lực địa chính trị mới và cần tiếp tục trở thành tâm điểm tăng trưởng toàn cầu. Để đạt được mục tiêu trên, việc có một Ban thư ký ASEAN mạnh mẽ hơn và nâng cao vai trò của Tổng Thư ký trở nên cấp bách. Đó là lý do Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 ưu tiên củng cố Ban thư ký ASEAN. Ngoại trưởng Retno Marsudi khẳng định Indonesia mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN để đảm bảo thành công của nhiệm kỳ năm nay. Đồng thời, Jakarta sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN dưới sự lãnh đạo của tân Tổng Thư ký Kao Kim Hourn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.