Tổng thống Donald Trump thăm Nhật: Khó ra tuyên bố chung

Thứ Hai, 27/05/2019, 15:20
Tokyo Skytree, tòa tháp cao nhất thủ đô xứ sở mặt trời mọc sẽ được thắp sáng bằng những màu sắc trên lá cờ Mỹ trong chuyến thăm Nhật Bản tới đây của Tổng thống Donald Trump. Sẽ vẫn là những cái bắt tay, những nụ cười gần gũi giữa hai đồng minh truyền thống nhưng đằng sau đó âm ỉ sự bất đồng, chưa tìm được lời giải.

Biểu tượng tình đồng minh

Từ ngày 25 đến 28-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản với tư cách là quốc khách đầu tiên đến nước này sau khi Nhật hoàng Naruhito chính thức lên ngôi vào ngày 1-5-2019.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định chuyến thăm của ông Trump sẽ là cơ hội lý tưởng để hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Theo dự kiến, trong thời gian ở thăm Nhật Bản, ông Trump và phu nhân sẽ gặp Nhật hoàng và Hoàng hậu, tham dự quốc yến do Nhật hoàng và Hoàng hậu chủ trì.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 27-5 để tái khẳng định sự hợp tác giữa hai nước trong việc thúc đẩy Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa và giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980. Mặt khác, các nhà lãnh đạo hai nước có thể thảo luận về các vấn đề thương mại.

Trước đó, Tổng thống Trump đã đặt ra vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản. Vào giữa tháng 4 vừa qua, Tokyo và Washington đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại về thỏa thuận thương mại song phương.

Để ông Trump có được cảm giác được chào đón tại xứ sở mặt trời mọc, Chính phủ Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị công tác hậu cần đón ông Trump, từ nhà thi đấu sumo Ryogoku Kokugikan, sân golf, cho tới căn cứ hải quân Yokosuka,... Trước khi đến xem các trận đấu sumo, ông Trump sẽ chơi golf cùng Thủ tướng Abe. Chính phủ Nhật có kế hoạch mời cả golf thủ chuyên nghiệp lão làng Isao Aoki tham gia sự kiện này.

Trong ngày cuối cùng, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật sẽ đến căn cứ hải quân Yokosuka để quan sát tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đang đóng tại đây. Hoạt động này dường như để nhắc nhở ông Trump, vốn thường xuyên phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản rằng Tokyo đã lên kế hoạch mua nhiều máy bay F-35B.

Mối quan hệ Nhật - Mỹ đang có những rạn nứt nhất định.

Rạn nứt đến từ đâu?

Lịch trình làm việc dày đặc nhưng theo các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, hai bên có thể sẽ không ra tuyên bố chung, có vẻ như nhằm tránh bộc lộ những khác biệt về quan điểm trong các vấn đề liên quan tới quan hệ thương mại song phương và vấn đề Triều Tiên. Mặc dù tuyên bố chung không phải là văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng nó được coi là một tài liệu ngoại giao quan trọng.

Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump đang đối mặt với các khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận về hiệp định thương mại song phương trong bối cảnh Washington đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các đồng minh an ninh lâu năm này cũng có quan điểm khác biệt trong việc đối phó với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Nhật Bản phản đối động thái này của Triều Tiên và coi đây là hành vi vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong khi Tổng thống Trump lại không coi đó là “hành vi bội tín” của Triều Tiên. Do những bất đồng giữa hai bên, Chính phủ Nhật Bản và Mỹ tin rằng những các khác biệt này là đủ lớn để không ra tuyên bố chung vào thời điểm này.

Thay vì việc ra tuyên bố chung, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thể hiện “mối quan hệ tin cậy mạnh mẽ” giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump thông qua việc tổ chức họp báo chung sau cuộc hội đàm. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Chính phủ có kế hoạch giải thích với công chúng rằng không cần phải soạn thảo một tuyên bố chung mới bởi hai nước đã từng ra một tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington vào tháng 2-2017. Phải chăng, đó chỉ là lời biện minh trước công chúng.

Vẫn là câu chuyện cân bằng

Đối với chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe hiện nay, làm thế nào để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ trong thương mại và về mặt chiến lược là một câu hỏi lớn.

Cho tới thời điểm hiện tại, Nhật Bản chưa đạt được EPA/FTA với Trung Quốc và Mỹ. Có không ít chuyên gia kinh tế và nhà chiến lược Nhật Bản cho rằng cho dù xét từ ý nghĩa kinh tế hay chính trị, vòng tròn siêu thương mại được xây dựng mà không có Trung Quốc và Mỹ sẽ không bền vững. Sự hợp tác giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Mỹ, thậm chí đặt hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này nằm dưới sự ràng buộc của quy tắc thương mại tự do do Nhật Bản chủ trương, mới là lựa chọn tốt ưu nhất.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy triển vọng Nhật Bản thông qua việc xây dựng hiệp định thương mại khu vực để Mỹ quay trở lại không những không lạc quan mà còn phải tiếp tục đối diện với áp lực đàm phán thương mại song phương đến từ Mỹ. Hơn nữa, dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã cải thiện nhưng sự tin tưởng chiến lược giữa hai bên vẫn đang trong quá trình phục hồi.

Tranh cãi giữa Nhật Bản, Mỹ và EU đối với Trung Quốc khi chủ đạo tiến trình cải cách WTO, xây dựng vòng thương mại số cũng đang vô cùng phức tạp. Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Nhật Bản về trật tự, nhất là quy tắc quốc tế vẫn sẽ tiếp diễn và ngày càng sâu.

Có chuyên gia chính sách Nhật Bản cho rằng vấn đề tiếp theo mà chính sách ngoại giao mang tính chiến lược của Nhật Bản cần phải giải quyết là: Làm thế nào để xây dựng mô hình quan hệ mới với các đối tác kinh tế lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ. Trên thực tế, đây cũng là một vấn đề quan trọng mà Nhật Bản phải giải quyết để thực hiện được sự tự chủ về chiến lược lớn hơn trong trật tự quốc tế mới.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.
.