Cột mốc lịch sử trong quan hệ Nhật - Mỹ

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:19
Chỉ ít thời gian nữa là tới thời điểm thế giới kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II - một cuộc chiến mà trong đó Nhật Bản và Mỹ là hai nước đối đầu, nên chuyến thăm Mỹ kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 26/4, của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để mở rộng phạm vi liên minh Nhật - Mỹ ra quy mô toàn cầu, được nhìn nhận là sự kiện đánh dấu cột mốc lịch sử rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Quan hệ Nhật - Mỹ hiện đang ở trong một giai đoạn được coi là bước ngoặt lịch sử, trong đó cả hai nước cũng như mỗi nước đang đứng trước những thách thức mang tính chất sống còn và do đó rất cần sự hợp tác cùng nhau và hành động chung để hóa giải.

Đối với Nhật Bản, thách thức từ phía Trung Quốc được thể hiện trước hết trên ba bình diện. Một là, sự cạnh tranh chiến lược trong không gian phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương - một khu vực được coi là phát triển năng động nhất thế giới, là đầu tàu của sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Hai là, Nhật Bản đang chịu sức ép ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Tokyo gọi là Senkaku. Ba là, Trung Quốc đang thể hiện công khai và ngày càng mang tính chất cường quyền trong việc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, chặn ngay lối ra thế giới của Nhật Bản. Ngoài những thách thức từ phía Trung Quốc, Nhật Bản còn bị thách thức từ cuộc tranh cãi với Nga về chủ quyền đối với nhóm đảo Kurile mà Liên Xô làm chủ trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân tiếp đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và phu nhân tại Nhà Trắng hôm 28/4. Ảnh: Reuters.

Đối với Mỹ, những thách thức từ phía Trung Quốc được thể hiện trên các bình diện:

Một là, trong khi Mỹ đang theo đuổi tham vọng biến “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” thành “Thế kỷ Mỹ” thì Trung Quốc đang thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, mà trong đó bao gồm cả tham vọng biến “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” thành “Thế kỷ Trung Quốc”.

Sự xung khắc của hai tham vọng chiến lược này được thể hiện ở Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) do Mỹ áp đặt luật chơi mà không có Trung Quốc với Khu vực tự do thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương FTAAP (Free Trade Area of Asia Pacific) do Trung Quốc đề xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ. TPP là một trong hai trụ cột của Học thuyết Obama, cùng với trụ cột kia là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương TTIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership).

Có thể thấy, TPP và TTIP sẽ tạo ra 2 không gian kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó Mỹ đóng vai trò chủ đạo và do đó sẽ quyết định vận mệnh của nước Mỹ trong thế kỷ XXI. 

Hai là, Trung Quốc đang chủ động và tích cực cùng với Nga và các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil và Cộng hòa Nam Phi) và nhiều nước khác xúc tiến quá trình xây dựng cấu trúc mới của nền kinh tế thế giới không dựa trên cơ sở đồng USD của Mỹ và các thể chế kinh tế toàn cầu do Mỹ kiểm soát, gồm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Chủ trương này được giới phân tích nhìn nhận là mở đầu của sự kết thúc vai trò toàn cầu của Mỹ. 

Ba là, nếu tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông đối với Nhật Bản chỉ là chặn ngay lối ra thế giới của Tokyo, thì đối với Mỹ đó là thách thức nghiêm trọng đối với chiến lược toàn cầu của Washington. Đối với Mỹ, Biển Đông không chỉ là lợi ích tự do hàng hải, mà còn là môi trường để họ thực hiện chiến lược “tiếp cận từ biển” theo học thuyết quân sự của Lầu Năm Góc trong cuộc đối đầu tiềm tàng với Trung Quốc trong tương lai. Ngoài ra, Biển Đông còn là nơi xung đột lợi ích giữa Mỹ và Nga - một quốc gia đã “được” Tổng thống B.Obama xếp vào danh mục “các nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với thế giới”.

Nhìn vào những thách thức trên đây đối với Nhật Bản và Mỹ, có thể thấy cả hai đều có chung những mối lo ngại mà cả hai cần phải phối hợp nỗ lực để hóa giải trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Những thỏa thuận giữa Nhật Bản và Mỹ trong chuyến thăm Washington lần này của Thủ tướng Shinzo Abe được đánh giá là có tính lịch sử vì nhằm hóa giải những thách thức cũng mang tính lịch sử đối với cả hai bên.

Một là, hai bên thống nhất nội dung Định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật Bản mới, được thể hiện trong Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ, liên minh Mỹ - Nhật là “hòn đá tảng” của an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở nhận thức chung rằng an ninh và thịnh vượng của hai nước trong thế kỷ XXI ràng buộc với nhau, không thể tách rời và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia. Do đó, hai bên khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều vấn đề.

Theo đó, Nhật Bản cam kết sẽ tham gia cùng với Mỹ thiết lập các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, chống chiến tranh mạng, chiến tranh vũ trụ và bảo đảm an ninh hàng hải. Nhật Bản sẵn sàng cùng với Mỹ đóng vai trò lớn hơn về an ninh trên trường quốc tế trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Hai là, hai bên hoan nghênh những tiến triển quan trọng đã đạt được trong quá trình đàm phán song phương về TPP và cam kết sẽ cùng nhau nỗ lực để thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận này. Bài phát biểu của Thủ tướng Abe tại Quốc hội Mỹ là cơ hội để thuyết phục các nghị sỹ nước này sớm thông qua TPP do các cuộc đàm phán về hiệp định này đang vấp phải sự phản đối của hầu hết các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống B.Obama do những lo ngại về khả năng nhiều người lao động Mỹ sẽ mất việc làm.

Rõ ràng, việc sớm kết thúc đàm phán về TPP sẽ có lợi cho cả Mỹ và Nhật Bản trong bối cảnh Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đang thu hút rất nhiều đồng minh Mỹ tham gia, còn đề án FTAAP do Trung Quốc đề xuất cũng đang được thúc đẩy và hiện thực hóa để đối trọng với TTP do Mỹ đóng vai trò chủ đạo.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “TPP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có giá trị an ninh và chiến lược lâu dài. Hiệp định này bao trùm một khu vực chiếm 40% giá trị kinh tế và 1/3 thương mại toàn cầu và chúng ta phải biến nó trở thành khu vực hòa bình và thịnh vượng lâu dài vì tương lai của con cháu chúng ta”.

Ba là, Mỹ và Nhật Bản có thể cũng sẽ gia tăng phối hợp trong các hoạt động bảo đảm an ninh của cả khu vực Biển Đông, trong đó có việc cùng tiến hành các hoạt động tuần tra chung. Trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ về những tranh chấp biển hiện nay tại châu Á và nêu rõ, các nước cần thương lượng để giải quyết bất đồng thay vì sử dụng vũ lực hoặc ép buộc để thúc đẩy yêu sách của mình. Hai bên khẳng định lại cam kết hiệp ước an ninh, theo đó Mỹ có trách nhiệm cùng Nhật Bản bảo đảm an ninh toàn bộ các vùng lãnh thổ hiện nằm dưới quyền quản lý của Tokyo, trong đó bao gồm cả nhóm đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông.

Như vậy, kết quả chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Mỹ lần này chứng tỏ, Tokyo và Washington đang nỗ lực hành động nhằm hóa giải những thách thức đối với từng nước cũng như cả hai nước không chỉ trong thời điểm hiện tại, mà cả trong nhiều thập kỷ tới.

Bình luận về kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Meredith Miller-một chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu các vấn đề châu Á, nói: “Tôi nghĩ một trong những điều Mỹ muốn làm hiện nay là gửi đi một thông điệp mạnh mẽ không chỉ với Trung Quốc, mà còn các nước khác trong khu vực cũng như người dân Nhật Bản về giá trị của liên minh Nhật - Mỹ. Đây là bước đi thật sự để biến những lời nói thành hành động rằng Mỹ và Nhật Bản đều có chung những cam kết về thách thức an ninh”.

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.