Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Giằng co dai dẳng

Thứ Tư, 30/05/2018, 11:25
Sau khi tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào hôm 24-5, ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngược lại. Đến ngày 26-5, trên Twitter, Tổng thống Mỹ khẳng định, chính quyền của ông hoàn toàn đồng lòng khôi phục cuộc gặp thượng đỉnh, có thể được tổ chức tại Singapore, vào ngày 12-6.

Sự đảo chiều và diễn tiến liên tục này cho thấy, những cuộc đấu trí trên bàn ngoại giao đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, được phủ bằng những tuyên bố mỹ miều và những tính toán vô cùng tinh vi để giành lợi thế trước khi ngồi vào bàn đàm phán chính thức.

Một ngày bận rộn

Theo dõi diễn biến kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, khiến người ta cảm thấy choáng ngợp và thậm chí “đau tim” bởi những diễn biến mau lẹ và bất ngờ, khi mọi thứ đều thay đổi chỉ trong “tích tắc”.

Chỉ tới ngày 27-5, một ngày bận rộn ở Bán đảo Triều Tiên, dường như mọi thứ mới trở lại đúng “quỹ đạo”, khi tiến trình xúc tiến cho cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng này tiến bộ hằng ngày. Sáng 27-5 theo giờ địa phương, truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo lãnh đạo 2 miền Triều Tiên đạt được thống nhất sẽ tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa 2 bên vào ngày 1-6 tới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp diễn ra ngày 26-5 tại Panmumjom. Ảnh: Yonhap.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay, trong cuộc gặp thượng đỉnh bất ngờ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Panmunjom, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trên tinh thần mang tính xây dựng, ngày 27-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thông báo một phái đoàn Mỹ đang gặp các quan chức Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom, ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, để thảo luận về khả năng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và đàm phán về việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tờ Washington Post cho biết cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim, hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippines, cũng đã được cử tới Triều Tiên và là người dẫn đầu các công tác chuẩn bị.

Cũng trong ngày 27-5, các quan chức Mỹ cho biết nước này và Triều Tiên sẽ tập trung vào đề xuất chuyển các đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng ra nước ngoài khi hai bên thảo luận về công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hiện chưa rõ hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề này hay không, khi mà Triều Tiên không sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ muốn Bình Nhưỡng sớm chuyển tới 20 đầu đạn hạt nhân ra nước ngoài, coi đây là một phần trong các biện pháp để đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Vẫn trong ngày 27-5, Triều Tiên đã bác bỏ các thông tin của truyền thông Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đang tìm kiếm các hỗ trợ kinh tế của Mỹ để đổi lại phi hạt nhân hóa. Bài viết trên KCNA nhấn mạnh Triều Tiên không bao giờ trông chờ vào viện trợ kinh tế của Mỹ, đồng thời khẳng định rằng những thay đổi lớn khiến thế giới ngạc nhiên trong quan hệ Mỹ - Triều hoàn toàn là nhờ các nỗ lực của Bình Nhưỡng hướng tới hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và trên thế giới.

Ngày 27-5 tiếp tục trở thành ngày bận rộn và quan trọng với tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên khi Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã họp để thảo luận về các bước đi tiếp theo nhằm thực hiện thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa điễn ra ngày 26-5, cũng như vai trò của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy hướng tới thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Cuối ngày 27-5,  KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ “ý chí kiên định” tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên thông qua việc phi hạt nhân hóa và cải thiện quan hệ liên Triều.

Trong khi đó, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mọi việc hướng tới hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên vào ngày 12-6 đang diễn ra “rất tốt đẹp” và ông đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp này với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Trump nêu rõ: “Chúng tôi đang trông chờ ngày 12-6 tại Singapore. Không có gì thay đổi”.

Cuộc gặp 3 bên Mỹ-Hàn-Triều?

Có vẻ như những dấu hiệu về một cuộc gặp “trong mơ” lại tiếp tục diễn ra một cách bình thường khi đoàn tiền trạm của Nhà Trắng đang chuẩn bị tới Singapore. Tạp chí Politico đưa tin một đội tiền trạm gồm 30 quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ lên đường tới Singapore vào cuối tuần này. Phát biểu với báo giới tại phòng Bầu Dục, ông Trump nói rằng: “Chúng tôi đang trông đợi cuộc gặp ở Singapore vào ngày 12-6. Điều đó sẽ không thay đổi”.

Ông Trump khẳng định “có rất nhiều thiện chí” cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và “rất nhiều người đang chuẩn bị cho cuộc gặp này. Mọi thứ đang diễn biến rất tốt đẹp”. Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng không còn đủ thời gian để tổ chức họp thượng đỉnh theo kế hoạch ban đầu.

Giới phân tích cho rằng, việc ông Trump “đổi giọng” cho thấy dường như ông đang chịu nhiều sức ép cả trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là đồng minh Hàn Quốc vốn đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch sử. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều được cả thế giới kỳ vọng và xem đây là cơ hội duy nhất để hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Thuyết khách Moon Jae-in khi tới Mỹ họp bàn với ông Donald Trump. Ảnh: todayus.com.

Một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là điều cần thiết để hai bên hóa giải những bất đồng một cách thẳng thắn.

Trong tuyên bố ngày 27-5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mặc dù nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng ông cũng thừa nhận rằng Mỹ và Triều Tiên có thể có cái nhìn khác nhau về phi hạt nhân hóa. Đó là lý do Mỹ và Triều Tiên cần tổ chức không chỉ các cuộc gặp cấp chuyên gia mà cả cuộc gặp thượng đỉnh để giải quyết những bất đồng, đặc biệt là về giải pháp phi hạt nhân hóa cũng như lộ trình phi hạt nhân hóa.

“Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng, chúng ta có thể nhìn thấy không chỉ sự chấm dứt các mối quan hệ thù địch mà còn cả sự hợp tác kinh tế nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Tôi đã kêu gọi cả Mỹ và Triều Tiên bày tỏ các vấn đề thông qua đối thoại trực tiếp”, Tổng thống Moon Jae-in nói.

Ông Moon Jae-in nói rằng, ông kỳ vọng các cuộc gặp cấp chuyên gia cũng như cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra suôn sẻ. Ông cũng đề xuất thiết lập đường dây nóng Mỹ-Triều trong tương lai cũng như khả năng về đường dây nóng 3 bên giữa Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc.

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 28-5, một quan chức cấp cao trong Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, có khả năng Tổng thống Moon Jae-in sẽ đến Singapore để tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên với người đồng cấp Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6 tới. Khả năng này phụ thuộc vào kết quả các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Đề xuất tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương ngày 27-4 vừa qua ở làng đình chiến Panmunjom. Tiếp đó, Tổng thống Moon Jae-in một lần nữa bày tỏ hy vọng tổ chức cuộc gặp 3 bên như vậy sau khi ông có cuộc gặp bất ngờ lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Panmunjom.

Phát biểu họp báo ngày 27-5, một ngày sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Moon cho biết nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công, Hàn Quốc mong muốn được thấy các nỗ lực nhằm chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên thông qua một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Hàn-Triều-Mỹ.

Trên chiến tuyến ngoại giao

Ngay cả khi những lời lẽ hòa giải có thể làm hồi sinh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng sẽ phải vượt qua những mâu thuẫn không hề nhỏ trong việc định hình một thỏa thuận vũ khí hạt nhân. Nhiều chuyên gia về Triều Tiên vẫn hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh này bởi sự “lệch pha” giữa Mỹ và Triều Tiên khó có thể tháo gỡ trong thời gian ngắn.

Cả Mỹ và Triều Tiên liên tục có những động thái mới, trái ngược với số phận thượng đỉnh tưởng như đã được quyết định mấy ngày trước cho thấy cuộc chiến ngoại giao là vô cùng quyết liệt để mỗi bên có thể giành được lợi thế lớn nhất trước khi ngồi vào bàn đàm phán chính thức. Có thể thấy rõ, trong khi ông Trump muốn có được lời hứa phi hạt nhân hóa toàn bộ, thì ông Kim Jong-un muốn được đối xử một cách bình đẳng với tư cách một nhà lãnh đạo sở hữu sức mạnh của năng lực nguyên tử.

Tuy nhiên, chẳng ai dám giải thích sự tế nhị này cho Tổng thống Mỹ. Thứ hai, Bộ Ngoại giao hiện đang trống nhiều vị trí, với sự ra đi của không ít nhà ngoại giao lão luyện và các chuyên gia không thể thay thế, nên rất khó để tìm kiếm một đội ngũ chuẩn bị thực sự chu đáo cho cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng đến như vậy. Tiến triển trong đối thoại liên Triều, đã buộc ông Trump phải thay đổi chiến thuật.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp vừa diễn ra ngày 26-5 tại Panmumjom. Ảnh: Yonhap.

Câu hỏi là Triều Tiên có thể tin cậy Mỹ như một đối tác đến mức nào. Trong trường hợp giải trừ hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ phải tiến hành hàng loạt các hành động không thể đảo ngược, ví dụ như cho phép tiếp cận thông tin mật để kiểm tra, chưa nói đến dỡ bỏ các hạ tầng hạt nhân và tên lửa. Trong khi đó, các bước đi của Mỹ lại dễ dàng đảo ngược - các cuộc tập trận có thể được nối lại, án phạt được khôi phục, hiệp ước hòa bình bị hủy bỏ, xóa bỏ công nhận ngoại giao... Washington từng rút khỏi Hiệp ước về hệ thống phòng thủ tên lửa và bây giờ tuyên bố rời khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran.

Số phận thỏa thuận với Iran có liên quan trực tiếp đến Triều Tiên. Thỏa thuận với Iran quy định Iran dừng chương trình vũ khí hạt nhân của mình và được dỡ bỏ các án phạt. Đây chính là điều đang được đưa ra với Triều Tiên.

CNN mới đây cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với áp lực từ tất cả các bên trong việc tổ chức một cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Với việc tham dự một cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump, ông Kim Jong-un không chỉ trở thành nhân vật được truyền thông yêu thích mà còn thu được lợi ích đáng kể từ khả năng nhiều quốc gia cân nhắc giảm áp lực với Bình Nhưỡng. Cùng lúc đó, Triều Tiên có thể sẽ coi tiến trình đàm phán là cách để ngăn Mỹ dùng đến giải pháp quân sự.

Có thể thấy, sau những tuyên bố “ăn miếng, trả miếng” khiến cả hai ngày càng rời xa khỏi “cơ hội vàng” của cuộc gặp lịch sử ở Singapore, cả Mỹ và Triều Tiên đều đang nỗ lực đưa tiến trình đối thoại Mỹ - Triều trở lại đúng hướng. Tuy nhiên, nhìn vào nguyên nhân sâu xa, giới phân tích đánh giá Tổng thống Donald Trump đã đi một nước cờ ngoại giao có tính toán khi thông báo quyết định hủy rồi sau đó lại khơi lại khả năng đối thoại.

Trên thực tế, việc Tổng thống Donald Trump đồng ý gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên là một hành động khác biệt so với những người tiền nhiệm. Khi quyết định tiến tới cuộc gặp, ông Trump đặt mục tiêu sẽ buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, song đây được đánh giá là vấn đề rất khó thực hiện.

Về vai trò của Tổng thống Moon Jae-in, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc, duy trì sự nghiệp chính trị của chính ông khi tỷ lệ ủng hộ ở trong nước đã gia tăng đáng kể sau khi “bước đột phá ngoại giao”. Nếu mọi chuyện đổ vỡ, nhà lãnh đạo Hàn Quốc có nguy cơ bị chính đồng minh Mỹ bỏ rơi. Đây là một cú đánh thẳng vào vị thế chính trị của ông và sẽ làm gia tăng nguy cơ Mỹ tấn công Bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã phải “vận động hành lang” để cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể diễn ra đúng kế hoạch. Kể cả khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tưởng chừng sắp đổ vỡ, ông Moon Jae-in vẫn không bỏ cuộc khi ngay lập tức xúc tiến nỗ lực ngoại giao con thoi với cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần thứ 2 tại khu phi quân sự liên Triều.

Có thể nói, Hàn Quốc đang phát huy rất tốt vai trò “cầu nối” giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, trong bối cảnh vẫn còn tồn tại những hoài nghi và bất đồng sâu sắc giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Moon Jae-in đang được coi là “thuyết khách” hàng đầu khi ông đưa được Triều Tiên vào bàn đối thoại, tổ chức thượng đỉnh liên Triều và bắc cầu cho cuộc gặp Thượng đỉnh Kim-Trump. Chuyên gia cấp cao Frank Aum tại Viện Hòa bình của Mỹ cho rằng, việc còn lại phụ thuộc vào Mỹ và Triều Tiên sẽ làm gì tiếp theo.

Hoa Huyền
.
.
.