Quan hệ Mỹ - Triều Tiên lại đứng trước phép thử lớn

Thứ Năm, 17/05/2018, 12:09
CHDCND Triều Tiên ngày 16-5 khẳng định nước này có thể cân nhắc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ nếu tiếp tục chịu sức ép về việc phải “đơn phương” từ bỏ chương trình hạt nhân. Vài giờ trước đó, Bình Nhưỡng đã tuyên bố hủy đàm phán cấp cao với Seoul vì cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ - Hàn.


“Nếu Mỹ muốn dồn chúng tôi vào một góc để buộc chúng tôi phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ không quan tâm đến việc tiến hành thượng đỉnh Mỹ - Triều nữa… Chúng tôi đã bày tỏ sự sẵn sàng cho một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Nhưng chúng tôi cũng liên tục nói rằng Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch với Triều Tiên và các mối đe dọa hạt nhân như điều kiện tiên quyết”, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan mạnh mẽ tuyên bố trong một bản tin được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải ngày 16-5, cùng cáo buộc giới chức Mỹ đang có những hành động thiếu thiện chí trước thềm thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều. 

Trong thông cáo chính thức, quan chức ngoại giao của Bình Nhưỡng đã chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, người nói rằng nên áp dụng “mô hình Libya” cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

“Đó là một nỗ lực… để áp đặt số phận của Libya và Iraq với Triều Tiên. Tôi không thể kìm nén sự tức giận đối với động thái này của Mỹ và nghi ngờ rằng liệu Mỹ có thực sự muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán hay không”, ông Kim nói thêm.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ bị hủy bỏ. Ảnh: GettyImages

Trước đó cùng ngày, KCNA cũng đăng tải một thông cáo lên án mạnh cuộc tập trận trên không có tên “Max Thunder” của quân đội Mỹ và Hàn Quốc, diễn ra từ cuối tuần trước, với sự góp mặt của khoảng 1.500 binh lính cùng nhiều loại máy bay chiến lược như tiêm kích F-22 và oanh tạc cơ B-52. 

“Cuộc tập trận này là một thách thức nghiêm trọng đối với Tuyên bố chung Panmunjom và là hành động gây hấn quân sự có chủ ý đi ngược lại những tiến triển chính trị hiện nay trên bán đảo Triều Tiên”, KCNA nêu rõ, đồng thời thông báo cuộc gặp cấp cao giữa Bình Nhưỡng và Seoul dự kiến diễn ra cùng ngày đã “không có cách nào khác ngoài việc phải hủy bỏ” vì cuộc tập trận. 

“Thiện chí và cơ hội mà chúng tôi có thể đưa ra là có giới hạn”, KCNA cho biết thêm. KCNA cũng cảnh báo về cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump và ông Kim Jong-un rằng: “Mỹ nên suy nghĩ cẩn thận hơn về số phận hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ khi cùng Hàn Quốc tiến hành các hành động quân sự chống lại Triều Tiên”. 

Theo Reuters, cuộc hội đàm cấp cao liên Triều vừa bị hủy bỏ dự kiến diễn ra vào ngày 16-5 tại Nhà Hòa bình (thuộc lãnh thổ Hàn Quốc) ở làng đình chiến Panmunjom, nhằm thảo luận các biện pháp triển khai “Tuyên bố chung Panmunjom” vì “hòa bình, thống nhất và phồn vinh trên bán đảo Triều Tiên” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được tại cuộc gặp lịch sử ngày 27-4 vừa qua. 

Trước phản ứng cứng rắn của Triều Tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã xác nhận “họ nhận được thông báo từ trưởng phái đoàn Triều Tiên rằng hội đàm cấp cao bị hoãn vô thời hạn”. 

“Hội đàm hôm nay sẽ không thể diễn ra”, thông báo của bộ này cho biết. “Thật đáng tiếc về việc miền Bắc đã hủy bỏ hội đàm cấp cao liên Triều với lý do cuộc tập trận không quân thường niên Hàn Quốc-Mỹ không phù hợp với tinh thần và mục tiêu của các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước”.

Trong khi đó, liên quan đến tuyên bố về khả năng hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều của Bình Nhưỡng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders ngày 16-5 nói: “Mỹ sẽ xem xét điều mà Triều Tiên thông báo một cách độc lập và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh”. 

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định cơ quan này “chưa nhận được thông báo chính thức nào từ Triều Tiên” về việc phải lựa chọn hoặc không tập trận, hoặc không có họp thượng đỉnh. “Chúng tôi vẫn xúc tiến việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều theo kế hoạch”, bà Neuert nói. 

Theo công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore và đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ với một nhà lãnh đạo của Triều Tiên.

Giới quan sát đánh giá, bình luận gay gắt mới đây của Bình Nhưỡng cùng với căng thẳng do cuộc tập trận của Mỹ-Hàn vừa đánh dấu một sự thay đổi không nhỏ trong không khí hòa giải ở bán đảo Triều Tiên và có thể cắt đứt khoảng thời gian khởi sắc quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều mấy tháng qua. 

Được biết, để cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên từng bước được hiện thực hóa như hiện tại, hai bên đã đưa ra một loạt động thái thiện chí. Trong đó phải kể tới việc Bình Nhưỡng quyết định dừng mọi vụ thử tên lửa, hạt nhân; giảm quy mô cuộc thi bắn đạn thật của các đơn vị tăng thiết giáp; đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri dưới sự chứng kiến của báo giới quốc tế; và thả liền lúc 3 công dân Mỹ đang chịu án tù. 

Từ phía Mỹ, Washington cũng tạm ngưng các tuyên bố gây hấn, đồng thời nhiều lần cam kết sẵn sàng tất cả các nguồn lực an ninh quốc gia và ngoại giao cho gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều. 

Rõ ràng, những nỗ lực ngoại giao con thoi trong thời gian qua của hai bên đã khiến dư luận hết sức lạc quan về một kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đối với hòa bình và an ninh thế giới. 

Tuy vậy, để cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim có thể diễn ra và diễn ra thành công, đòi hỏi các bên cần vượt qua được những rào cản của sự thiếu lòng tin hay sự khác biệt về quan điểm dai dẳng nhiều thập kỷ. 

Trong giải quyết mọi vấn đề mâu thuẫn, dù gay gắt đến đâu, đối thoại hòa bình luôn là giải pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, song nó luôn kèm theo điều kiện tiên quyết là sự tin cậy, chân thành và thiện chí tối đa của các bên liên quan.

Thiện Nhân
.
.
.