FTA EU-Mercosur, tấm khiên mới của Liên minh châu Âu

Thứ Tư, 10/07/2019, 18:42
Hiệp định tự do thương mại (FTA) EU-Mercosur được coi là tấm khiên mới của Liên minh châu Âu trong cuộc đương đầu về kinh tế với các cường quốc thế giới, nhất là Mỹ. Tuy nhiên, để có được lá chắn này, người dân châu Âu phải đánh đổi không ít.

Sau 20 năm đàm phán, ngày 28-6, thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa hai khối. Để chính thức có hiệu lực, hiệp định này còn phải được quốc hội các nước bỏ phiếu thông qua. Nếu đạt kết quả thuận, FTA sẽ giúp hàng hóa của hai bên hội nhập vào một thị trường lớn với 800 triệu dân, chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới.

Về lợi ích kinh tế, thỏa thuận liên quan đến thuế quan và quy định, bao gồm lĩnh vực dịch vụ, mua sắm chính phủ, thuận lợi hóa thương mại, rào cản kỹ thuật, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, sở hữu trí tuệ sẽ giúp các công ty của những nước tham gia hiệp định được hưởng lợi, do tất cả các sản phẩm công nghiệp đều được miễn giảm thuế. Điều này cũng giúp cạnh tranh công bằng giữa các quốc gia khác.

Cuộc thương lượng FTA EU-Mercosur đã kéo dài đến 20 năm. Trong thời gian đó, EU đã đưa vào sử dụng đồng euro, còn nền kinh tế Argentina sụp đổ. Các chính phủ liên tiếp lên thay tại 4 nước Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay) làm việc đàm phán hết sức khó khăn. Chả vậy mà sau khi kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định, Jorge Faurie, Ngoại trưởng Argentina đã khóc nức nở qua điện thoại: “Thưa tổng thống, chúng ta đã đạt được thỏa thuận giữa EU và Mercosur”, theo tờ Süddeutsche Zeitung.

Tờ Zeitung cho rằng không chỉ mang lại lợi ích thương mại, hiệp định còn giúp cả EU và Mercosur có được tiếng nói chính trị trên trường quốc tế, qua việc làm đối trọng với chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện nay nhiều nước Nam Mỹ lệ thuộc nặng nề vào Hoa Kỳ về kinh tế. Hơn nữa, hiệp định tự do mậu dịch này ngoài việc kết nối châu Âu với Nam Mỹ còn giúp khối Mercosur đoàn kết lại.

Đại diện EU - Mercosur thông báo việc ký kết thỏa thuận FTA, ngày 28-6.

Tuy vậy, những tiếng nói phản ứng thỏa thuận này đang nổi lên mạnh mẽ ở châu Âu. Nội bộ đảng cầm quyền LREM của Tổng thống Pháp Macron cũng lục đục vì chuyện này. Ngày 3-7, nghị sĩ Jean-Baptiste Moreau tuyên bố thẳng “đây là một thỏa thuận tồi” và cho biết sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Pháp bác bỏ. Nhiều nghị sĩ LREM cũng bày tỏ sự dè dặt cao độ.

Theo Le Monde, làn sóng phản đối, từ cực tả đến cực hữu, không kể giới nông dân, khiến chính quyền buộc phải điều chỉnh thái độ. Tổng thống Pháp, cho dù vẫn tiếp tục lên án chủ nghĩa bảo hộ mới, đã nhấn mạnh đến việc mở cửa thị trường phải đi kèm với các kế hoạch hỗ trợ các ngành kinh tế bị đe dọa, cũng như các đòi hỏi nghiêm khắc về khí hậu. Khác hẳn với phát biểu hồi tuần trước bên lề G20, khi ông Emmanuel Macron khẳng định đây là một “hiệp định tốt”, chính phủ tuyên bố hiệp định sẽ không thể được ký kết trong tình trạng hiện nay.

Ngày 17-7 tới, dự thảo hiệp định với Mercosur sẽ phải được bỏ phiếu tại một ủy ban Quốc hội Pháp. Chính phủ Pháp lo ngại tình hình vượt tầm kiểm soát, khi dự luật bị chống đối dữ dội. Le Monde nhấn mạnh: “Cho dù Ủy ban châu Âu có hết sức hô hào cổ vũ cho một thỏa thuận gọi là mang tính chiến lược và cân bằng, hết sức phấn chấn với việc thị trường khổng lồ tại Nam Mỹ mở ra đối với các nhà xuất khẩu châu Âu, thì không ai tin tưởng vào những từ ngữ giả dối này”.

Tờ báo nhắc đến tình trạng nông nghiệp châu Âu bị đe dọa do nhiều bê bối thực phẩm nhập khẩu và đặt câu hỏi là “liệu có cần nhập khẩu thêm thịt từ đầu kia thế giới, trong lúc chúng ta không hề thiếu thịt, trong lúc người ta lại nhân danh cuộc chiến vì khí hậu để cấm người Pháp sử dụng xe hơi? Tại sao, cùng lúc với việc thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, lại buôn bán với những người không hề tôn trọng các quy tắc đó?”.

Le Monde cũng chất vấn: “Phải chăng đã có sự phóng đại về tầm quan trọng của hiệp định này, trong lúc các hệ quả về kinh tế, vệ sinh, môi trường lại không được thực sự tính đủ?”.

Le Monde cho rằng, tiến trình toàn cầu hóa rõ ràng đã giúp đưa một bộ phận dân chúng trên thế giới ra khỏi tình trạng nghèo khó, đúng như điều mà mọi người thường nói, với việc tạo nên tăng trưởng kinh tế ở khắp nơi, giúp cho nhiều người có điều kiện được hưởng các sản phẩm và dịch vụ trước đó vốn không thể tiếp cận. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng hủy hoại một phần nền công nghiệp, làm suy yếu xã hội.

Tờ báo hàng đầu của Pháp kêu gọi, bởi tiến trình toàn cầu hóa hiện nay đã đạt đến các giới hạn, châu Âu cần phải xây dựng các quy tắc mới có đi có lại với các đối tác, về thương mại, về xã hội, về môi trường.

Trụ sở Mercosur tại Montevideo, Uruguay.

Về mặt môi trường, cựu nghị sĩ Pháp Mathieu Orphelin nhấn mạnh là dự thảo hiệp định châu Âu-Mercosur hoàn toàn không mang lại các bảo đảm về khí hậu. Hiệp định Khí hậu Paris 2015 chỉ được nêu ra lấy lệ. Không có bất cứ một cơ chế nào cho phép đình chỉ thỏa thuận, nếu các quốc gia ký kết ngấm ngầm rời bỏ Hiệp định Paris, hoặc xa rời các cam kết về khí hậu.

Ông Orphelin nêu trường hợp chính quyền Brazil của Tổng thống Bolsonaro hứa hẹn ở lại với Hiệp định Paris nhưng trên thực tế, kể từ khi lên nắm quyền, ông ta tiến hành chính sách ngược lại: tốc độ phá rừng tăng gấp đôi, với 450 ha rừng Amazon bị tàn phá mỗi ngày, kể cả trong các vùng rừng được bảo vệ.

Ông Orphelin tỏ ra hết sức bi quan về các quy tắc thương mại hiện nay, mà theo ông, hoàn toàn không thể giúp nhân loại trong cuộc chiến hãm lại đà hâm nóng khí hậu. Theo ông, EU phải tiến hành một cuộc cách mạng, thiết lập các thỏa ước thương mại kiểu mới, trong đó các sản phẩm nông nghiệp phải có được một quy chế khác với các hàng hóa khác. Bởi đằng sau các sản phẩm nông nghiệp là mô hình nông nghiệp, mô hình tiêu thụ thực phẩm, sức khỏe và môi trường. Lĩnh vực nông nghiệp phải có ví trí đặc biệt trong các thỏa thuận thương mại tự do.

Tờ Les Echos của Pháp lại có cái nhìn khác. Theo tờ báo, lâu nay EU vẫn bị chỉ trích là không có trọng lượng trên trường quốc tế, cả về ngoại giao lẫn quân sự. Trong khi với thị trường 500 triệu dân, châu Âu có khả năng áp đặt một mô hình dựa trên luật pháp, tự do, bảo vệ môi trường và hiệp ước với Mercosur là cơ hội tốt. Trong bối cảnh Mỹ quay lại với luật của kẻ mạnh và sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc, việc tự cô lập sẽ là chọn lựa tồi tệ nhất đối với châu Âu.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.
.