Baltic - nhân tố quyết định thực trạng quan hệ Nga – NATO

Thứ Năm, 09/03/2017, 17:00
Quan hệ Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đang ở điểm thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Những va chạm của Nga và NATO tại vùng biển Baltic càng cho thấy thực trạng quan hệ giữa hai bên cũng như nguy cơ leo thang và mất khả năng kiểm soát xung đột hoàn toàn có thể xảy ra.

Đặc biệt sau các sự kiện tại Ukraine, Syria, Nga bị gắn mác nguy hiểm trong khi Moscow ngày càng e ngại cuộc Đông tiến của liên minh quân sự này.

Bị "gắn mác" nguy hiểm

Giới phân tích cho rằng quan hệ giữa Nga và NATO tại vùng biển Baltic có nhiều nghịch lý: một mặt, khu vực này đã trở thành một trong những không gian hợp tác nhạy cảm và phức tạp nhất, mặt khác, nguyên nhân của những căng thẳng trong quan hệ hai bên lại nằm ở bên ngoài khu vực đó. Sau Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw hồi tháng 7 năm ngoái, tình hình có thể gọi là "kiềm chế ổn định". Tuy nhiên,  rủi ro có thể leo thang vào bất kỳ lúc nào nếu mỗi bên mất kiểm soát xung đột.

Khu vực biển Baltic ngày nay nằm trong số các không gian hợp tác phức tạp nhất giữa Nga và NATO. Những nước thành viên NATO Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan là các tiền đồn của liên minh này - khu vực cọ xát trực tiếp với người láng giềng phía Đông. Từ trước khi nổ ra khủng hoảng Ukraine, các nước này đã hoài nghi triển vọng hợp tác với Nga trong lĩnh vực an ninh.

Về phần mình, Nga cũng có rất nhiều vấn đề. Moscow chỉ trích dự định của Ba Lan bố trí hệ thống phòng không của Mỹ trên lãnh thổ nước này; việc bốn nước nêu trên tẩy chay Hiệp ước về vũ khí thông thường châu Âu (CFE); chính sách diễn giải lại quá khứ Xôviết...

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề đó đều không dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Nga và NATO và không có hậu quả tiêu cực lâu dài. Moscow khá bình thản khi các nước láng giềng gia nhập NATO vào các năm 1999 và 2004, dù sau này thái độ trước viễn cảnh mở rộng liên minh đã trở nên thận trọng hơn.

Quan hệ Nga và NATO trở nên căng thẳng và ngày càng sâu sắc hơn sau sự kiện tại Ukraine. Nga bị xem là thách thức chính đối với an ninh, còn việc kiềm chế Nga được xem là một trong thành tố cần thiết của quan hệ mới. Về phía Nga bức tranh cũng tương tự, chỉ khác là NATO và triển vọng mở rộng NATO đã được xem là thách thức từ lâu trước khủng hoảng tại Ukraine. Còn chính sách của Nga về Ukraine sau tháng 3-2014 được Moscow xác định như kết quả của việc quan hệ bị xói mòn lâu dài và dần dần.

Trong tình huống này khu vực Baltic là một trong những mắt xích yếu nhất. Chính tại đây có thể xảy ra một cuộc leo thang tiếp theo, dù có thể là không chủ định. Mặt khác, việc giảm rủi ro và dần bình thường hóa quan hệ cũng có thể bắt đầu từ chính nơi đây. Đột phá ở một trong những định hướng phức tạp sẽ tạo hiệu quả tích cực cho quan hệ nói chung.

Hiện thực đó đặt ra hàng loạt câu hỏi: hệ thống hợp tác Nga và NATO ở giai đoạn hiện nay ảnh hưởng thế nào đến an ninh tại khu vực biển Baltic? Những yếu tố nào xác định chuyển biến quan hệ trong lĩnh vực an ninh khu vực? Những kịch bản nào có thể xảy ra? Có thể thi hành những biện pháp nào để giảm rủi ro leo thang đối đầu thành xung đột công khai?

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph.

Thế tiến thoái lưỡng nan an ninh tại khu vực Baltic

Những thay đổi hệ thống trong quan hệ Nga và NATO đã đặt ra theo cách mới các vấn đề an ninh tại khu vực Baltic. Nếu trước đây thái độ hoài nghi của các thành viên vùng Baltic trong NATO về hợp tác với Nga được giải thích chủ yếu là do nhiệm vụ nội chính trị (Nga như "một thành tố to lớn khác" và điểm tham chiếu trong việc xây dựng tính nhận diện của chính mình), thì cuộc khủng hoảng Ukraine đã buộc lãnh đạo NATO phải chú ý đến những quan ngại của các nước này ở mức nghiêm túc nhất.

Hoàn toàn logic khi điều đó gây ra phản ứng tiêu cực của Moscow, gây ra tình thế lưỡng nan an ninh. Sau khủng hoảng Ukraine, khu vực biển Baltic biến thành một trong những định hướng dễ tổn thương nhất nếu muốn leo thang. Hàng loạt các yếu tố có thể tiếp tay cho việc đó.

Thứ nhất, tính chất không xác định chung trong dự định tiếp theo của Nga. Brussels và chính các nước trong khu vực nghiêm túc xem xét kịch bản hành động quân sự lai ghép hoặc công khai chống lại các nước Baltic. Cơ sở nội dung của những dự báo này thường thể hiện rất lâu dài và không liên tục. Moscow nghi ngờ kịch bản xâm lược trong khu vực.

Trong số những kịch bản lạ lùng nhất là kịch bản khôi phục lại công bằng lịch sử dưới hình thức chiếm Narva (một kiểu Crimea thứ hai) hoặc là lính Nga đổ bộ lên đảo Gotland, mà Thụy Điển đang chuẩn bị để chống lại. Song khi không hiểu chiến lược chung của Nga hoặc coi nó là chủ đích chống lại phương Tây thì ngay cả những căn cứ vô lý nhất cũng gây ra âm hưởng lớn. Thêm vào đó ngay tại nước Nga thì hành động của NATO từ lâu đã được xem là tiềm tàng thù địch. Còn các thành viên NATO tại Baltic thì lâu nay đã mang tiếng là những bên ủng hộ và vận động cho việc kiềm chế Nga.

Không ngạc nhiên các nước hậu Xôviết của khu vực này yêu cầu NATO thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ họ trong trường hợp tình hình xấu đi. Và không ngạc nhiên khi các bước đi thực tế kiềm chế Moscow lại được thực thi tại chính vùng Baltic. Tình hình xấu thêm với cơ cấu thể chế khác nhau giữa Nga và NATO. Nga là quốc gia có chủ quyền, còn NATO là liên minh đa quốc gia và thể chế quốc tế. Và điều đó làm nảy sinh tốc độ và tính chất khác nhau trong việc đưa ra quyết định, mức độ sức ỳ thể chế khác nhau.

Yếu tố thứ hai không thể không kể đến là điều kiện địa lý. Trước hết nên nhấn mạnh đến sự giáp ranh biên giới giữa Nga và các nước thành viên NATO. Điều kiện quan trọng là tính chất bó hẹp không gian của khu vực. Cụ thể, nó làm tăng khả năng xảy ra các vụ đụng độ chủ đích trên không. Và tất nhiên nên lưu ý đến tính chất chia tách trong lãnh thổ Nga. Tỉnh Kaliningrad bị tách rời khỏi toàn bộ lãnh thổ còn lại và bị các thành viên NATO bao bọc xung quanh. Điều đó gây ra mối quan ngại cho Moscow.

Cho đến tận ngày nay Nga vẫn thể hiện sự kiềm chế trong việc quân sự hóa tỉnh này. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay thì việc gia tăng tiềm lực ở đây hoàn toàn là có thể. Dấu hiệu là việc cả hai bên đều nghi ngờ nhau sẽ có những hành động quân sự xung quanh tỉnh Kaliningrad.

Yếu tố cuối cùng là sự hiện diện của những quốc gia trung lập trong khu vực, có thể đóng vai thay đổi cuộc chơi. Về lý thuyết tính trung lập của Thụy Điển và Phần Lan có thể làm ổn định tình hình trong khu vực. Yếu tố cuối cùng dễ dàng nhận thấy là không có dấu hiệu cải thiện tình hình xung quanh giải pháp cho vấn đề Ukraine, cũng như xung đột sâu sắc hơn về các vấn đề khác.

Bất đồng về Ukraine là điều kiện tiêu cực dài hạn cho quan hệ Nga-NATO. Và ở đây tình hình hoàn toàn có thể xấu đi. Những sự phức tạp và bất đồng với Mỹ về Syria và các vấn đề khác cũng đóng băng quan hệ, đến lượt mình quan hệ đó sẽ tạo ra bối cảnh tiêu cực cho quan hệ cả tại khu vực biển Baltic.

Kết quả là quan hệ Nga-NATO tại đây rơi vào "nghịch lý hệ thống": nguyên nhân khiến quan hệ xấu đi đột ngột nằm ở bên ngoài khu vực, song chính khu vực lại tập trung những tiềm năng để cạnh tranh sức mạnh.

Những kịch bản có thể xảy ra

Theo giới phân tích, nếu tính đến tất cả các yếu tố tình hình tại biển Baltic, quan hệ Nga - NATO có thể diễn ra theo một số kịch bản như sau: Giữ ổn định - tình thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh vẫn được duy trì. Cả hai bên đều nhắm đến kiềm chế lẫn nhau, đối thoại ở mức tối thiểu. Các vụ đụng độ trên không và trên biển gây ra tiếng vang trên truyền thông, song không dẫn đến leo thang quân sự thậm chí cả khi chúng trở thành các trường hợp không may. Gia tăng tiềm lực phần nhiều chỉ mang tính tượng trưng, cả hai bên đều không muốn tốn chi phí vào đó.

Kịch bản thứ hai có thể xảy ra là: Kiềm chế không bền vững - tình thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh mạnh lên. Bối cảnh bên ngoài xấu đi: tiến trình Minsk rơi vào bế tắc, hành động quân sự tại Donbass nối lại. Bất đồng về Syria tăng lên. Các vụ đụng độ trên không và trên biển tạo cớ cho các biện pháp gay gắt bao gồm gia tăng vũ trang được cả hai bên chạy đua lẫn nhau.

Đối với Nga khu vực này trở thành hướng ưu tiên để tập trung lực lượng vũ trang. Phần Lan và Thụy Điển bước nhanh về phía NATO. Khu vực trở thành đấu trường cho cuộc khủng hoảng chính trị tại chỗ. Mặc dù vậy các kênh giao tiếp thường trực vẫn được duy trì.

Kịch bản thứ ba: Xung đột khu vực - một trong các bên quyết định hành động và giành thắng lợi lớn và phía bên kia nhượng bộ đáng kể. Điều này có thể giúp giải quyết các vấn đề khác. Tình huống khác là xung đột được nhen nhóm trong khu vực. Song phía đối đầu không nhượng bộ và dám đối đầu công khai. Xung đột chóng vánh tại chỗ nổ ra và không bên nào thắng cuộc.

Quan hệ chuyển sang cấp độ thù địch mới về chất. Đối thoại hoàn toàn bị ngừng lại. Tình hình lơ lửng ở ranh giới xung đột toàn diện giữa Nga và NATO. Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO hoặc tuyên bố hoàn toàn ủng hộ quân sự tổ chức. Tình huống này rất có khả năng xảy ra trong trường hợp một bên thua cuộc trong xung đột địa phương.

Kịch bản 4: Giảm tình thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh. Những thách thức chung hoặc đặc thù của một bên khiến họ không còn có lợi khi kiềm chế lẫn nhau. Họ dần đi theo con đường gia tăng các biện pháp tin cậy. Xung đột tại Donbass vẫn còn, nhưng đã thấy được chuyển biến tích cực. Nga và NATO hợp tác có lựa chọn tại Trung Đông. Sự thiếu tin cậy vẫn còn, song mức độ bất định dần giảm.

Kịch bản cuối cùng là quan hệ được xây dựng lại hoàn toàn. Một bên nêu sáng kiến thay đổi quan hệ theo chiều hướng cải thiện. Nhiều khả năng, biện pháp này sẽ liên quan đến vai trò của một thủ lĩnh chính trị cụ thể, hoặc nhiều thủ lĩnh, những người vượt qua được sự xung đột của các thể chế vốn đã chuyên về kiềm chế. Quan hệ Nga-NATO, cũng như Nga-EU, sẽ được xem xét lại toàn diện. Thỏa hiệp sẽ được tìm thấy trong xung đột tại Donbass.

Hai bên khởi động việc sửa đổi thỏa thuận thành lập, tăng vai trò của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) như thể chế an ninh chung châu Âu, tiến hành đối thoại về kiểm soát vũ khí thông thường. NATO sẽ được cải tổ cho các thách thức mới.

Triển vọng chiên lược trong quan hệ Nga-NATO luôn là yếu tố được quan tâm đặc biệt, bởi lẽ nó chính là một phần giải đáp cho câu hỏi  làm thế nào để dung hòa lợi ích và mục tiêu giữa các bên trong điều kiện thay đổi hiện nay tại châu Âu và khu vực lân cận?

Câu hỏi về quan hệ của Nga và NATO với các nước trung lập trong khu vực - Thụy Điển và Phần Lan - cũng quan trọng không kém bởi sự xích lại gần NATO của các nước này hiện nay là không tránh khỏi và không thể đảo ngược, điều có thể gây ra thêm những phức tạp trong quan hệ với Moscow.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.