Afghanistan: Taliban trỗi dậy sau khi Mỹ rút quân

Thứ Tư, 07/07/2021, 08:46
Đợt tiến quân mới nhất của lực lượng Taliban từ miền Bắc Afghanistan khi quân đội Mỹ và NATO rút đi đang khiến người dân nước này lo lắng về viễn cảnh quay trở lại với sự nắm quyền hà khắc của Taliban từng gây bao nỗi khó khăn, khổ sở cách đây gần 30 năm.


Anh cũng lên kế hoạch rút quân

Theo kế hoạch rút quân đã được vạch ra từ trước, Mỹ sẽ chính thức rút toàn bộ lực lượng quân chính quy (trực tiếp tham gia chiến đấu) khỏi Afghanistan vào ngày 4-7, chỉ để lại vài trăm binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao khác, tương tự như đã làm tại Iraq cách đây vài năm.

Cuộc rút quân của Mỹ bắt đầu từ ngày 2-7, với việc lực lượng Mỹ tại Afghanistan bàn giao căn cứ không quân Bagram cho chính quyền Kabul. Đây là căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất, là biểu tượng sức mạnh và trái tim của hoạt động quân sự Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau khi bàn giao căn cứ Bagram, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại ỡm ờ về lộ trình rút quân đã định.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã “đỡ lời” cho tổng thống bằng việc thông tin với báo chí rằng những người lính Mỹ cuối cùng có thể rời khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 chứ không phải đầu tháng 7.

Binh sĩ Afghanistan gác căn cứ Bagram sau khi Mỹ bàn giao hôm 2-7.

Ngay sau khi Mỹ bắt đầu rút quân, Chính phủ Anh cũng khởi động kế hoạch rút quân. Tuy nhiên, hiện chưa có thông báo chính thức nào về lịch trình rút quân của Anh.

Ngày 4-7, Bộ Quốc phòng Anh cho biết một số binh sĩ Anh vẫn ở lại Afghanistan, cho rằng do tình hình thay đổi nhanh chóng và “thông điệp phức tạp” từ các báo cáo an ninh trước đó. Kế hoạch rút quân của Anh sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Thủ tướng Boris Johnson đưa ra tuyên bố trước Quốc hội Anh vào đầu tuần này, rất có thể vào ngày 6-7, sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC). Khi đó, định dạng ngoại giao tương lai của Anh và bất kỳ sự hiện diện quân sự còn lại nào ở Afghanistan cũng sẽ được xác định rõ. Nhưng, một nguồn tin quốc phòng cảnh báo rằng cuộc họp NSC đã bị hoãn trước đó và nó có thể sẽ bị hoãn một lần nữa.

Phần lớn trong 750 quân Anh đóng góp cho sứ mệnh quốc tế “đào tạo và hỗ trợ” nhằm ổn định an ninh cho Afghanistan đã rời đi. Cuộc họp của NSC dự kiến sẽ thảo luận về việc liệu SAS hoặc các lực lượng đặc nhiệm khác có ở lại Afghanistan hay không và liệu một số binh sĩ có thể được yêu cầu bảo vệ Đại sứ quán Anh ở Kabul (hiện được các nhà thầu an ninh tư nhân bảo vệ) hay không. Các nguồn tin quốc phòng cho biết hợp đồng hiện tại với các nhà thầu an ninh tư nhân có thể sẽ được tiếp tục. Tương tự như các quốc gia NATO khác đã kết thúc sứ mệnh của họ trong những tuần gần đây, Anh dường như đang lên kế hoạch cho một cuộc rời đi một cách không ồn ào.

Nỗi lo Taliban thống trị trở lại

Một câu hỏi được giới quan sát đặt ra là, sau khi Mỹ, Anh và các đồng minh NATO rút quân, tình hình tiếp theo ở Afghanistan sẽ như thế nào?

Có một thực tế mà rất ít chính trị gia Mỹ, Anh hay NATO muốn nêu bật lên, đó là một kế hoạch quân sự được triển khai nhằm tiêu diệt Taliban đang kết thúc không như ý muốn, với việc nhóm này đang trỗi dậy trên khắp đất nước Afghanistan. Đợt tiến quân mới nhất của lực lượng này ở miền Bắc Afghanistan đang gây lo ngại cho nhiều người. Truyền thông địa phương và quốc tế hôm 4-7 ghi nhận tình hình đang ngày càng trở nên khá tồi tệ. Hơn 300 thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan đã chạy qua biên giới sang Tajikistan để trốn các tay súng Taliban và phần lớn địa bàn bên ngoài thủ phủ các tỉnh Badakhshan và Takhar đã nằm dưới sự kiểm soát của Taliban.

Hiện Taliban kiểm soát khoảng một phần ba trong số gần 400 quận của Afghanistan và đang đe dọa nhiều quận khác. Mặc dù họ chưa chiếm bất kỳ thủ phủ của tỉnh nào nhưng giờ đây họ đã bao vây một số thủ phủ, từ thành phố Ghazni ở phía Đông đến Maimana ở phía Bắc tỉnh Faryab. Ở nhiều khu vực, lực lượng an ninh đã đầu hàng không cần phải nổ súng; họ thậm chí “thương lượng đầu hàng” với sự môi giới của những người lớn tuổi ở địa phương. Các video lan truyền trên mạng cho thấy Taliban ôm những người lính đầu hàng và cung cấp tiền cho họ về nhà. Hình ảnh này có thể khiến lực lượng chính phủ tin tưởng rằng họ có thể bỏ ngũ mà không sợ mất mạng.

Tại Badakhshan, Mohib-ul Rahman, một thành viên hội đồng tỉnh đã đổ lỗi cho những thành công của Taliban là do tinh thần chiến đấu kém cỏi của quân đội. Thực tế cho thấy, lực lượng chính phủ tại các địa phương này quá mỏng, đã bị quân Taliban áp đảo, đồng thời họ cũng không có được sự tiếp tế cần thiết cũng như sự tăng viện từ Kabul. “Thật không may, phần lớn các quận đã được giao cho Taliban mà không có bất kỳ cuộc chiến đấu nào” - Rahman nói với Associated Press. Cuộc tiến công nhanh chóng khiến thủ đô của Badakhshan gặp nguy hiểm vào hôm 3-7.

Ngày 4-7, các lực lượng đặc nhiệm đã đến bằng trực thăng để bảo vệ thành phố và cố gắng chiếm lại một số quận. Lực lượng an ninh Afghanistan cũng đang cố gắng đẩy lùi Taliban khỏi một số địa điểm đã bị chiếm trong vài tháng qua. Tình hình này khiến Kabul không thể nào hài lòng với cách rút quân của Mỹ và đồng minh.

Việc Taliban tiến quân như vũ bão ở miền Bắc và Đông Afghanistan trong vài tuần gần đây khiến nhiều người bắt đầu nghĩ đến một tương lai thống trị trở lại của Taliban, với một tư thế khác hẳn so với trước đây. Thông qua các cuộc đàm phán rút quân với người Mỹ, Taliban đã đạt được một hình thức công nhận quốc tế mà họ đã khao khát từ lâu.

Tại các cuộc đàm phán hòa bình ở thủ đô Doha của Qatar và trên các diễn đàn báo chí, các đại diện của Taliban đã thể hiện một hình ảnh về sự thay đổi. Họ sử dụng ngôn ngữ hòa bình và hòa giải, hứa trao cho phụ nữ các quyền của họ, như quyền được học hành, quyền được làm việc,... Tuy nhiên, thực tế tại các vùng Taliban kiểm soát, nhiều luật lệ cũ đã từng bước được áp dụng trở lại, như phụ nữ phải phụ thuộc vào đàn ông...

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.