Không ai bị bỏ lại

Chủ Nhật, 31/10/2021, 10:20

Cần làm gì để lo cho nhiều người dân được hạnh phúc nhất có thể? Đây là một ý tưởng nhân văn nhưng thực hiện được nó là một bài toán về hiệu quả, chứ không chỉ dựa trên lòng tốt của các nhà quản lý.

Thước đo hạnh phúc

Hạnh phúc không phải là hóa học hay hình học đại số, những lĩnh vực mà quan điểm của mỗi người có rất ít tác động. Nhưng, nghiên cứu khoa học xã hội về hạnh phúc có thể dựa trên việc khảo sát mọi người xem họ có cảm thấy hạnh phúc hay không. Tức là chúng ta không quan tâm đến việc định nghĩa hạnh phúc là gì, mà chỉ quan tâm đến chuyện mọi người có thấy đầy đủ và vui sống hay không.

Khảo sát Giá trị toàn cầu, cung cấp những dữ liệu về cảm giác hạnh phúc tập hợp của các nền dân chủ công nghiệp từ năm 1981 đến 2014, là căn cứ của hầu hết các nghiên cứu về kinh tế học hạnh phúc hiện đại. Nó đặt ra một câu hỏi cơ bản: "Sau khi cân nhắc mọi thứ, mức độ hài lòng của bạn với cuộc sống hiện tại ra sao?" và những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu trả lời theo thang điểm từ 1 (không hài lòng) đến 10 (hài lòng). Các cá nhân tự quyết định xem điều gì là quan trọng với bản thân họ.

Không ai bị bỏ lại -0
Nhà nước phúc lợi hiện đang là mô hình giải quyết hài hòa nhất giữa mục tiêu tăng trưởng và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu trong tháp Maslow của người dân. Nguồn ảnh: Getty.

Ban đầu, các nhà kinh tế học có xu hướng xử lý dữ liệu này với góc nhìn tập trung vào tầm quan trọng của tiêu dùng và thu nhập: tại bất kỳ thời điểm nào, những người có thu nhập cao hơn đều điền vào khảo sát cảm giác hạnh phúc hơn. Nhưng, sau đó, theo thời gian, điều này không còn đúng, theo Nghịch lý Easterlin, một thuyết được đặt cùng tên với nhà kinh tế học người Mỹ đã mô tả nó vào năm 1974: tổng thu nhập quốc dân tăng không làm tăng mức hạnh phúc trung bình, vì mức tiêu dùng mà mọi người đem ra so sánh cũng tăng lên.

Easterlin dùng một ẩn dụ để mô tả điều này: nếu cạnh nhà bạn có một dinh thự của tỷ phú được xây thì dần dà, bạn sẽ nhận thức ngôi nhà của mình như một túp lều. Khoảng cách thu nhập tạo ra sự thiếu hạnh phúc. Việc tập trung hạn hẹp vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thô không tạo ra một cuộc sống đủ đầy đúng nghĩa, nếu chúng ta không thể phủ được những nhu cầu cơ bản như an toàn tài chính, tiếp cận chăm sóc sức khỏe trên phạm vi rộng nhất có thể.

Điều này đưa chúng ta đến các phương pháp tiếp cận nhấn mạnh đến việc chu cấp các nhu cầu của con người. Nổi bật nhất trong số này là học thuyết mà nhà xã hội học người Hà Lan Ruut Veenhven của Đại học Erasmus (Rotterdam) đặt tên "Thuyết năng lực sống": mọi người sẽ hạnh phúc hơn trong những xã hội cung cấp mức độ cao nhất của nhu cầu con người, cho số lượng người lớn nhất. Công trình bất hủ của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow cung cấp một mô hình để hiểu những nhu cầu đó: thức ăn, quần áo, chỗ ở và nhu cầu sinh lý nằm ở đáy của kim tự tháp nhu cầu Maslow; tiếp theo là an ninh tài chính, việc làm, và cảm giác an toàn.

Giải quyết bất bình đẳng

Khi đại dịch xảy đến, chúng ta đã nhìn thấy những khía cạnh đau khổ của xã hội không thể rõ ràng hơn. Hàng trăm ngàn người khăn gói về quê, bất chấp hành trình dài mệt mỏi và đầy rủi ro. Trước đó, họ đã mắc kẹt lại thành phố, trong những nhà trọ ẩm thấp, cũ kỹ, với túi tiền đã rỗng không, thậm chí có người đã rơi vào tình trạng đói. Khi tôi có đủ "điều kiện" bật laptop vào lúc nửa đêm để gõ bài này thì ngoài kia, rất nhiều người còn đang phải nghĩ xem ngày mai liệu có gì để ăn không.

Tất nhiên là tôi, người có điều kiện hơn đa số và nhìn rộng ra là các nhà quản lý xã hội, hẳn đều đủ trắc ẩn để nhận ra sự chênh lệch này, khi đại dịch đã đẩy chúng ta đến một trạng thái cực đoan mà tất cả buộc phải nhận ra sự ảnh hưởng khủng khiếp của hoàn cảnh. Tôi không tin rằng ông Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh không thể nhận ra được điều này. Những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được phá liên tục nhiều năm qua chỉ là phần nổi. Bên dưới nó, hóa ra rằng chúng ta vẫn có những người sẽ rơi thẳng xuống đáy của tháp nhu cầu Maslow, khi biến cố xảy ra.

Lòng trắc ẩn là không đủ để điều tiết lại bối cảnh này. Bằng cách liệt kê các nhu cầu cơ bản và tìm cách phân phối chúng tới số đông, chúng ta biết được điều gì là quan trọng nhất ảnh hưởng tới các việc này: nền kinh tế. Chìa khóa để hiểu được hạnh phúc là hiểu được cách thức vận hành của nền kinh tế thị trường.

Hầu hết chúng ta đều hiểu logic của thị trường một cách đơn giản, với sự cực đoan khi nghĩ về tiêu dùng và thu nhập: cố gắng tối đa hóa GDP, như nỗ lực duy nhất có hiệu quả. Rằng, chỉ cần toàn thể xã hội lao động và tạo ra một miếng bánh ngày càng lớn hơn thì ai cũng có phần. Từ anh công nhân lao động trong nhà máy đến chị bán cá ngoài chợ, tất cả sẽ được hưởng lợi từ gia tăng GDP.

Nhưng, những nghiên cứu về nhà nước phúc lợi kiểu mới có thể làm chúng ta giật mình: logic đơn giản ấy chứa đựng những yếu tố không tốt cho lợi ích chung và làm giảm cảm giác hạnh phúc của con người. Một trong số đó là khái niệm quan trọng nhất của kinh tế thị trường: hàng hóa, cụ thể hơn là hàng hóa sức lao động. Một thế giới hàng hóa là thế giới trong đó đại đa số dân chúng tồn tại trong thành phần kinh tế bằng cách bán sức lao động của họ như một loại hàng hóa, dưới hình thức làm công ăn lương. Trong bối cảnh đó, những người phải bán sức lao động với giá rẻ đối mặt với sự bất an kinh niên, vì thị trường mua bán sức lao động của họ, giống như bất kỳ loại hàng hóa nào, luôn biến động không thể kiểm soát được.

Không ai bị bỏ lại -0
Đồ thị cho thấy mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và mức độ thỏa mãn của người dân. Nghịch lí Easterlin chỉ ra rằng, tổng thu nhập quốc dân tăng không làm tăng mức hạnh phúc trung bình, vì mức tiêu dùng mà mọi người đem ra so sánh cũng tăng lên.

Việc gia cố tấm lưới an sinh xã hội hiệu quả luôn phải đi kèm với tăng trưởng, là để đỡ lại những người vẫn đang phải kiếm sống bằng cách bán sức lao động giá rẻ. Nó cũng đảm bảo rằng, những người không thể tìm được việc làm sẽ được cung cấp mức thu nhập tối thiểu, cùng với các chương trình tăng mức độ phúc lợi của một người phụ thuộc vào thu nhập, như "giảm trừ gia cảnh", nhà trẻ và nhà ở được trợ cấp, cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tồn tại như một quyền xã hội, tức là những thứ mà một người nhận được vì họ là một công dân, không phải vì là người có đủ tiền trả cho nó.

Đại dịch và những tranh cãi xung quanh việc giúp đỡ những con chim cuối đàn giúp chúng ta một lần nữa tự vấn lại về cách thức xây dựng một hệ thống có hiệu quả hơn ở mặt này. Bạn có thể xem tivi và hiểu bức tranh phát triển đơn thuần thông qua các chỉ số kinh tế tăng trưởng. Nhưng, bạn cũng có thể nhìn vào những khía cạnh khác, vào đoàn người lũ lượt đi hàng ngàn cây số trở lại quê hương, những khu trọ chật chội của thành phố, cùng những người mắc kẹt lại có thể đã bị đói và cả những đứa trẻ trong các gia đình không có nổi một cái điện thoại để học online.

Phương châm "Không ai bị bỏ lại phía sau" mà chúng ta đã đề ra thời gian qua là đúng đắn trong bối cảnh này nhưng câu chuyện mà toàn thể xã hội phải giải quyết không chỉ dựa vào lòng trắc ẩn. Nó bắt đầu khi tất cả chúng ta không chỉ nghĩ đến việc gia tăng thể tích tổng miếng bánh, mà còn tạo ra được một cơ chế "bảo quản" và phân phối nó hiệu quả. Nó bắt đầu khi mỗi người nghĩ lại về phần của mình trong đó, cảm thấy rõ sự bất bình đẳng (nếu có) nảy sinh và tìm cách vá lại các lỗ hổng. Nhiều cá nhân sẽ tạo thành tinh thần của một xã hội.

Ban Cầm
.
.
.