Không ai bị bỏ lại phía sau

Chủ Nhật, 07/06/2020, 08:31
Đó là cam kết của đại diện các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Vaccine Toàn cầu do Anh chủ trì diễn ra hôm 4/6.


Bên cạnh đó, Hội nghị cũng kêu gọi được 8,8 tỉ USD tiền đóng góp nhằm sản xuất các loại vaccine phòng chống bệnh sởi, bại liệt và bạch hầu cho hơn 300 triệu trẻ em tại nước nghèo nhất thế giới trong thời gian từ năm 2021-2025, đồng thời giúp thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Số tiền này đã vượt xa mục tiêu 7,4 tỷ USD được đề ra ban đầu.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành thế giới và vaccine là hi vọng lớn nhất để ngăn chặn đại dịch, thu hút sự tham gia của đại diện đến từ 52 quốc gia, trong đó có 35 nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo của tổ chức y tế toàn cầu, khu vực tư nhân, nhà sản xuất vaccine. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, sự đóng góp quý giá này sẽ giúp cứu mạng sống của hàng triệu người trên thế giới: “Những người được tiêm vaccine sẽ bảo vệ cho chính họ và phần còn lại của thế giới bằng việc giảm các rủi ro và nguy cơ lây lan bệnh dịch. Hoạt động của Liên minh Vaccine toàn cầu (GAVI) là lá chắn mạnh mẽ nhất chống lại sự bùng phát của dịch bệnh. Nỗ lực của chúng ta tại hội nghị này sẽ giúp cứu sống hơn 8 triệu người. Hành động của tôi, của bạn, sẽ hỗ trợ hệ thống y tế thế giới ở những nước nghèo nhất - vốn đang đối mặt với hậu quả của dịch COVID-19”. 
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh vaccine toàn cầu 2020. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh: “Trước tiên, chúng ta hãy tìm những cách an toàn để tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng, ngay cả khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thứ 2 là hãy sử dụng các mạng lưới phân phối vaccine để cung cấp các dịch vụ y tế quan trọng khác. Và thứ ba, vaccine COVID-19 được bào chế thành công sẽ đến được với tất cả mọi người. Bệnh dịch không phân biệt biên giới. Việc hỗ trợ Liên minh Vaccine toàn cầu sẽ đảm bảo chúng ta tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững”.

Số tiền đóng góp vượt dự kiến và lần đầu tiên chứng kiến một số quốc gia như: Bhutan, Burkina Faso hay Hy Lạp... đóng góp cho Liên minh Vaccine toàn cầu. Một phần trong số tiền quyên góp sẽ được dùng để hỗ trợ hệ thống y tế trước tác động của đại dịch COVID-19 và duy trì cơ sở hạ tầng cần thiết để bào chế vaccine ngừa COVID-19. 

Số tiền cam kết đóng góp đạt được tại Hội nghị vượt quá mục tiêu mong đợi đã cho thấy tầm quan trọng và sự cấp thiết của thế giới trong việc bào chế các loại vaccine ngừa những dịch bệnh nguy hiểm, cũng như khẳng định cam kết của các nước về việc mọi người dân trên thế giới đều có quyền tiếp cận các loại vaccine một cách công bằng và cân bằng. 

Số tiền đóng góp từ hơn 32 nước cùng nhiều tổ chức trên thế giới nhằm sản xuất các loại vaccine phòng chống bệnh sởi, bại liệt và bạch hầu cho hơn 300 triệu trẻ em tại nước nghèo nhất thế giới trong thời gian từ năm 2021-2025, đồng thời giúp thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Các tổ chức y tế cảnh báo, 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi đang đối mặt với rủi ro dịch bệnh khi các chương trình tiêm chủng bị gián đoạn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài các cam kết đóng góp tài chính, một trong những điều được quan tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh Vaccine toàn cầu lần này là vấn đề chia sẻ vaccine công bằng và cân bằng giữa các quốc gia. Hiện có nhiều lo ngại vì lợi ích riêng, các nước phát triển hay các tập đoàn dược phẩm lớn có thể khiến nhóm người dân yếu thế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, không thể hoặc chậm được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, nếu được bào chế thành công. 

Tuy nhiên tại hội nghị, tất cả các nước đều đưa ra cam kết trách nhiệm về việc đảm bảo mọi người trên thế giới đều có quyền bình đẳng tiếp cận các loại vaccine. Để thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, Hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh hôm qua cho biết đã đạt được thỏa thuận, nhằm tăng gấp đôi khả năng cung cấp vaccine ngừa COVID-19, lên 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 nếu được bào chế thành công, nhằm hỗ trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp. 

Hiện, đang có một cuộc đua “tỷ đô” giữa các quốc gia để sở hữu những lô hàng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trong bối cảnh hoạt động bào chế đạt được kết quả tích cực. Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng, để có được vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả phải mất từ 12 đến 18 tháng.

Trong khi thế giới đang tập trung ứng phó COVID-19, GAVI, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, đại dịch đang làm gián đoạn nhiều chương trình tiêm chủng quan trọng khiến 80 triệu trẻ em dưới một tuổi đang phải đối mặt với các dịch bệnh nguy hiểm. 

Theo các chuyên gia y tế, nếu thế giới để virus SARS-CoV-2 lây lan tại các nước đang phát triển thì trong tương lai làn sóng lây nhiễm có thể sẽ lan tới các nước phát triển. Nếu một loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 một cách an toàn và có hiệu quả ra đời thì GAVI sẽ đóng vai trò phân phối vaccine khắp thế giới. 

Châu Âu, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, vẫn đang tìm giải pháp ứng phó với dịch bệnh khó lường này, trong đó có mục tiêu phát triển vaccine. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) phải giữ vai trò lãnh đạo và tham gia nhiều hơn về mặt tài chính. 

Ông khẳng định, đây sẽ là một trong những ưu tiên của Đức khi nước này tiếp nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của EU từ ngày 1-7 tới. Berlin và Paris đã nhất trí thúc đẩy năng lực nghiên cứu, phát triển vaccine và phương pháp điều trị COVID-19, thiết lập các kho dự trữ chiến lược chung sản phẩm y tế, tăng cường năng lực sản xuất những sản phẩm này tại EU.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.