Mùa vải bão dông

Thứ Sáu, 02/07/2021, 14:33
Cơn bão COVID-19 lại ào tới và quét qua tỉnh Bắc Giang, đồng đất Lục Ngạn - thủ phủ của vải thiều nín thở chờ đợi và hy vọng một điều may mắn sẽ đến để an toàn qua vụ vải, vụ mỳ. Nhưng, ông trời thử thách người dân nơi đây, khi quả vải đỏ hồng khắp Lục Ngạn thì cũng là lúc xuất hiện ổ dịch mới, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lục Ngạn kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, giãn cách xã hội 13 xã trong huyện…


Dù COVID, vẫn chăm vải đến cùng

Tin huyện Lục Ngạn xuất hiện ổ dịch COVID-19 mới, 13 xã của huyện phải thực hiện giãn cách xã hội như sét đánh bên tai đối với người dân nơi đây giữa lúc vải đang vào vụ. Vậy là điều lo lắng đã xảy ra, sự căng thẳng nín thở chờ đợi đã vỡ tung, vụ vải đã không bình an trước cơn bão COVID-19 tàn khốc. Gần 10 giờ đêm, tôi vẫn bốc máy gọi cho một vài người dân xứ vải, bởi tôi biết vào thời điểm ngày mùa, dân trồng vải quay cuồng không phân biệt ngày đêm.

Vườn vải trồng theo kĩ thuật GlobalGAP xuất khẩu sang Nhật Bản của anh Hoàng Ngọc Thanh, xã Nam Dương, Lục Ngạn ứ đọng trong mùa dịch COVID-19.

“Anh vẫn đang trên đồi Hố Léc để tưới vải đây cô ơi. Mấy ngày nay nắng gắt, buổi tối và đêm phải tưới đẫm nước để cây bớt nóng, lá bớt héo và quả vải giữ được độ tươi. Dù biết là rất khó có thể bán vải được trong tình hình COVID-19 thế này nhưng anh vẫn phải chăm quả vải đến cùng”, anh Thanh - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã trồng vải hữu cơ Vân Hồ ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vừa tưới vải vừa bắt máy nói chuyện với tôi. Qua điện thoại, tôi vẫn nghe thấy tiếng nước phun xối xả, có lúc át cả tiếng người trầm buồn, rệu rã. Anh Thanh bảo, mấy hôm nay, khi xứ vải Lục Ngạn xuất hiện nhiều ca mắc SARS-CoV-2, nhịp điệu thu hoạch và giao thương đã chệch choạc, đầy lo âu. Tối 18-6, tại xã Nam Dương xuất hiện ca dương tính thì việc buôn bán vải trên địa bàn xã gần như tê liệt. Anh có hơn 300 gốc vải, dự tính thu hoạch được khoảng 8 tấn nhưng mới chỉ kịp bán được một nửa. Niềm vui chưa được bao lâu khi mới năm ngoái mã vải trồng trên đồi Hố Léc của anh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản và thị trường EU, năm nay, quả vải cũng đang hứa hẹn đi xa thì giờ sắp thối rụng ở góc vườn.

Bằng giờ năm ngoái, vượt quãng đường 120km, tôi về đất Lục Ngạn đúng mùa vải chín. Từ trục đường chính đến đường xã thôn, từ trong vườn nhà lên trên đồi đều rực màu vải chín. Tôi đã được anh Thanh đưa lên đồi Hố Léc - “đặc khu” của vải thiều, mê mẩn trước vườn vải sai trĩu và sạch tinh, không rác thải, không động vật nuôi.

Chỉ cách đây 2 ngày thôi, đường về huyện Lục Ngạn còn chật kín xe ôtô, xe máy của thương lái đi thu mua vải. Vậy mà giờ đây mọi ngả đường đều vắng tanh, chỉ còn các chốt kiểm soát dịch bệnh đặt ở các xã khiến không khí thêm căng thẳng. Chị Đào Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất mỳ thôn Trại Lâm, xã Nam Dương cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch vải dịp này. Vườn vải hơn một mẫu của chị Hương ước tính sản lượng khoảng 10 tấn mới chỉ kịp bán được 600kg. “Giờ thì phải xác định chấp nhận đau thương, bỏ vườn vải để thực hiện nghiêm việc giãn cách để chống COVID-19. Nhà nào ở yên nhà nấy, vải vườn nào ở yên vườn ấy rồi cô ơi”, giọng chị Hương gần như mếu.

Có lẽ chưa bao giờ người dân Lục Ngạn lại trải qua những ngày mùa tĩnh lặng một cách đáng sợ như những ngày qua. Họ thèm cảm giác bận mải quên ngày quên đêm, ăn uống thất thường, nhà nhà thức đêm hái vải, bó vải thành chùm hay sơ chế đóng thùng xuất đi. Chưa bao giờ như bây giờ, người Lục Ngạn mong trời bớt nắng nóng để hãm quả chín, vài tuần nữa dịch đi qua vẫn còn vải bán, cố vớt vát chút vốn liếng bỏ ra cả một mùa. Nhưng, quả vải vô tư, cứ mọng nước, ngọt lịm và hồng rực cả vườn dưới nắng hè oi ả. Nhìn cả vườn vải sai trĩu mà chị Hương như ngồi trên đống lửa, càng sốt ruột, càng tiếc xót cả một năm chăm vải vất vả khổ ải, vốn liếng đổ xuống sông xuống biển.

Không có người đến thu mua vải nhưng đã thành quen, cứ 3 giờ sáng là cả nhà chị Hương lại trở dậy, ai nấy đều đeo chiếc đèn pin lên đầu, khăn quấn kín mặt ra vườn thu hoạch vải. Mọi năm, huy động cả nhà vẫn không đủ nhân lực hái vải, chị còn phải thuê thêm nhân công. Năm nay, cả đống vải hái về chất trước sân nhà mà không có xe đến mua, chị đưa vải vào sấy khô. Sấy không xuể, chị đành lòng bỏ mặc cho quả vải chín nẫu và rụng đầy gốc. Lòng người trồng vải cũng đang nẫu ra như quả vải kia. Ngày 20-6, chị quyết định cưa cành vải đến sát gốc để lấy gỗ phục vụ lò tráng mỳ chũ. Nghe tiếng cưa máy ào ào ngoài vườn, chị Hương tiếc xót đến đứt ruột...

Sợi nhớ sợi thương

Chả riêng gì vườn vải sôi hỏng bỏng không mà cũng đã hơn một tháng nay Hợp tác xã sản xuất mì cũng đã dừng hoạt động do COVID-19. Nhiều đơn hàng từ khắp các vùng trong cả nước nhưng không thể chuyển chở vì Bắc Giang đang là tâm dịch, mỳ bị ùn ứ chất đống trong nhà.

Vải không bán được, gia đình chị Hương đem sấy khô trong nhà màng.

Chị Hương cười buồn nói với tôi rằng, đã hơn 10 năm đeo đuổi nghề truyền thống tráng mì Chũ, tổng kết lại, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều vô kể. Khi chị về làm dâu ở thôn Trại Lâm, xã Nam Dương, nghề tráng mì Chũ đã là nghề cha truyền con nối đã bao đời nay ở vùng đất này. Mẹ chồng chị - bà Phạm Thị Thuỳ khi xưa từng làm nghề tráng mì Chũ. Thời xưa, việc tráng mì hoàn toàn thủ công, xay bằng cối đá, tráng bằng vạc, thái mì bằng dao thái thuốc, cả ngày quần quật cũng chỉ tráng được 5-7 cân bột. Khó khăn vất vả quá, bà Thùy bỏ nghề chuyển sang đan lát, nghề làm mì chũ mai một dần.

Khi nhiều người bỏ lò tráng để chuyển sang nghề khác thì chị Hương lại muốn nối lại nghề xưa của mẹ chồng. Lúc đầu chị xin tráng thuê cho các lò tráng mì để học kinh nghiệm. Rồi vợ chồng chị mở lò tráng sản xuất mì chũ chất lượng cao để làm hài lòng người tiêu dùng khó tính. Muốn vậy, thì công đoạn tuyển chọn nguyên liệu làm mì phải thật khắt khe. 

Chị đặt mua loại gạo bao thai hồng ngon nức tiếng, mang về nhặt sạch, vo kỹ và ngâm 8 tiếng. Sau đó, gạo được đem xay nhuyễn thành thứ bột trắng tinh, sánh và dẻo, lọc đi lọc lại nhiều lần và ủ qua đêm. Sáng hôm sau, người thợ làm mỳ sẽ bắt tay vào tráng bánh - công đoạn rất quan trọng khi phải giữ nhiệt độ hơi nước phù hợp với độ mỏng của lớp bột trên khuôn, đảm bảo cho bánh đạt độ chín phồng, trong suốt thì mì mới dẻo và dai. Những mẻ mì sau khi tráng sẽ được bóc ra, đặt lên giàn, đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Chị Đào Thị Hương đã thử nghiệm và sản xuất thành công mì rau củ quả ngũ sắc.

“Nghề tráng mì vất vả, quanh năm trông trời, trông đất, trông mây, giờ lại trông cả COVID-19 nữa cô ơi”, chị vẫn tếu táo đùa. Để phơi được những sợi mì trắng trong, khô ráo không hề đơn giản. Bởi khi thấy bóng mây là lòng đã thấp thỏm không yên, khi bầu trời nặng nặng là cuống quýt chạy giàn phơi mì. Thế mà nhiều lúc không lường hết được sự thất thường của ông trời. Sáng thấy nắng, đem mì ra phơi, vậy mà chỉ lúc sau, cơn mưa xối xả đổ xuống, cả giàn mỳ phơi đầy khoảng đất rộng hơn một mẫu bị nước mưa xối xuống, bỏ đi cả loạt, tiếc phát khóc nhưng cũng đành chịu.

Để giải phóng sức lao động, chị từng bước đưa máy móc vào tráng mì. Chỉ tráng mì chũ truyền thống từ bột gạo thôi chưa đủ. Còn nhiều loại bột từ rau chủ khác, mà đã là bột ắt sẽ thành mì, nghĩ thế, chị Hương đã mày mò thử nghiệm. Gạo lứt, rau chùm ngây, vừng đen, đỗ đen chị cũng làm mì, rồi đến khoai lang tím, khoai tây, hạt điều đỏ, mùa gấc đều thành mì cả. Vì làm từ rau củ tươi nên ban đầu bột bị mốc, hỏng là... chuyện thường ngày ở lò tráng. Không biết bao nhiêu lần thất bại, làm lại, rồi có khi lại hỏng, lại làm. 

Giờ gom lại, có khi chị đã phải đổ bỏ cả tấn gạo làm mì cùng một lượng rau củ quả lớn, tính ra tiền không phải là ít. Đã nhiều lúc chị định bỏ cuộc nhưng rồi tiếc nghề, lại cố gắng tìm tòi, rút kinh nghiệm. Dần dần chị đã làm được mì rau củ ngũ sắc được khách hàng ưa chuộng như hiện nay. Nhìn những giàn mì đủ màu sắc phơi dưới nắng, mỳ tím từ khoai, mỳ nâu từ gạo lứt, mỳ đỏ từ gấc, từ củ dền, màu xanh từ lá chùm ngây..., tôi gọi đó là bảng màu của đồng đất quê hương do chị vẽ nên.

Giờ thì chị là người đứng mũi chịu sào lo cho cả hợp tác xã sản xuất mì, có thể tráng đến 7 tạ mì/ ngày. Bà Thùy không thể nghĩ rằng có ngày con dâu bà lại tiếp nối thành công nghề của bà khi xưa. Giống như quả vải thiều Lục Ngạn đã “vượt vũ môn” vào thị trường Nhật Bản, sợi mì của chị Hương cũng đã đi xa. Để phía Nhật Bản chấp thuận và đưa sản phẩm mỳ vào tiêu thụ ở thị trường này, chị và hợp tác xã đã phải mất 4 năm (từ 2016 đến 2019) để hoàn thiện nhiều công đoạn, từ việc đáp ứng chất lượng sản phẩm đến quy cách đóng gói, thiết kế bao bì.

Đầu năm nay, chị Hương chắt chiu vốn liếng xây dựng nhà màng hiện đại rộng 500m2, tận dụng nhiệt mặt trời để phơi sấy mì. Nào ngờ, nhà màng vừa hoàn thành thì dịch COVID-19 ập đến Bắc Giang, nhà màng để rỗi. Giờ cả vườn vải không bán được, chị túc tắc hái quả đưa vào nhà màng sấy khô, được chút nào hay chút ấy. Hỏi chị rằng, khó khăn thế, liệu chị có chuyển nghề khác không? Người phụ nữ thôn Trại Lâm lắc đầu, bởi chị đã gắn bó và miệt mài với lúa gạo bao năm nay, làm sao mà từ bỏ dễ dàng thế được. Giờ đây với chị, mỗi sợi mì đã thành sợi nhớ sợi thương của đồng đất quê hương... 

Huyền Châm
.
.
.