Miền Tây của lịch sử Việt Nam

Thứ Tư, 03/06/2020, 07:08
Một trong những vùng lịch sử đầy phức tạp, từng thu hút trí trưởng tượng, sự phiêu lưu, mạo hiểm và cả giấc mơ đổi đời của người Việt, người Hoa... chính là miền Tây Nam bộ, một khu vực trải rộng khoảng 15.000 km2 từ Châu Đốc tới bán đảo Cà Mau...

U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường

Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.

Lịch sử Việt Nam truyền thống được viết từ các cửa sổ hoàng cung. Đó là những câu chuyện biên soạn, chỉnh sửa và khắc in ở trong hoàng thành. Hiển nhiên, đó là những lịch sử từ trên xuống dưới góc nhìn của nhà nước.

Xã hội con người trong quá khứ rõ ràng là đa dạng hơn rất nhiều, với nhiều góc cạnh, điểm nhìn và các thức các câu chuyện được kể lại. Một trong những vùng lịch sử đầy phức tạp, từng thu hút trí trưởng tượng, sự phiêu lưu, mạo hiểm và cả giấc mơ đổi đời của người Việt, người Hoa... chính là miền Tây Nam bộ, một khu vực trải rộng khoảng 15.000 km2 từ Châu Đốc tới bán đảo Cà Mau.

Giống như miền Tây trong lịch sử nước Mỹ, nơi ẩn giấu nhiều cuộc phiêu lưu, cơ hội, bạo lực và tính năng động xã hội, miền Tây của lịch sử Việt Nam là thiên đường của dân di cư, cướp biển, các hội kín, buôn lậu và tệ nạn xã hội. Không gian này được mở rộng không chỉ khu vực phía Tây sông Hậu mà còn kéo dài tới Kampot, Kompong Som (Cambodia) và vùng duyên hải Rayong, Chanthaburi, Trat... của Thái Lan.

Có 4 yếu tố chịu trách nhiệm cho tình trạng này, đó là:

Thứ nhất là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên lý tưởng cho một thế giới năng động của những người phiêu lưu bên ngoài vòng pháp luật. Các kênh, rạch, giồng, sình lầy, rừng rậm, hải đảo... của bán đảo Cà Mau, rừng U Minh, Rạch Giá-Kiên Giang, vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Hà Tiên-Châu Đốc là những thế giới mà bàn tay của quyền lực nhà nước khó thâm nhập.

Thứ hai là tính chất mở của không gian dân cư, địa chính trị. Vùng đất này chào đón nhiều nhóm cư dân khác nhau với nhiều lí do di cư và tụ hợp trên một không gian đường biên mở đa dạng.

Điều thú vị là đường biên này, từ thế XVII trở thành không gian trung tâm của một trong các không gian kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á và châu Á.

Thứ ba, đa dạng dân tộc, tôn giáo thúc đẩy tính năng động và sự phức tạp của vùng đất này. Lấy tỉnh Sóc Trăng vào năm 1904 làm ví dụ (ảnh 1).

Tại thành phố Sóc Trăng (1904) có 50 người Âu, 771 người Việt, 600 người Hoa và 30 người Ấn (Engelbert 2007). Bản thân người Hoa ở hạ lưu Mekong cũng là một khái niệm phức tạp. Người Hoa tới vào giai đoạn nào? Đi theo đường nào? Và đã hòa nhập tới mức độ nào vào xã hội Việt sẽ quyết định hệ phân loại của họ. Riêng thống kê của người Pháp năm 1904 cho thấy ít nhất có 3 nhóm Hoa. Hoa tới Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, trở thành Minh Hương thì xếp chung với Việt. Người Cambodia gốc Hoa là nhóm thứ hai và người Hoa di cư ở giai đoạn sau là nhóm thứ ba. Những người này lại được phân thành nhiều nhánh theo ngôn ngữ và nguồn gốc di cư.

Thứ tư, sự suy yếu của hệ thống hành chính nhà nước trên khu vực này, dù là người Khmer, Việt hay Xiêm thì đây vẫn là một vùng trũng của quyền lực nhà nước.

Câu chuyện miền Tây gắn với một thời đại chưa xa của lịch sử Việt Nam. Ngày nay cướp biển có vẻ là một khái niệm xa lạ với phần lớn người Việt, tuy nhiên dọc theo đường bờ biển hơn 3.000 km với nhiều vũng vịnh, đầm phá, cửa sông, vùng ngập nước, rừng rậm, các quần đảo... là thế giới của cướp biển và các hoạt động phi pháp. Vào thế kỷ XIX, vùng Giang Bình, các quần đảo ở Hải Phòng, Quảng Ninh, khu vực cửa sông Hồng, duyên hải Thanh-Nghệ, khu vực xung quanh Côn Đảo, vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc là các điểm nóng của cướp biển.

Từ Côn Đảo đến Thổ Chu là thế giới hàng hải quan trọng kết nối vùng vịnh Thái Lan với Biển Đông từ thế kỷ XVII-XVIII, tuy nhiên cướp biển và di cư trên khu vực này cũng trở thành nỗi ám ảnh của các chính quyền chúa Nguyễn, Tây Sơn, vương triều Nguyễn, chính quyền thực dân Pháp và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Bản thân những tướng lĩnh triều Minh trôi dạt trên biển trước khi tới xin chúa Nguyễn cho khai phá vùng hạ lưu Mekong vào cuối thế kỷ XVII cũng ít nhiều gắn kết hoạt động của mình với bạo lực và cướp biển. Thực tế là họ sẽ tiếp tục bảo kê cho buôn lậu lúa gạo, đánh bạc, thuốc phiện và tàn sát lẫn nhau ngay cả khi đã xác lập dọc theo sông Mekong (Cooke and Li 2004).

Một thương nhân người Hoa khác tới Hà Tiên là Mạc Cửu, người đã tạo dựng sự giàu có và danh tiếng của mình với việc xây dựng sòng bạc. Mạc Cửu sẽ phải cạnh tranh với nhiều mạng lưới người Hoa khác, gồm những người khai mỏ thiếc trên bán đảo Malay và những người Hoa thuộc nhóm Phya Taksin (người sáng lập vương triều Thonburi, Thái Lan). Thực tế, Hà Tiên sẽ bị tấn công bởi nhiều nhóm người Hoa cạnh tranh ở giai đoạn sau.

Cũng chính khung cảnh miền Tây đã giúp Nguyễn Phúc Ánh và gia đình ông thoát cuộc truy lùng của Tây Sơn. Chính các mối liên hệ của ông với thế giới năng động này, từ cướp biển, dân phiêu lưu tới các thương nhân, cha đạo và lính đánh thuê nước ngoài đã từng bước đưa ông tới với quyền lực ở Việt Nam.

Sau khi Việt Nam được thống nhất vào năm 1802, việc quản lí vùng duyên hải này cũng không hề dễ dàng. Biên niên sử Huế thường xuyên ghi chép về cướp biển Chà Và [Java, chỉ cướp biển người Malay]. Điều này buộc Huế phải lập đồn bảo tại Phú Quốc và nhiều hòn đảo khác, cũng như thường xuyên cho hạm đội đi tuần trong vịnh Thái Lan.

Khi người Pháp xác lập hệ thống hành chính tại khu vực này từ nửa sau thế kỷ XIX, miền Tây cũng sẽ làm cho họ lao tâm khổ tứ. Sự gia tăng kiểm soát của họ đối với thuốc phiện, rượu, muối... thúc đẩy buôn lậu và các hoạt động phi pháp và chống đối. Khi người Pháp lập các đồn điền, nhu cầu công nhân gia tăng và các hội kín người Hoa bắt đầu tuyển người và đưa xuống các thuộc địa châu Âu ở phía Nam. Thượng Hải, Quảng Đông, Hải Nam, Hong Kong, Chợ Lớn, Bangkok, Singapore, Penang là các đầu mối của mạng lưới di cư, hội kín, tôn giáo, buôn lậu, cướp biển và buôn bán thuốc phiện.

Chính vì vị trí trung gian của hạ lưu Mekong, các nhóm người Hoa và Việt lợi dụng các tuyến thương mại hàng hải và sự không thống nhất của hệ thống thuộc địa châu Âu để cướp bóc thuyền buôn. Thống đốc Nam Kỳ đã cảnh báo về các băng nhóm có vũ trang tại khu vực miền Tây trong nhiều thập niên. Vào năm 1895 chẳng hạn, các nhóm này chặn cướp các thuyền buôn đi qua đây để vào Chợ Lớn. Người Pháp cũng ghi nhận một cơn lũ của các di cư người Hoa từ Hong Kong sau khi chính quyền Pháp dỡ bỏ việc cấm di cư từ các thuộc địa của Anh. Chỉ trong vòng 2 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1893, 700 người Hoa đã tới Sóc Trăng. Trong năm đó, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ trở thành điểm nóng của nạn trộm cướp (Engelbert 2007).

Hoạt động của các băng nhóm này cũng gắn chặt với mùa vụ và hoạt động xuất khẩu lúa gạo - là một nguồn thu quan trọng của Nam Kỳ. Ghi chép của chính quyền thuộc địa đề cập tới các cuộc tấn công vũ trang của các nhóm người Hoa vào chợ Ô Môn (Cần Thơ), Bến Tre, Sóc Trăng... và làn sóng bạo lực gia tăng với các cuộc di cư của người Hoa và Việt.

Thuế thuốc phiện ở Nam kỳ (1860-1890), đơn vị; dollars (Nankoe, Gerlus, and Murray 1993).

Các băng đảng người Việt cũng là những nỗi ám ảnh về an ninh không kém. Tại Rạch Giá vào những năm đầu thế kỷ XX, nhóm vũ trang của Lê Văn Lợi là một mối đe dọa với chính quyền thuộc địa. Những người này khống chế huyện Gò Quao, kiểm soát các con sông và đường thủy và làm cho chính quyền thuộc địa đau đầu.

Việc buôn bán thuốc phiện là một trong các hoạt động đưa lại mối lợi lớn cho cả người Hoa và người Pháp. Một hội quán người Hoa đã đứng ra đấu thầu thuế thuốc phiện 210.181 dollars/năm (giai đoạn 1865-1867). Tới năm 1869, số tiền mà người Hoa trả cho Pháp là 380.181 dollars/năm. Biểu đồ dưới đây cho thấy nguồn thu từ thuốc phiện này (ảnh 2).

Miền Tây Nam bộ nằm ở điểm trung chuyển của các dòng hàng hải này và di cư của người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến, Hong Kong xuống phía Nam. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hoạt động của Thiên Địa Hội lại đặc biệt sôi động và làm cho người Pháp lo ngại.

Hoạt động của họ trong những năm 1870-1880 là một mối đe dọa an ninh lớn của chính quyền thực dân cũng như xã hội Nam Kỳ. Thiên Địa Hội là một hội kín tập hợp những người có tư tưởng chính trị phản Thanh phục Minh ở Trung Quốc, song dần dần biến thành các nhóm tội phạm và bạo lực có tổ chức, phân nhánh, di cư, phát triển tại nhiều quốc gia khác nhau.

Tại miền Tây và vùng Chợ Lớn, các hội kín này tham gia vào hoạt động tội phạm có tổ chức ở 3 hoạt động chính là đánh bạc, tổ chức hút thuộc phiện và mại dâm. Điều này làm cho thống đốc dân sự đầu tiên của Nam Kỳ, Le Myre de Vilers phải có chính sách quyết liệt với người Hoa. Để hạn chế quyền lực kinh tế của Thiên Địa Hội, viên chức này dùng độc quyền thuốc phiện của Pháp để thay thế cho việc thầu thuế của người Hoa. Trong 2 năn sau đó, chính sách của Le Myre de Vilers đã gây ra nhiều cuộc nổi dậy và bạo lực tại Sóc Trăng.

Không lùi bước, chính quyền Pháp tiếp tục tấn công vào các nhóm người Hoa bằng việc yêu cầu họ nộp tiền duy trì an ninh. Các hội quán Triều Châu ở Chợ Lớn, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long phải đóng 5.000 đồng Đông Dương, tại Sóc Trăng lầ 3.000. Riêng tại làng Tân Quới, số tiền phạt là 2.000 vì hoạt động của người Hoa được chứng minh gắn với Thiên Địa Hội. 

Tuy nhiên, người Hoa vẫn sẽ tiếp tục là một thế lực lớn trong các hoạt động kinh tế phi pháp và miền Tây vẫn là một điểm nóng trong suốt thời kỳ thuộc địa, cho tới khi Ngô Đình Diệm huy động quân đội trấn áp các giáo phái, các nhóm quân sự địa phương và các hoạt động kinh tế bất hợp pháp của người Hoa, Việt...

Một điểm đáng chú ý khác nữa của không gian miền Tây này chính là địa bàn sinh trưởng của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng và thực hành tư tưởng đã khởi phát như Bửu Sơn Kỳ Hương, hội kín Nam Kỳ, Hòa Hảo, hay sự xuất hiện của Bà Chúa Xứ núi Sam... Sự sôi động kinh tế, văn hóa, tộc người... đã làm nảy nở sự sôi động tôn giáo và các ý tưởng chính trị vùng miền. Đây là điều quan trọng mà bất cứ người quản trị nhà nước nào cũng nên hiểu rõ trước khi xác lập quyền lực hành chính lên mảnh đất này. 

Cuối cùng, nếu như nhiều độc giả biết đến American West là khái niệm chỉ vùng viễn Tây rộng lớn, dân thưa, với vàng, giấc mơ, tính năng động của vùng biên và bạo lực xã hội thì đã đến lúc cần có những góc nhìn mới về một “miền Viễn Tây” của lịch sử Việt Nam - nơi cũng chứa đầy nhưng giấc mơ, tính năng động và các cuộc phiêu lưu, nơi đã làm đau đầu các nhà cai trị từ chúa Nguyễn cho tới chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nước Việt Nam thành lập riêng một cơ quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Cũng như quản trị nhà nước với vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, lịch sử và di sản lịch sử sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình mọi chính sách, chủ trương đối với các khu vực này.

Vũ Đức Liêm
.
.
.