Tìm hướng đi mới cho thị trường nông sản ở miền Tây

Thứ Bảy, 14/03/2020, 07:38
Từ sau Tết Nguyên đán 2020, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều loại nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rớt giá mạnh do không thể xuất khẩu qua Trung Quốc. Trước tình hình này, nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) đã tìm hướng đi mới.


Trước đó, 70% sản lượng của HTX chôm chôm Bình Hoà Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) được xuất khẩu qua Trung Quốc. Những năm trước việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch thuận lợi nên giá chôm chôm được thương lái thu mua trên 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, do dịch bệnh COVID-19, việc thông quan ở các cửa khẩu trở ngại ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có chôm chôm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hoà Phước, chôm chôm của các xã viên đang tới mùa thu hoạch, tổng cộng còn khoảng 200 tấn không thể nào tiêu thụ hết trong nội địa do đang đụng hàng với nhiều loại trái cây khác.

Vừa qua, có đối tác ở Đồng Tháp họ yêu cầu gửi 65kg để kiểm tra thử nhằm xuất khẩu sang Dubai do chôm chôm trong HTX có chứng nhận GlobalGAP. Hy vọng sẽ được chấp thuận để giải quyết đầu ra hiện nay, không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Nông dân thu hoạch bưởi năm roi ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng khoai lang toàn tỉnh khoảng 14.500ha, tập trung chủ yếu tại huyện Bình Tân. Hiện nay, khoai lang chưa được đưa vào danh mục hàng xuất khẩu sang Trung Quốc theo diện chính ngạch.

Vì vậy, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Long làm văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đàm phán phía Trung Quốc sớm đưa khoai lang vào danh mục mặt hàng xuất khẩu. Nếu được như vậy thì Trung Quốc sẽ cung cấp mẫu để doanh nghiệp kê khai nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, mã hàng để khoai lang xuất khẩu chính ngạch.

Nhiều năm trước, vú sữa tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đều bán cho thương lái và thường bị ép giá. Tuy nhiên, từ khi HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) hình thành và kết hợp với doanh nghiệp trồng vú sữa theo hướng VietGAP, tiến hành bao trái thì giá vú sữa luôn ổn định, các xã viên đều có lợi nhuận sau mỗi mùa vụ.

Ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ ấp Trường Khương A), hồ hởi: “Tôi có 10 công đất (1.000m2/công) vườn trồng vú sữa theo chuẩn VietGAP vừa thu hoạch với giá bán thấp nhất 20.000 đồng/kg thu về lợi nhuận 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các vụ trước. Làm theo quy trình VietGAP mất công nhiều hơn do phải bọc từng trái nhưng bù lại công ty thu mua giá cao hơn thị trường. Do vậy, các thương lái bên ngoài cũng nâng giá lên, không còn cảnh bị ép giá như trước”. Chính nhờ kiên trì sản xuất theo hướng sạch mà vừa qua HTX này đã xuất khẩu được vú sữa sang thị trường khó tính là Mỹ.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ trái cây, giá bán các loại trái cây, nhất là trái thanh long sụt giảm mạnh. Tỉnh Tiền Giang đã đưa ra các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tổ chức chương trình bán thanh long cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang tổ chức kết nối hệ thống thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, các chợ truyền thống ở trong và ngoài tỉnh.

Ngày 11/3, Đoàn công tác Liên minh HTX Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về việc nghiên cứu, thực hiện Đề án đầu tư phát triển chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long tại Tiền Giang đến năm 2025.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết tỉnh đang mong đợi và mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến.

 Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam mong muốn xây dựng chuỗi từ trồng, chế biến đến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước trên cây thanh long. Để làm được điều này cần có sự hợp tác, ủng hộ của UBND các tỉnh, các ngành và có doanh nghiệp lớn làm đầu kéo, đủ sức tiếp thị các thị trường lớn kể cả sản phẩm chế biến và tươi.

Như Anh
.
.
.