Kẻ nhét những chính trị gia trong túi

Thứ Sáu, 31/05/2019, 19:27
Ngày 18-2-1973, một đám tang lặng lẽ diễn ra tại nghĩa trang St Michael, quận Queen, ngoại ô New York. Đám tang được cử hành hết sức đơn giản, với chỉ một linh mục đọc lời cầu nguyện bên quan tài người quá cố, trước mặt người góa phụ.


Không phô trương, không ầm ĩ, mọi việc diễn ra nhanh nhất có thể. Ngay cả những nhân viên phục vụ cũng khó hình dung được người vừa nằm xuống ấy lại là một ông trùm tội ác khét tiếng đến thế nào. Cho dù, người ta có đọc thấy cái tên Frank Costello.

"Ngài thủ tướng"

Biệt danh ấy có lẽ đã đủ gợi lên cả uy quyền lẫn hành trạng của Frank Costello trong thế giới ngầm nước Mỹ, những năm đầu thế kỷ XX. 

Nói một cách chính xác, Frank Costello là một trong những ông trùm giàu quyền lực nhất trong lịch sử nước Mỹ. Y thậm chí đã từng nắm vai trò lãnh đạo gia đình Luciano, một trong năm gia đình mafia lãnh đạo giới tội phạm có tổ chức tại New York.

Song, điểm khác biệt của Frank Costello trên đỉnh cao so với những "bố già" lừng lẫy khác, theo nhà nghiên cứu Lauren Carter - tác giả cuốn Những tên tội phạm khét tiếng nhất lịch sử (The most evil mobsters in history), là việc y thiên về ủng hộ xu hướng hành động phi bạo lực. 

Thời trai trẻ.

Costello tin rằng việc giết chóc chỉ nên được sử dụng trong những trường hợp thực sự đặc biệt, như biện pháp trừng phạt cao nhất cho hành vi phá vỡ các quy tắc thiêng liêng nhất của mafia Mỹ.

Vậy nên, Frank Costello tập trung trí lực vào "chuyện làm ăn", đặc biệt là các khoản doanh thu từ những chiếc máy đánh bạc, được đặt khắp nơi trong thành phố. 

Mỗi ngày, ít nhất Costello thu về 50.000 USD từ những chiếc máy ấy. Dĩ nhiên, y không giữ cho mình tất cả. Phần khá lớn trong đó được chi trả cho đàn em, và… giới cảnh sát cũng như các nhân viên công lực.

"Ngài thủ tướng" là người rất biết điều, biết "phóng tài hóa thu nhân tâm". Còn hơn thế, kể cả khi đã thừa sức làm những chuyện "nghiêng trời lệch đất", Frank Costello lại càng lúc càng nhẫn nại, càng lúc càng cố gắng lột xác, cố gắng trút bỏ quá khứ để trở thành một quý ông đích thực, lịch lãm, bảnh bao và "trung thực".

Chuyện kể lại rằng vào thời điểm năm 1933, New York có thị trưởng mới - Fiorello La Guardia - một người vô cùng cứng rắn với các hoạt động sòng bạc, người lên đài phát thanh kêu gọi "tống cổ những kẻ vô dụng khỏi thành phố" như một lời tuyên chiến kín đáo, để rồi lên kế hoạch và theo đuổi kế hoạch dẹp bỏ toàn bộ ngành kinh doanh máy đánh bạc. 

Frank Costello phản ứng như thế nào? "Ngài thủ tướng" gia nhập CLB Lakesville Country - một câu lạc bộ dành cho giới thượng lưu ở Long Island, đánh golf, kể những câu chuyện thú vị (đã được gọt giũa cẩn thận) về một quá khứ tương đối trong sạch, và khiến không một thành viên khác nào có thể nghĩ rằng người đang kể chuyện ấy lại chính là một "ông trùm" khét tiếng. 

Phát sầu với các nhà kho chứa đầy những chiếc máy đánh bạc phủ bụi, dưới thời La Guardia nắm quyền, nhưng Costello vẫn trung thành với "các giải pháp hòa bình". 

Cơ hội cuối cùng cũng tới. Huey Pierce Long, một chính trị gia thực dụng, mời Costello và những chiếc máy đánh bạc của y đến New Orleans. Cái giá phải trả chỉ là 40.000 USD dành cho quỹ từ thiện của thành phố. Quá rẻ cho việc hợp pháp hóa ngành kinh doanh béo bở này một lần nữa, và dĩ nhiên là "Ngài thủ tướng" gật đầu. Tiền lại bắt đầu chảy vào két của y.

Khởi đầu và kết thúc

Cái phong thái điềm tĩnh và quý phái ấy không ngẫu nhiên đến với Frank Costello. Sinh ngày 26-1-1891, trong bầu không khí đặc quánh một thứ hỗn hợp của nghèo đói, mê tín, lạc hậu và tinh thần bất chấp pháp luật của miền Calabria (nam Italy), cậu bé mang tên khai sinh Francesco Castiglia được cha mẹ đưa sang Mỹ trong một cái nồi sắt lót chăn. Điểm đến là một khu ổ chuột tại Harlem, Manhattan, New York.

7 tuổi, Francesco biết kiếm tiền. Cậu nhận nhóm lò hộ những người Do Thái trong ngày lễ Sabbath mà họ phải kiêng làm việc này, nhưng thay vì 1 xu tiền công như đề nghị, cậu đòi 5 xu. 

13 tuổi, Francesco bỏ học, bươn ra đường phố và tự đổi tên mình thành Frank Costello. Cậu nổi bật trong đám du côn, nhanh chóng trở thành kẻ bảo kê cho đám ăn cắp vặt. 

Chính trong thời gian này, hấp thụ các luồng "văn hóa thế giới ngầm" (từ các nhóm người nhập cư Italy, Ireland và Do Thái), Frank Costello đúc rút được một kinh nghiệm, một phương châm xuyên suốt: Ủng hộ một người nào đó cũng giống như gửi tiền đầu tư vào ngân hàng, sẽ đến lúc rút tiền ra được. Vấn đề cốt lõi chỉ là chọn cửa đầu tư thật sáng suốt.

Trên đỉnh cao quyền lực.

Dẫu sao, kể từ đó cho tới năm 1920 - khi Liên bang Hoa Kỳ chính thức áp đặt đạo luật Cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng rượu, Costello cũng vẫn phải "lấy số má" bằng việc sử dụng sức mạnh cơ bắp. Nhưng, kể từ thời điểm đó, "hoạn lộ" của y trong thế giới ngầm mới thực sự trải rộng. 

Bằng trí tuệ, sự nhạy bén cũng như độ xảo quyệt của mình, Frank mở rộng tối đa các mối quan hệ nhằm phục vụ hoạt động buôn rượu lậu. Y biết cả những tay đầu mối buôn bán cò con, lẫn những "đại lý" chuyên bỏ mối buôn. Y mở cả những quán bar được thiết kế đặc biệt, với hệ thống cảnh báo cũng như phi tang tinh xảo. 

Không bao giờ Costello xuất hiện trước mắt bạn hàng trong một bộ dạng đáng sợ. Những công việc bẩn thỉu đã có đàn em của y lo, và bạo lực cũng chỉ được sử dụng hết sức tiết chế. 

Mỗi lúc, Costello lại tiếp cận sâu thêm vào giới doanh nhân, trong khi vẫn duy trì ảnh hưởng của mình tại các nghiệp đoàn tội ác. Y sống tại một biệt thự sang trọng ở gần Central Park - khu vực thuộc về giới thượng lưu. 

Trong mạng lưới quan hệ của y, có những nhân vật tầm cỡ nhất New York: Những ông trùm tài phiệt phố Wall, các chính trị gia, các thẩm phán, luật sư, nhà báo, nghệ sĩ danh tiếng… Tất cả đều là những "món đầu tư" mà y chăm chút, ở phía cần được người đời nhìn thấy.

Phía kia, Costello phủ cái bóng khổng lồ của mình lên cả giới tội phạm. Ngày 4-11-1928, ông trùm Arthur Rothstein bị ám sát. Cơ nghiệp khổng lồ chia nửa. 

Lucky Luciano lừng danh giành lấy mảng cung ứng ma túy, trong khi Costello thỏa mãn với phần lãnh thổ dính dáng đến những chiếc máy đánh bạc. Ngay lập tức, y thể hiện mình là một nhà tổ chức đại tài, và thu nhiều tiền hơn cả lợi nhuận từ rượu lậu.

Thực ra, Costello đã mong muốn có thể phân chia lợi nhuận bất hợp pháp trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ cho mọi "gia đình" một cách hòa bình. Song, điều đó không bao giờ trở thành hiện thực. 

Và ngày thoái vị của Frank Costello.

Cho dù sau khi Luciano bị bắt và đích thân gọi điện đề nghị Costello nắm quyền (nghĩa là thực sự trở thành một ông vua không ngai của giới tội phạm có tổ chức), tình trạng yên bình vẫn được bảo đảm nhờ các phương thức dàn xếp khôn khéo của "Ngài thủ tướng", thì những mâu thuẫn lợi ích vẫn luôn âm ỉ.

Sự suy tàn của Costello bắt đầu từ cuối những năm 1940. Một "ông trùm" đầy tham vọng nổi lên, Vito Genovese, kẻ quyết tâm tranh đoạt quyền lực và không ngần ngại sử dụng bạo lực. 

Cũng trong thời điểm đó, mặc dù đã cố gắng củng cố quyền lực bằng việc vung tiền mua sự ủng hộ của các chính trị gia cũng như các luật gia, Costello vẫn bị pháp luật chú ý. Đến đầu thập niên 1950, "Ngài thủ tướng" bị bủa vây bởi cả cơ quan pháp luật lẫn vây cánh của Vito Genovese - kẻ lợi dụng tình thế.

Ngày 4-10-1951, Willie Moretti, một đồng minh thân cận của Costello, bị bắn chết. Năm 1952, y bị tuyên án 18 tháng tù vì tội coi thường Thượng nghị viện. 

Năm 1953, vừa được thả sớm 4 tháng do hành xử tốt, Costello lại bị Cục thuế liên bang khởi kiện vì tội trốn thuế. Những cuộc chiến pháp lý kéo dài tới tận đầu những năm 1960, khi Costello đã 70 tuổi. Trong quãng thời gian mà y phải ra ra vào vào phòng giam liên tục đó, Vito hành động. 

Ngày 2-5-1957, Costello nhận một tràng tiểu liên. Không chết, nhưng đó chính là thời điểm "Ngài thủ tướng" bị truất phế. Costello được Vito cho phép sống sót. Đổi lại, y phải buông tay khỏi mọi quyền lực, mọi khoản lợi nhuận, mọi hoạt động trong giới tội phạm.

Dù sao, đó có lẽ cũng là một kết cục bình yên chấp nhận được, cho một "ông trùm" hiểu luật, không lạm dụng quyền lực, biết giới hạn, tôn trọng các thỏa hiệp và càng ngày càng xa rời bạo lực, như Frank Costello. 

* Theo "giang hồ đồn đại", trong thời hoàng kim, Frank Costello sở hữu khoảng 5.000 chiếc máy đánh bạc, được đặt rải rác khắp phạm vi New York. Thậm chí, có cả những chiếc máy được thiết kế đặc biệt, để trẻ em cũng có thể "tận hưởng thú đỏ đen" như người lớn.   

* Rất biết cách tận dụng báo chí để tạo vỏ bọc, Frank Costello thường xuyên bố thí cho người thất cơ lỡ vận trước ống kính. Y cũng không sử dụng vệ sĩ hay tài xế riêng trong sinh hoạt hằng ngày. Costello thích tự đi bộ, hoặc đi taxi.

Đông Quân