Nỗi lo an ninh mạng ám ảnh các chính trị gia "Lục địa già"

Thứ Năm, 23/03/2017, 07:50
Dù kiểm soát chặt chẽ và loại bỏ hệ thống máy tính cũ phục vụ cho cuộc tổng tuyển cử, song trong ngày bỏ phiếu hôm 15-3, hai website được cử tri Hà Lan sử dụng để giúp họ quyết định bầu cho đảng nào vẫn không thể truy cập do tin tặc tấn công. Điều này cho thấy những báo động mới về an ninh mạng ở châu Âu trong khi mùa bầu cử đã cận kề. 


Sự chuẩn bị của "Lục địa già"

Trên thực tế, từ sau cuộc tấn công vào mạng bầu cử của Tổng thống Mỹ năm 2016, an ninh mạng đã trở thành vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm lớn của Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới. Trong bối cảnh bất ổn xã hội - chính trị leo thang, vấn đề này chính là thách thức lớn đối với các nhà chức trách trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đối với những quốc gia châu Âu tổ chức bầu cử trong năm 2017 như Hà Lan, Pháp, Đức, Na Uy... 

Theo một nghiên cứu chiến lược về an ninh mạng thì những kế hoạch mà các quốc gia đang thực hiện giống như nhận định về chiến lược hạt nhân trong những năm 1950. Tại thời điểm đó, các nhà phân tích chưa nhận thức rõ về ý nghĩa của hành vi tấn công, phòng thủ, răn đe cũng như các quy tắc ứng xử. 

Gần đây, việc đảng trung hữu của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte giành thắng lợi trước đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 15-3 đã phản ánh nhận thức sâu sắc của Chính phủ nước này về quản trị an ninh mạng.

Những tiết lộ về việc hacker tấn công hệ thống bầu cử Mỹ đang là nỗi lo lớn ở châu Âu. Ảnh: Thinkstock

Cụ thể, hồi tháng 2, giới chức Hà Lan đã thông báo loại bỏ hệ thống máy tính cũ phục vụ cho cuộc tổng tuyển cử và kiểm hàng triệu phiếu bằng tay, sau khi tìm ra các lỗ hổng trong hệ thống máy chủ. Nhưng dù đã kiểm soát chặt chẽ thì hai website được cử tri Hà Lan sử dụng để giúp họ quyết định bầu cho đảng nào đã không thể truy cập do tin tặc tấn công. 

Hiện vẫn chưa rõ các vụ tấn công này có liên quan đến căng thẳng ngoại giao bùng phát vào cuối tuần trước giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Nhưng, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh của châu Âu có nhiều biến động phức tạp với sự nổi lên của nhiều đảng phái theo chủ nghĩa dân túy (populism), thì kết quả của cuộc bầu cử của Hà Lan đã giúp châu Âu phần nào “thở phào nhẹ nhõm” trước khi tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài với chủ nghĩa này.

Trong một diễn biến khác, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới của nước Pháp vào ngày 23-4 tới, quân đội nước này quyết định sẽ tăng gấp đôi lực lượng “chiến binh mạng” lên 2.600 người từ nay cho đến năm 2019. Ngoài ra, 600 chuyên gia máy tính được bổ sung để hỗ trợ lực lượng chuyên trách này.

Rõ ràng, Pháp đã có những chuẩn bị thận trọng và cụ thể nhằm đối phó với tình huống bị các thế lực bên ngoài can thiệp. Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian từng tuyên bố nước Pháp muốn “học hỏi những bài học vì tương lai” và nhấn mạnh nước này cùng các đảng phái của họ sẽ đối mặt với không ít nguy cơ so với những gì người Mỹ đã trải qua.

Hôm 8-2, Cơ quan tình báo Pháp cho biết tin tặc nước ngoài vẫn tiếp tục cố tình can thiệp quá trình bầu cử với ý đồ ủng hộ ứng cử viên đảng cực hữu, bà Marine Le Pen. Theo đó, bằng cách sử dụng các ứng dụng phần mềm tự động, hàng triệu thông tin tích cực về ứng cử viên Tổng thống đảng cực hữu được đăng tải lên mạng, đồng thời tung ra các thư điện tử bí mật từ những đối thủ của bà.

Mới đây, ngày 19-3, Giám đốc Cơ quan An ninh Thông tin liên bang Đức (BSI) nêu rõ, cơ quan này nhận thấy nguy cơ tấn công đối với mạng lưới thông tin của Chính phủ là rất thường xuyên và liên tục, đồng thời nâng mức độ cảnh báo đối với các vụ tấn công mạng trước cuộc bầu cử vào cuối tháng 9 tới. 

Hiện tại, Đức sở hữu khoảng 1.000 văn phòng máy chủ với các quy mô lớn nhỏ khác nhau, tập trung tại một vài địa điểm chính được bảo vệ nghiêm ngặt. BSI cũng liên hệ mật thiết với quan chức phụ trách bầu cử, các đảng phái và các chính quyền có liên quan để chống lại sự lộng hành của tin tặc ngay trong các chiến dịch tranh cử, bởi ở Đức không sử dụng mạng bầu cử điện tử. 

Trước đó, năm 2015, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào Hạ viện đã khiến Đức phải xây dựng lại hoàn toàn hệ thống an ninh số. Tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich tháng 2 vừa qua, ông Andrus Ansip, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm về thị trường số đã nhấn mạnh mối đe dọa toàn cầu về tội phạm mạng và những rủi ro mà nó gây ra.

Ông Andrus Ansip nhấn mạnh, an ninh mạng được coi là một ưu tiên chính trị, các quốc gia phải làm việc như những nhà hoạch định chính sách. Sự phối hợp vững chắc giữa các chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức phi chính phủ chính là chìa khóa để loại trừ mối đe dọa này.

Và nỗi lo căng thẳng chính trị

Trở lại với vụ tấn công của tin tặc vào mạng bầu cử Mỹ hồi cuối năm 2016 gây xôn xao thế giới, chính phủ nước này đã tốn rất nhiều thời gian để điều tra, nhóm họp và điều trần trước Quốc hội về cuộc tấn công mạng được cho là do tin tặc Nga thực hiện. 

Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã ra lệnh điều tra và thực hiện một số biện pháp trừng phạt Nga như trục xuất 35 nhà ngoại giao, trừng phạt 2 cơ quan tình báo Nga là GRU và FSB cùng 4 quan chức GRU vì những cáo buộc này. Ông Barack Obama còn yêu cầu đóng cửa 2 trung tâm của Nga ở New York và Maryland vì cho là các trung tâm này duy trì hoạt động nhằm thu thập tình báo. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt 2 người Nga là Evgeniy Mikhailovich Bogachev và Aleksey Alekseyevich Belan vì cáo buộc có những hành vi mạng nguy hiểm với việc đóng băng tài sản của họ ở Mỹ và cấm các công ty Mỹ làm ăn với họ... 

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thừng phản bác rằng Nga không hề dính líu đến bất kỳ một nỗ lực nào gây ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp với các lãnh đạo của nhiều cơ quan tình báo Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: "Mặc dù các nước khác, các cá nhân và tổ chức bên ngoài luôn tìm cách phá rào cơ sở hạ tầng mạng của các cơ quan trực thuộc chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức, bao gồm cả Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, thì kết quả của cuộc bầu cử hoàn toàn không thể bị ảnh hưởng và xoay chuyển".

Ông Donald Trump cho biết sẽ hoàn tất báo cáo về tấn công tin tặc nước ngoài trong 90 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng thông báo về kế hoạch soạn thảo giải pháp đối phó tân tiến nhất với các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ trong tương lai. Trước đó, tại diễn đàn Shangri-La lần thứ 15 năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đưa ra một thông điệp quan trọng về xây dựng mạng lưới an ninh tập thể, dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi, có sức ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường ổn định ở khu vực.

Linh Bùi
.
.
.