Hẹn nhau canh hát hội Lim

Thứ Tư, 10/03/2021, 09:53
Hát canh là hình thức hát quan họ được tổ chức trong "nhà chứa", là lối hát giữa bọn quan họ làng mở hội với bọn quan họ kết chạ với mình. Hát canh chỉ diễn ra vào ban đêm trong hội xuân. Theo lời các nghệ nhân quan họ thì muốn biết nghề chơi quan họ công phu thế nào thì phải nghe hát canh.


Say tình quan họ

Đến hẹn lại lên, 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm, du khách lại đổ về hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Người người lên đồi Lim để nương câu hát mà giao duyên. Còn chúng tôi đi tìm những canh hát quan họ cổ, nơi lưu giữ hồn cốt của người quan họ. Muốn biết nghề chơi quan họ công phu thế nào thì phải nghe hát canh, các nghệ nhân quan họ đã dạy vậy. Năm nay, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên mọi lễ hội đều đóng cửa. Hội Lim cũng không ngoại lệ. Chúng tôi nhớ về hát canh ngày chính hội của những năm trước.

Năm ấy, chúng tôi tới gia đình nghệ nhân quan họ Nguyễn Hữu Thoa ở xóm Trùng, thôn Lũng Giang (thị trấn Lim). Nhiều năm phụ trách Câu lạc bộ quan họ, tham gia ban tổ chức hội Lim, được tạm nghỉ một năm, anh Hai Thoa mới lại mở hát canh tại gia đình để đón bạn. Canh quan họ đêm ấy, gia đình anh Hai Thoa lại được đón cặp chị hai, chị ba quan họ Liên - Tưởng bên làng Diềm (nay là làng Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), chị hai chị ba quan họ Chính - Nguyên từ Hà Nội "tới chơi nhà".

Canh hát hội Lim

Canh hát quan họ là dịp để các bọn quan họ tranh tài với nhau. Tuy nhiên, tranh tài chỉ là để "chơi", cho nên hình thức hát canh còn gọi là "Quan họ du ca tại gia" (quan họ hát chơi trong nhà). Các nghệ nhân quan họ cho biết là trong quan họ tuyệt đối không bao giờ có hát thi. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa chia sẻ, dù xã hội có nhiều thay đổi, song theo lệ xưa, một canh hát quan họ cổ bao giờ cũng tuân thủ chặt chẽ ba chặng hát, từ giọng lề lối, giọng vặt và cuối cùng là giọng giã bạn.

Trong chặng đầu tiên, sau những nghi thức giao tiếp giữa quan họ khách và quan họ chủ, các liền anh liền chị ca những bài lề lối giọng cổ: La giằng, kim lan, tình tang, cây gạo, gió mát giăng thanh, cái hời cái ả… Người hát chậm rãi, nhả cho hết âm để ra đúng chất "vang, rền, nền, nảy"  đặc trưng của quan họ truyền thống.

Chặng sau, người quan họ sang giọng vặt còn gọi là hát giao duyên. Hát giọng vặt, các liền anh liền chị không phải theo trình tự bắt buộc theo thứ tự tên các bài ca. Hát theo lề lối cũ, các bài giọng vặt đậm đà hơn, tình nghĩa gắn bó hơn, thể hiện nỗi nhớ mong, thương cảm về cuộc đời, về số phận con người như: Con ếch, ông Năng Nhẫn... Người quan họ giãi bày tâm sự bằng nghệ thuật ca, thể hiện sự tài hoa đối đáp giữa hai bên. Thật đúng là "Quan họ càng về khuya, càng bổng, càng trầm, càng mặn nồng tình nghĩa". Canh càng về khuya, những bài hát thiết tha gắn bó, về nỗi nhớ, niềm thương...

Chặng cuối, khi đêm đã khuya, ngày sắp rạng, quan họ khách cất giọng hát những câu giã bạn để xin phép gia chủ ra về. Liền anh liền chị ca bài “Chuông vàng gác cửa tam quan”. Rồi bên quan họ chủ hát đối bằng những lời ca giữ khách.

Lúc này, miếng trầu hay chén rượu đều có thể được dùng để mời nhau bằng những lời ca nồng thắm. Khách, chủ trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, không muốn rời nhau. Hai bên thường ca những bài gây xúc động lòng người như: “Người ở đừng về”, “Tạm biệt từ đây”, “Chia rẽ đôi nơi”, “Kẻ Bắc người Nam”, “Con nhện giăng mùng”… Những canh hát quan họ như thế thường diễn ra thâu đêm đến gần sáng. Một người bạn trong đoàn chúng tôi đã tức cảnh có mấy vần thơ rằng "các cụ ông say thuốc/ các cụ bà say trầu/ còn con trai con gái/ chỉ nhìn mà say nhau". Say người ấy cũng là say tình quan họ vậy.

Câu hát nương theo canh khuya

Đến độ nửa đêm, những quan khách vãng lai đến với gia chủ để tráng men canh hát đều đã lục tục trở gót ra về, chỉ còn chúng tôi ngồi lại. Đêm càng khuya, lời ca càng "vang, rền, nền, nẩy", hồn vía người nghe cũng chìm trong câu hát, lạc về những không gian nảo nào thốt ra từ lời quan họ.

"Say men, say hát, say cười. Say trầu say thuốc say người năng say". Canh cứ sang theo những khúc đẩy đưa như thế. Để rồi, các giọng “Tạm biệt từ đây” cũng dần được cất lên. Câu hát nương theo canh khuya tới khi bên các liền anh cất nhời ca: "Kính quan họ nghỉ chúng tôi ra về".

Các liền chị chưa muốn cho các liền anh ra về nên cất nhời: "Việc nhà đã có chị hai ì ì ì i/ Xin í i đôi người, tình chung giăng mà ở lại, mà chơi đến mai sẽ về/ Tình tang tính, tính tang tình, anh rằng hai ơi/ Đương vui thế này, sao lại trở ra về, có dở dở dương không…".

Dẫu dùng dằng nửa ở nửa về, các liền anh đáp lại: "Chơi cho huê nở hồng hồng/ Nhuộm thêm cái bụi đào thắm, huê lại tốt tươi, đôi ba người hái chơi/ Ô lình tính tinh, kính gia đình nghỉ, chúng tôi trở là có ra thì về…".

Đôi mắt chị hai, chị ba lúng liếng để thử giữ chân anh hai, anh ba: "Mai về tôi chẳng dám giữ đâu, í ì ì i/ Chiếc í i khăn hồng, tình chung í i tình chung răng mà trao trả/ Chiếc í i khăn hồng, tình chung, tình chung răng mà để lại làm tin í i trong nhà, tình tinh tính, tính tinh tình anh rằng ba ơi… Đương vui thế này, sao lại trở ra về, liệu có dở dở dương không…".

Anh hai, anh ba cũng lưu luyến chưa muốn về ngay, bởi: "Chơi cho thiên địa xoay vần/ Tứ thời là thời bát tiết để hương xuân còn dài". Song các anh vẫn xin phép ra về.

"Về là chứ đôi anh về, mai anh lại là sang chơi ngay/ Về là chứ đôi anh về, mai anh lại là sang chơi liền…", chị hai, chị ba cất lời như níu vạt áo các anh. Quan họ là tình, lời hát nhã mà đượm, tình nồng mà không phô, ấy là vậy. Tuy nhiên, mặc câu hẹn "chơi cho lở trống long chiêng, cho xoay vần trời đất", mặc các chị hai chèo kéo hự là, các anh vẫn ra về.

Đôi chị hai Liên - Tưởng trong canh hát hội Lim.

Hậu phương quan họ

Canh tàn, gia chủ lại "chong đèn thêm rượu". Thêm chút rượu, thêm nồng, con mắt liếc ngang, tình thêm gắn bó. Thật đúng là như lời người bạn: "Chưa đi chưa biết hội Lim/ Đi về mới tiếc chẳng tìm từ lâu...".

Về với quan họ, điều tôi chú ý là những người mẹ, người vợ, người con gái làng Lim cứ âm thầm lui về phía sau để chuẩn bị cho những canh hát thâu đêm suốt sáng. Nào trà nước tiếp khách đến nhà. Kẹo lạc "nhà làm" mộc mạc và vài thức quả quê bày đơn sơ trên chiếu. Nào cơm rượu đến bữa chính. Nào đồ ăn nhẹ để ban đêm các liền anh liền chị và quan khách có chút lót dạ cho ấm cái bụng mà nhời ca lại tiếp tục vang vang.

Canh quan họ đêm ấy, lúc lúc tôi lại nhìn ra sân, ngoài ấy, bà Nguyễn Thị Hoa, vợ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa cũng say theo canh hát. Nhưng bà và các con trai, con gái, con dâu, con rể lấy việc phục vụ các liền anh liền chị và quan khách làm niềm vui của mình. Bất giác, tôi nhớ đến lời quan họ cổ rằng:

"Tay em têm một cơi trầu/ Em mang ra trước trình chồng/ Sau đem ra thếp à thếp bạn/ Bạn ăn một miếng bạn giở ây hầy như a là ra về/ Lại được ới à tiếng khen một mình em ghính vác giang san/Ấy mấy chông bên là nhà chồng/ Một mình em ghính vác giang san/Ấy mấy nha bên là nhà chồng".

Thì ra, gái có công chồng chẳng phụ. Người quan họ tình tứ cũng đến là vậy. Đãi khách đường xa đến chơi nhà hiếu khách bao nhiêu thì cũng chẳng quên tình người vợ.

Đương khi đông hội nghỉ giải lao sau canh hát, tôi khẽ hỏi bà Hoa về những chuyện hậu phương bếp núc. Bà chỉ cười giản dị mà rằng: "Cả năm mới có ngày hội. Được đón khách về với gia đình là niềm vui của mỗi nhà. Tôi cố gắng để khi quan khách ra về dẫu chả được mười mươi thì cũng phải được bảy tám phần bằng lòng". Một câu nói đủ gói tất cả tấm tình quan họ.

Đành cầm lòng vậy

Có năm canh hát giã bạn từ sớm. Một bạn đồng nghiệp của chúng tôi chứng kiến canh hát mấy năm trước gia chủ buồn chán: "Mấy chục năm làm chủ chứa hát canh, năm nay là năm đầu giã bạn từ 12 giờ đêm đấy. Cháu nhìn đi. Làm gì còn ai nghe mà hát đến sáng. Năm nay không hiểu sao vắng đến thế này. Mọi năm người từ Bắc Ninh xuống, người từ Hà Nội lên. Họ ngồi kín nhà. Rồi ở sân. Chỗ này. Chỗ này nữa. Xe để kéo dài cả ngõ. Hát đã lắm. Ngày xưa chú cũng hát. Nhiều hôm đối thua, tức không ngủ được".

Gia chủ chỉ cho bạn đồng nghiệp của chúng tôi thấy người em trai của mình, cũng một liền anh quan họ có tiếng trong vùng. Vậy mà hôm nay "hát chán quá. Thấp lè tè như đọc". Gia chủ nhìn quanh thấy lớp của mình đều có tuổi cả rồi. Ông cảm thán:

"Bọn trẻ giờ lười học quan họ cổ. Thuộc vài bài ra hội kiếm tiền nhanh. Nên giờ bọn chú cố thôi. Ừ, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đấy. Cũng phải cố thôi".

Thực tế quan họ cũng có những điều chẳng được như ý. Biết vậy đấy mà vẫn mê hát canh như lời quan họ rằng: Đành lòng vậy, cầm lòng vậy!

Kiều Mai Sơn

.
.
.