Afghanistan: Hòa bình trong những tiếng bom?

Thứ Bảy, 27/03/2021, 16:24
Chưa đầy một ngày sau khi vòng hòa đàm mới bắt đầu tại Moskva (Nga), Kabul (thủ đô Afghanistan) lại rung chuyển bởi tiếng bom khủng bố (ngày 18-3, nhằm vào một chuyến xe buýt chở các nhân viên chính phủ). Ít nhất 3 người thiệt mạng và 11 người bị thương.


Trước đó 2 ngày, những tay súng Taliban cũng tấn công một chuyến xe buýt khác, làm 2 người chết và 6 giáo viên đại học bị thương. Hòa bình dường như vẫn chỉ là một ảo ảnh dưới cái bóng hắc ám lồng lộng của bạo lực.

“Có thể” cũng có nghĩa là “bắt buộc”

“Triệt thoái toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 1-5 là điều vẫn có thể thực hiện được, dù khá khó khăn” - lời tuyên bố ấy của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 17-3, một lần nữa tô đậm tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà chính quyền Mỹ đang phải đối diện, với những mâu thuẫn và giằng xé bởi các vấn đề tồn tại trong nội bộ của chính mình.

Tình trạng bạo lực ở Afghanistan có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo.

Đầu tiên, thời hạn 1-5 ấy đã đến rất gần, song không hề có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng bạo lực có chiều hướng giảm đi, tại Afghanistan. Những nỗi lo ngại của giới quan sát quốc tế, về việc đất nước ấy lại một lần bị nhấn chìm vào hỗn loạn và tang tóc vào thời điểm các khoảng trống quyền lực lộ rõ (sau khi 2.500 người lính Mỹ cuối cùng cùng những đơn vị gìn giữ hòa bình khác, chủ yếu của các nước đồng minh phương Tây, rời khỏi vị trí đồn trú) đã không chỉ còn là những dự cảm, mà thực sự trở thành hiện thực u ám.

Còn hơn cả bóng ma của một cuộc nội chiến, tấm gương tày liếp tại Iraq - nơi lính Mỹ rút đi mà chính quyền trung ương Baghdad còn chưa đủ vững mạnh để “tự lực cánh sinh”, dẫn đến sự trỗi dậy khủng khiếp của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ những hố thẳm thù hận và tham vọng - cũng là nguy cơ không thể không nhắc đến. IS chưa từng bị tận diệt và mới chỉ bị đẩy lùi. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà tiêu biểu là đoàn quân cờ đen tang tóc ấy, rất giỏi trong việc tận dụng những mâu thuẫn hay xung đột, nhằm tái tạo thứ “tử khí” mà chúng mang lại.

Có điều, thực ra, những vấn đề quốc nội hay những câu chuyện của riêng nước Mỹ mà ông chủ mới của Nhà Trắng đang phải xử lý còn mệt mỏi hơn thế nữa, so với các yếu tố đối ngoại.

Thứ nhất, việc tiếp nối một lộ trình mà người tiền nhiệm Donald Trump vạch ra, rõ ràng khó có thể là điều “dễ chịu” đối với chính quyền Washington đương nhiệm, khi nó gián tiếp thừa nhận rằng lộ trình ấy là đúng đắn. Thứ hai, việc rút quân khỏi một vùng “trọng địa” như Afghanistan có lẽ thể hiện sự trái ngược đối với quan điểm: “Nước Mỹ sẽ trở lại gánh vác nhiều trọng trách hơn trong các vấn đề toàn cầu” mà đương kim Tổng thống Joe Biden tái khẳng định gần đây, trong một thông điệp chính thức.

Và thứ ba, có lẽ Nhà Trắng cũng không có sự lựa chọn nào khác là hoàn tất tiến trình triệt thoái ấy. Đây không chỉ là vấn đề thực thi các cam kết quốc tế. Đây còn là câu chuyện liên quan tới một khía cạnh “phàm tục” và “thiếu lý tưởng” nhưng lại vô cùng thiết thực: Tiền.

Triệt thoái binh sĩ không chỉ là một vấn đề thuần túy quân sự của nước Mỹ.

Kinh phí để duy trì những đơn vị đồn trú như vậy, một cách ngắn gọn, là không hề nhỏ. Thế mà, dư luận trong nước Mỹ vẫn đang dậy sóng bởi câu hỏi: Cho dù gói cứu trợ các công dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu COVID-19 đã được Quốc hội Mỹ thông qua, thì chính quyền sẽ lấy nguồn tài chính từ đâu để đáp ứng con số khủng khiếp 1.900 tỷ USD đó? Ngoài cách tăng thuế - điều rõ ràng là sẽ tạo nên sự “xáo động nhân tâm”, Nhà Trắng đương nhiên phải tính đến việc cắt giảm mọi khoản chi ít thiết thực hơn. Và thật éo le, đó lại là điều mà cựu Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã luôn nhấn mạnh.

Cuộc chơi để ngỏ

Không còn lực lượng quân sự đồn trú tại Afghanistan, đương nhiên, Mỹ sẽ không còn là người chơi chính duy nhất trên bàn cờ địa chính trị tại đây.

Có thể hiểu, khi chuyển trọng tâm từ cuộc đàm phán do mình chủ xướng tại Doha bị đình trệ sang kêu gọi sự hợp tác của cả chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lẫn lực lượng Taliban cũng như lãnh đạo các nhóm chính trị khác, đồng thời tham dự hòa đàm Moskva mà Nga tổ chức (với sự tham dự của cả đại diện Pakistan và Trung Quốc), khi nỗ lực thúc đẩy và cổ vũ sự hình thành của một chính phủ liên hiệp thông qua sự hỗ trợ của rất nhiều nhân tố, Washington tạm thời chấp nhận hy sinh một phần tầm ảnh hưởng và lợi ích địa chính trị của mình tại Afghanistan, khi đặt nó lên cán cân nặng - nhẹ cạnh những vấn đề bức thiết hơn.    

Và bởi vậy, lần đầu tiên, Mỹ đã cử đại diện đến tham dự một hội nghị quốc tế về tiến trình hòa bình cho Afghanistan do Nga tổ chức. Hai cường quốc hàng đầu thế giới, trước đây luôn hành động riêng rẽ, nay đã xích lại gần nhau hơn, với mục tiêu chung là kiến tạo một lộ trình chuyển giao quyền lực bằng những giải pháp chính trị.

Liên Hợp Quốc cũng không đứng ngoài cuộc. Ngày 17-3, Tổng Thư ký Antonio Guterres thông báo về việc bổ nhiệm một đặc phái viên mới: Jean Arnaud - một nhà ngoại giao kỳ cựu của nước Pháp. Như vậy, 4/5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp), theo cách này hay cách khác, đều đã đang có những tác động đến tình hình Afghanistan, theo hướng chung được xác lập: Bảo đảm cho các cam kết về những giải pháp hòa bình.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đề nghị Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp với sự tham gia của của các ngoại trưởng tới từ các nước láng giềng của Afghanistan về việc đảm bảo ổn định tương lai, bao gồm cả vấn đề Iran.

Hiện trường vụ đánh bom khủng bố xe buýt ngày 18-3.

Vấn đề là, những câu chuyện của riêng một quốc gia lại chỉ có thể được xử lý triệt để, khi đáp ứng được nguyện vọng của tương đối đầy đủ các thành phần chính trị trong nội bộ quốc gia đó. Ở đây, không nghi ngờ gì nữa, Kabul thực sự mong mỏi hướng tới một “đích đến” an toàn, nghĩa là hòa bình và ổn định, với sự bảo đảm cho vị thế của chính quyền trung ương. Song, ngược lại, Taliban có cùng quan điểm ấy không và thực sự đang ôm ấp những tham vọng gì?

Không nên quên, 20 năm trước, họ mới là những chủ nhân đích thực của Afghanistan. Họ đã bị đánh bật khỏi vũ đài quyền lực bởi quân đội Mỹ và họ cũng đã tiếp tục cuộc chiến sau đó, cho đến tận lúc này, khi nước Mỹ đã chán ngấy cuộc chiến và buộc phải đề xuất với họ những thỏa thuận riêng rẽ, để có thể “rút chân khỏi vũng lầy”. Nói cách khác, Taliban đang chiếm rất nhiều ưu thế. Ở không ít khía cạnh, họ mạnh hơn chính phủ Kabul, đặc biệt là khả năng tạo bất ổn. Những vụ đánh bom liều chết đã và đang là những lời hăm dọa, rằng một thế lực như vậy, ôm ấp nhiều hận thù cùng khát khao đòi lại những gì đã mất như vậy, kiên trì đến lì lợm như vậy... sẽ không dễ dàng gì bằng lòng với một vài điều khoản nhân nhượng, cũng khó có thể chấp nhận mình bị đặt ở vị thế “chiếu dưới” so với Kabul.

Không còn lính Mỹ và các đồng minh, trong khi có thể tin rằng mọi cường quốc khác cũng đều sẽ lồng ghép những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của mình khi can dự vào vấn đề Afghanistan, trong khi “những con sói đơn độc” của IS vẫn còn lẩn quất tìm cơ hội tiếp tục khơi lên những ngọn lửa..., mọi triển vọng hòa bình dường như đều vẫn còn quá mỏng manh. Đơn giản, hòa bình chỉ có thể được bảo vệ nếu có những công cụ đủ mạnh để bảo vệ nền hòa bình ấy.

Điều này, hình như chưa từng có bất cứ phía nào phác họa được một cách cụ thể, cho dù là trong những lời kêu gọi thống thiết, hay trong nỗ lực thúc đẩy thành lập một chính phủ đa đại diện lâm thời trùm phủ lên toàn lãnh thổ Afghanistan.

Đông Phong
.
.
.