Tổng thống Putin và Tổng thống Donald Trump: Ai sẽ bất ngờ hơn?
- Thủ tướng Đức: Thế giới sẽ được hưởng lợi từ cuộc gặp của lãnh đạo Nga-Mỹ
- Tổng thống Nga-Mỹ hội đàm hơn 2 giờ trong cuộc gặp lịch sử
- Tổng thống Nga - Mỹ ấn định thời gian và địa điểm gặp mặt
Trong khi nhiều người theo thuyết âm mưu cho rằng quan hệ Nga - Mỹ sẽ tốt lên dưới thời của ông Trump, đa số nhà quan sát lại nhận định ông Trump coi bản thân là một nhân tố cách mạng với sứ mệnh xóa bỏ trật tự cũ và xây dựng trật tự mới.
Tưởng rằng nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin có thể “nhẹ người” sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhưng những gì vừa chứng kiến có thể khiến Moscow nhận ra những khó khăn phải đối mặt trong “kỷ nguyên” của ông Donald Trump.
Chưa tính chuyện trả đũa
Hiện nay, ông Donald Trump và đội ngũ bầu cử của mình vẫn đang nằm trong tầm ngắm của các nhà điều tra tìm kiếm mối liên hệ với các quan chức Nga có thể đã mang tới thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử này hiện đang làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow.
Trước đó, Mỹ đã ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và ban hành các biện phát trừng phạt đối với hai cơ quan tình báo Nga bị cáo buộc có liên quan tới vụ tấn công vào các nhóm tranh cử trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Sự việc này đã dẫn đến loạt vụ trả đũa ngoại giao gay gắt giữa Washington và Moscow.
Giới chính khách “xứ cờ hoa” cho rằng nước Mỹ chỉ có thể cải thiện quan hệ với Nga bằng cách đưa ra quan điểm cứng rắn đối với Tổng thống Vladimir Putin cũng như kêu gọi cách biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn chống Moscow.
Cả thế giới lại đang đặt cược và hồi hộp chờ xem liệu ai sẽ gây bất ngờ nhiều hơn, ông Putin hay là ông Trump. |
Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo dự luật này, Tổng thống Mỹ không được phép đơn phương nới lỏng hoặc hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước Nga.
Trong trường hợp muốn can thiệp vào các biện pháp trừng phạt Nga, người đứng đầu Nhà Trắng phải được sự chuẩn thuận của quốc hội. Chính quyền Putin phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các thành phần chính trong nền kinh tế Nga, bao gồm khai khoáng, kim loại, vận tải biển và đường sắt.
Đặc biệt, dự luật cũng quy định các biện pháp trừng phạt đối với những công dân Nga tham nhũng, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cung cấp vũ khí cho lực lượng của Chính phủ Syria và các đối tượng thay mặt Chính phủ Nga tiến hành các hoạt động tấn công trên không gian mạng.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin nhận định dự luật trừng phạt của Mỹ chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước; tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cân nhắc đến việc trả đũa.
Theo đó, Chính phủ Nga cố gắng tránh đưa ra các lệnh trừng phạt để đáp trả việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật gây bất lợi cho Moscow, thay vào đó sẽ chờ đợi cho tới khi dự luật này chính thức có hiệu lực. Ông Putin cho biết hành động tiếp theo của Nga sẽ phụ thuộc vào “thái độ” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Giới phân tích cho rằng, việc luật hóa trừng phạt Nga là một sự mặc định của Washington rằng Moscow có tác động tới chính trị và nội trị của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Putin luôn tỏ ra “hiền lành” và tác động vào Mỹ theo nhiều cách “chưa thể xác định”, thế nên người đứng đầu Điện Kremlin vẫn đang rất kiên nhẫn chưa tính chuyện trả đũa khi Washington quyết trừng phạt Moscow.
Có vẻ như ông Putin hiểu rằng việc Washington trừng phạt Nga sẽ khiến cho các đồng minh của Mỹ chắc chắn phải lãnh hậu quả trước, như thiệt hại của Liên minh châu Âu (EU) hay Nhật Bản trong việc liên minh cấm vận Nga sau sự kiện Crimea. Thực tế này khiến luật trừng phạt Nga có thể bị vô hiệu hóa trong nhiều tình huống với hành động phá rào từ ngay các đồng minh của Mỹ.
Do vậy, thay vì tìm cách trả đũa, chính quyền Putin đang âm thầm xây dựng những cơ chế có thể vô hiệu hóa tác hại của luật trừng phạt. Đây luôn được xem là hướng giải quyết tốt nhất và hạn chế tới mức thấp nhất những bất lợi mà đối phương gây ra. Có lẽ vì vậy mà Tổng thống Putin không xem trả đũa Mỹ là việc quan trọng và quá cần thiết vào lúc này.
Viễn cảnh tan băng quan hệ
Chính quyền Mỹ hiện nay đang có sự phân hóa sâu sắc về việc Washington nên chọn cách tiếp cận nào với lãnh đạo chính quyền Putin, giữa lúc dư luận đang nóng lên vì cuộc điều tra về “mối liên hệ với Nga”.
Nhiều trợ lý của Tổng thống Trump cho rằng, vào thời điểm này, Washington nên giữ khoảng cách và chỉ hiệp lực với Nga theo lối rất thận trọng bằng cuộc gặp chớp nhoáng, hoặc tổ chức cuộc đàm phán về sự ổn định chiến lược với đại diện các phái đoàn Nga - Mỹ mà thông thường không có sự hiện diện của các tổng thống.
Tuy nhiên, bản thân ông Donald Trump lại nhấn mạnh vào mong muốn tiến hành cuộc gặp song phương chính thức với Tổng thống Putin, bởi hàn gắn quan hệ với Nga là một trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử.
Trong cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg (Đức) mới đây, Tổng thống Putin đã cho thấy ông cởi mở hơn rất nhiều và sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Trump nhiều vấn đề quan trọng đối với quan hệ song phương. Cuộc gặp đã diễn ra rất tích cực khi hai nhà lãnh đạo kết nối với nhau “rất nhanh”, và Tổng thống Putin có “cảm nhận tốt” về ông Trump.
Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định có lý do để tin tưởng rằng quan hệ Nga - Mỹ, vốn đã sa sút nghiêm trọng dưới chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, ít nhất sẽ có thể thiết lập lại “một phần mức độ hợp tác cần thiết”.
“Cuộc cách mạng” của ông Trump đã tạo ra một giai đoạn mới khó đoán, ví dụ như khả năng tạo bất ổn toàn cầu - điều mà chính quyền Putin không hề thích. |
Ông Putin cũng khẳng định tại cuộc gặp, Tổng thống Trump đã chấp nhận tuyên bố của Nga bác bỏ cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Đây là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin cũng như giữa tổng thống hai cường quốc Nga - Mỹ trong gần hai năm. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao trong quan hệ hai nước, bắt nguồn từ nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Dường như sau cuộc gặp “định mệnh” này, thái độ của Tổng thống Putin đã thay đổi. Ông tiết lộ Nga có cảm tình với ông Trump vì Tổng thống Mỹ sẵn sàng khôi phục quan hệ giữa Washington và Moscow.
Ông nhấn mạnh việc ông Trump đề cập đến việc khôi phục quan hệ kinh tế và cuộc chiến chung chống khủng bố là một ý kiến tốt đẹp. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn hai nước có thể phối hợp với nhau trong các vấn đề như lệnh ngừng bắn ở Syria - nơi Moscow và Washington cùng chia sẻ lợi ích.
Theo đó, Moscow và Washington đảm bảo các bên sẽ chấm dứt chiến sự và cho phép triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Rõ ràng, hai nhà lãnh đạo đã tìm cách vượt qua những bất đồng, tập trung vào các phương cách để cải thiện quan hệ song phương, và phía Nga cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ cũng như tiến trình dân chủ của Mỹ. Vậy nhưng, ông Putin vẫn phải dè chừng bởi vì sau khi ông Trump lên nắm quyền thì vị trí của Nga đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
“Cuộc cách mạng” của ông Trump đã tạo ra một giai đoạn mới khó đoán, ví dụ như khả năng diễn ra các cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, hay tạo bất ổn toàn cầu - điều mà chính quyền Putin không hề thích.
Chưa hết, Điện Kremlin biết rằng phe Dân chủ muốn dùng Nga để làm mất uy tín và thậm chí là để luận tội ông Trump, trong khi phe Cộng hòa muốn dùng Nga để thử thách ông Trump. Do đó, chính quyền Nga luôn chuẩn bị đối phó với viễn cảnh ông Trump thất thế, hoặc ông Trump có thể chuyển sang giọng điệu chống Nga nhằm làm lành với các lãnh đạo Cộng hòa “diều hâu” trong quốc hội.
Việc ông Trump làm Tổng thống Mỹ cũng khiến quan hệ của Nga với Trung Quốc và Iran thêm phức tạp. Nga có lợi ích khi bình thường hóa quan hệ với phương Tây nhưng không có nghĩa là Nga phải nhập liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, dường như ông Trump lại khăng khăng muốn tạo một liên minh như vậy khiến chính quyền Putin rơi vào thế khó xử.
Ngoài ra, Nga cũng không thể “hùa” theo ông Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ liệt Iran vào vào danh sách cấm nhập cảnh, một phần là vì quan hệ với Iran và hai là vì Nga cũng có tới 20 triệu người Hồi giáo, không thể ủng hộ quan điểm chống Hồi giáo của ông Trump.
Chưa hết, khi ông Trump vào Nhà Trắng thì ông Putin dường như mất thế “độc quyền” về mặt khó đoán trong các vấn đề địa chính trị. Truyền thông Nga đã phải “bớt đất” cho ông Putin để dành cho ông Trump. Trong khi đó, cả thế giới lại đang đặt cược và hồi hộp chờ xem liệu ai sẽ gây bất ngờ nhiều hơn, ông Putin hay là ông Trump...